Vai trò tiên phong của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính phủ sẽ trở thành "nhà đặt hàng lớn nhất" của doanh nghiệp công nghệ số
Bùi My
Thứ hai, ngày 11/12/2023 20:10 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những hiến kế của các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE) lần thứ 5, và tin rằng đây là cơ sở để giúp Việt Nam thay đổi diện mạo.
Vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE) lần thứ 5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc mừng các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty nhận giải thưởng “Make in Vietnam” năm 2023. Qua đây có thể thấy, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trọng tâm là xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số đã và đang tác động ngày càng sâu đến tất cả lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trên phạm vi toàn cầu.
"Chuyển đổi số là cơ hội hiếm hoi cho những nước đang phát triển, đang đi sau như Việt Nam có thể đuổi kịp, vượt lên, như những thành công mà ngành viễn thông, công nghệ số đã đạt được" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần có một tầm nhìn khác biệt, tạo ra sản phẩm khác biệt, thể hiện tư duy Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam, con người Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam xác định, không gian mới là kinh tế số; lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số... Hệ sinh thái số được hình thành bao gồm thiết kế, xây dựng, chế tạo, cùng với các dữ liệu nền tảng, từng bước số hóa tất cả hoạt động kinh tế-xã hội vào lộ trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tạo ra sự khác biệt
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các doanh nghiệp cần đồng hành cùng với Chính phủ dẫn dắt, khởi tạo cho kinh tế số, thông qua các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Chính phủ sẽ kiến tạo môi trường pháp lý và trở thành “nhà đặt hàng lớn nhất” nhằm tạo ra thị trường, tạo ra đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp số.
Không chỉ tạo ra các sản phẩm mang tầm quốc gia, đủ chất lượng để “mang chuông đi đánh xứ người”, các doanh nghiệp công nghệ số Việt nam cần xây dựng được hạ tầng kỹ thuật chung, tạo bệ đỡ cho sự phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cam kết, Chính phủ sẽ lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, để cùng nhau đi và cùng nhau đến, hoàn thành được mục tiêu chuyển đổi số.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, doanh nghiệp khát khao chinh phục thế giới, làm rạng danh Việt Nam bằng sản phẩm, bằng công nghệ Việt Nam. Họ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành giao cho họ nhiệm vụ lớn hơn để chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thay mặt Bộ TTTT, ông Nguyễn Mạnh Hùng hứa sẽ sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
"Chúng tôi xin hứa sẽ mang hết sức mình để biến Việt Nam thành một quốc gia công nghệ, sáng tạo công nghệ và tiêu dùng công nghệ. Dùng công nghệ để hiện thực hóa khát vọng hùng cường thịnh vượng. Và không chỉ có vậy, mà còn biến Việt Nam thành một trung tâm công nghệ số toàn cầu, sản phẩm công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần tạo nên thương hiệu Việt Nam, đóng góp cho sự thịnh vượng của nhân loại" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.