Mặc áo dài khăn đóng chạy marathon tại Huế, vận động viên chia sẻ điều bất ngờ này

Trần Hòe Thứ ba, ngày 29/12/2020 10:33 AM (GMT+7)
Vận động viên tham gia giải marathon ở Huế chia sẻ về việc mặc áo dài ngũ thân chinh phục giải chạy.
Bình luận 0

Những ngày qua, việc một số vận động viên mặc áo dài truyền thống tham gia giải VnExpress Marathon Huế 2020 đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Những người phê phán cho rằng việc mặc áo dài chạy marathon là phi thể thao, phản cảm.... Trong khi đó, những người khác khẳng định việc này tạo nên một sắc màu rất thú vị cho cuộc thi và cho Huế, nhất là khi nơi đây đang triển khai đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam".

Vận động viên nói gì về việc mặc áo dài khăn đóng chạy marathon?  - Ảnh 1.

Vận động viên mặc áo dài truyền thống trên đường chạy tại giải VnExpress Marathon Huế 2020. Ảnh: BTC.

Trao đổi với PV Dân Việt, một số vận động viên mặc áo dài khăn đóng tham gia giải cho biết,  bản thân họ cảm thấy vui và có động lực khi mặc trang phục truyền thống chinh phục các nội dung của giải.

Anh Phan Gia Tiến- giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là vận động viên mặc áo dài ngũ thân kèm khăn đóng chinh phục nội dung 42km tại giải. Anh Tiến cho biết, marathon là giải thể thao quần chúng, là ngày hội, nên ko có quy định về trang phục. Hoạt động này khuyến khích vận động viên mang trang phục đẹp, lạ và đặc biệt có thể để nhận diện văn hoá địa phương.

Vận động viên nói gì về việc mặc áo dài khăn đóng chạy marathon?  - Ảnh 2.

Anh Phan Gia Tiến mặc áo dài ngũ thân kèm khăn đóng chinh phục nội dung 42km tại giải. Ảnh: NVCC.

"Tôi đã chinh phục nội dung 42km được 4 lần, nên lần này muốn thử thách với mình bằng bộ áo dài ngũ thân. Trước khi diễn ra, tôi đã đi thử và chọn bộ áo màu tím kèm khăn đóng cùng màu, mang vào thấy rất thoải mái và có chạy thử. Thấy ko vướng gì nên tôi chọn làm trang phục của cá nhân dự giải"- anh Tiến chia sẻ.

Theo anh kể, trong quá trình chạy, cung đường 42km và 21km lặp nhau, nên được rất nhiều vận động viên khen trang phục của anh đẹp, rất Huế. Nhiều người còn kêu anh dừng lại để chụp hình kỷ niệm. Người dân quanh khu vực Kim Long, đường Lê Duẩn, Lê Lợi… rất thích thú khi thấy hình ảnh này và gọi nhau ra cổ vũ rất nhiệt tình.

"Anh chị em ở Huế đều tự nguyện đi may hoặc thuê áo dài ngũ thân để tham gia giải với mong muốn là quảng bá hình ảnh áo dài ngũ thân đến với bạn bè runners và mọi người dân trên mọi miền đất nước"- anh Tiến cho hay.

Vận động viên nói gì về việc mặc áo dài khăn đóng chạy marathon?  - Ảnh 3.

Một nữ vận động viên mặc áo dài truyền thống tham gia giải chạy. Ảnh: BTC.

Nói về cảm xúc của bản thân khi tham gia giải chạy với áo dài ngũ thân, anh Tiến chia sẻ rằng, trang phục truyền thống đã đem lại niềm vui và động lực cho anh và các vận động viên, đồng thời góp thêm niềm vui cho người dân và du khách.

"Tôi yêu áo ngũ thân, với những sự kiện và không gian, thời gian phù hợp tôi sẽ luôn mang theo"- anh Tiến khẳng định.

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc một số vận động viên tham gia giải VnExpress Marathon Huế 2020 mặc áo dài ngũ thân chạy khi chạy không phải là chuyện cá biệt trong mô hình thể thao cộng đồng ở cả nước ta lẫn thế giới.

Vận động viên nói gì về việc mặc áo dài khăn đóng chạy marathon?  - Ảnh 4.

Một nữ vận động viên với áo dài truyền thống trên đường chạy. Ảnh: BTC.

Ông Hải cho hay, rất nhiều giải marathon tổ chức ở Châu Âu, các vận động viên đẩy cả xe nôi, mặc quần áo chú hề, lính cứu hỏa, kể cả một số trang phục kỳ quặc khi tham gia. Thậm chí nhiều giải marathon còn tặng thưởng bình chọn cho những người tham gia mặc trang phục ấn tượng nhất. Bởi lẽ, những giải thể thao này không nhằm tránh đua về thành tích, mà cổ động phong trào chạy thể thao để rèn luyện sức khỏe ở mỗi người.

"Những người tham gia chỉ cần đạt đến vạch đích mình đăng ký, là đã thể hiện sự thành công trong ý chí phấn đấu cá nhân, làm được điều mình muốn làm. Cho nên, làm sao để họ có được sự hứng khởi tốt nhất, niềm vui lớn nhất với thành quả có được, là điều quan trọng. Mà đã như vậy, cá nhân mỗi vận động viên mặc trang phục gì, chạy nhanh hay chạy chậm... đều không phải vấn đề suy xét, miễn đừng vi phạm các tiêu chuẩn thuần phong mỹ tục hay đả kích ai cực đoan là được"- ông Hải nói.

Vận động viên nói gì về việc mặc áo dài khăn đóng chạy marathon?  - Ảnh 5.

Hình ảnh đẹp tại giải VnExpress Marathon Huế 2020. Ảnh: BTC.

Ông Hải cho biết thêm, ông là người chủ động cổ súy phục hưng áo dài truyền thống tại Huế và cả trong phong trào áo dài Việt thời gian qua. Cá nhân ông ủng hộ các bạn trẻ mặc áo dài truyền thống nói chung và áo dài Huế nói riêng. Việc các vận động viên mặc áo dài chạy thể thao càng cho thấy một thực tế tiện dụng của chiếc áo dài, mẫu áo ngũ thân đã đi vào văn hóa Việt và trước đây, phổ biến trong cuộc sống.

"Mặc chiếc áo dài đó, cha ông ta hoạt động, sinh hoạt trong mọi lĩnh vực đều rất thoải mái, từ sản xuất cày bừa, xẻ gỗ, cho đến tập võ, đánh trận...  Do đó, mặc áo dài chạy marathon cũng là điều bình thường, không có gì là lạ lẫm. Có điều, như mọi người thấy, chiếc áo dài ngũ thân trong nhiều năm qua đã xuất hiện trong mắt công chúng với vị thế một mẫu trang phục tề chỉnh, sử dụng trong tế lễ cúng bái, trong những hoàn cảnh trang nghiêm hệ trọng. Người ta chưa quen với chiếc áo này xuất hiện nơi xô bồ, sinh hoạt xã hội thường nhật. Mẫu áo ngũ thân được mọi người quen thấy, cũng là mẫu áo tay thụng, đi kèm khăn vấn... chuyên về lễ lạt nghi thức. Do đó, khi một số bạn trẻ mặc loại áo ngũ thân chuyên dụng cho tế lễ nghi thức này để chạy trên đường marathon, thật ra cũng không phải đúng cách thức. Thậm chí nếu lạm dụng những chiếc áo này, sẽ tạo phản cảm với xã hội. Điều này là đúng và cần được điều chỉnh lại"- ông Hải nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem