Vấn đề văn hoá - xã hội chưa được đề cập tương xứng

Thứ bảy, ngày 23/10/2010 23:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo cảm nhận của tôi, Dự thảo Báo cáo Chính trị của ban chấp hành T.Ư Đảng khoá X tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng gồm 12 điểm vẫn có vẻ "duy" kinh tế.
Bình luận 0

Đành rằng, kinh tế là yếu tố quan trọng, có tính quyết định, tuy nhiên, với một dân tộc tuy chưa hết nghèo nhưng đã vượt qua đói, nhất là trong xã hội hiện đại này, vấn đề văn hoá - xã hội phải được đề cập một cách tương xứng.

Ngay cả mối liên minh đại đoàn kết toàn dân của Mặt trận Tổ quốc VN (MTTQ VN) được đề cập rất sắc nét nhưng vẫn chưa thể hiện được đầy đủ yếu tố con người, xã hội trong đó. Cơ sở liên minh của MTTQ lâu nay là liên minh chính trị, yêu nước, dân tộc và được mở rộng bằng các cụm từ như: Liên minh vì xã hội công bằng dân chủ, xoá bỏ mặc cảm giai cấp… Vấn đề như xoá bỏ mặc cảm giai cấp cách đây 9 - 10 năm trở về trước là rất có giá trị.

Còn hiện nay, việc xoá bỏ mặc cảm giai cấp đã là điều mặc nhiên; nhiều người không còn mặc cảm giai cấp nữa. Vì vậy, liên minh của MTTQ không nên chỉ dừng lại ở liên minh chính trị như hiện nay mà phải dựa trên sự đồng thuận, hài hoà của xã hội. Xã hội phải được hiểu là lớn hơn tổng số của mỗi con người.

Trong Dự thảo Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (phát triển bổ sung năm 2011) có nói: "Con người là trung tâm của sự phát triển". Điều này đúng nhưng chưa đủ. Con người phải là mục đích của mọi dịch vụ xã hội. Người dân trong hàng chục năm qua chiến đấu, nỗ lực nhiều vất vả, bây giờ là lúc được phép thụ hưởng các nhu cầu cá nhân.

Vấn đề tôn giáo cũng được đề cập nhiều trong văn kiện. Đây là thành quả của việc đổi mới cách nhìn về tôn giáo từ năm 1990, để chuẩn bị cho Cương lĩnh năm 1991. Tuy nhiên, qua 4 năm sau đại hội khoá X đến nay, tôi xin mạnh dạn nói rằng, các quan niệm về tôn giáo vẫn dậm chân tại chỗ. Tôn giáo vẫn được quan niệm ở 3 khía cạnh là: Đại đồng hành với chủ nghĩa xã hội, là nhu cầu của nhân dân; tôn giáo có giá trị văn hoá đạo đức; tôn giáo có tính quản lý, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, trong văn kiện lần này, cái khác chỉ là cách diễn đạt ngôn ngữ chứ chưa có điểm mới. Trong văn kiện có 1 câu rất đáng mừng, nhất là đối với một người nghiên cứu tôn giáo như tôi là: "Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về tôn giáo". Tuy nhiên, ở đây vẫn chưa có gì cụ thể. Chúng ta đã quan niệm, tôn giáo có vai trò quan trọng trong xã hội nhưng phải có thêm các luận điểm đổi mới và cụ thể. Luật pháp về tôn giáo được tăng cường ra sao, làm sao để 23 triệu con người đang theo các tôn giáo có thể đóng góp thế nào cho xã hội... Những vẫn đề rất cụ thể đó vẫn chưa được văn kiện lần này trả lời cụ thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem