Vấn nạn sim rác bày bán công khai: Người dùng tiền mất tật mang

Khải Phạm Thứ tư, ngày 07/09/2022 12:44 PM (GMT+7)
Tình trạng sim đăng ký sim không đúng quy định (sim rác) đang là vấn nạn nhức nhối và sẽ được cơ quan chức năng xử lý mạnh tay trong thời gian tới.
Bình luận 0

Thực trạng sim rác ở Việt Nam

Trên thị trường hiện nay, sim rác được bày bán công khai và người dùng có thể mua tất cả các mạng di động đang hoạt động ở Việt Nam. Các cửa hàng phân phối sim không chính chủ mọc lên "nhan nhản" dù các nhà mạng đã nhiều lần siết chặt quản lý loại sim này.

Vấn nạn sim rác bày bán công khai: Người dùng tiền mất tật mang - Ảnh 1.

Sim rác bán tràn lan. Ảnh KP.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua sim, phóng viên Dân Việt tìm đến cửa hàng trên đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Ngay lập tức, chủ cửa hàng chào mời có rất nhiều loại sim rác chưa đăng ký chính chủ, muốn mạng nào cũng có.

"Ở đây anh bán các loại sim, giá thì từ 100 - 200k/sim tùy thuộc số, nhà mạng hay gói khuyến mại mà sim được hưởng", chủ cửa hàng cho biết.

Khi phóng viên thắc mắc, liệu sim này có bị khóa hoặc mất khi không đăng ký chính chủ không thì người này khẳng định: "Không, không, em cứ yên tâm dùng, sim này dùng thoải mái không bị khóa đâu, bên anh uy tín. Em cứ gọi đi, 2 tháng không gọi, sim chính chủ còn bị khóa nữa là. Nếu khóa, ra đây anh mở lại cho".

Theo đó, việc mua bán sim không chính chủ diễn ra một cách công khai và rất dễ dàng mà không bị kiểm soát bởi nhà mạng. Đặc biệt, những chủ cửa hàng này còn khẳng định sim rác không bị khóa dù nhà mạng có siết chặt quản lý.

Thực tế, người dùng chỉ sử dụng được khoảng 1-2 tuần sẽ nhận được thông báo của nhà mạng bắt buộc đăng ký chính chủ, nếu không sim sẽ bị khóa dù đã nạp tiền đăng ký gói cước để sử dụng.

Chị Quỳnh Anh (Hà Nội), người đã mua và sử dụng sim không chính chủ cho biết: "Ban đầu, tôi mua sim này để sử dụng làm số phụ thôi nghe/gọi, vào mạng một thời gian thôi. Tuy nhiên, khi mới đùng được khoảng 10 ngày thì nhà mạng nhắn tin phải đăng ký chính chủ và vài ngày sau thì chặn chiều gọi đi và vào mạng của tôi. Trước đó, chủ cửa hàng cam kết là dùng thoải mái không thể bị khóa".

Xử lý triệt để sim rác, mạnh tay với nhà mạng - Ảnh 2.

Khách hàng nhận tin nhắn từ nhà mạng khi dùng sim không chính chủ. Ảnh KP.

Khi mang ra cửa hàng đã mua, khách hàng nhận được câu trả lời khá thiếu trách nhiệm của chủ cửa hàng.

"Chủ cửa hàng nói rằng, anh có cam kết không bị khóa đâu, bị khóa thì anh sẽ mở lại cho em. Khi ra cửa hàng thắc mắc thì người này bảo mang chứng minh thư để đăng ký chính chủ và mở lại được sim. Nếu đăng ký chính chủ thì tôi cần gì phải mua ở cửa hàng ngoài với giá đắt mà ra điểm giao dịch của Viettel mua, đăng ký cho nhanh, đúng là lừa đảo", chị Quỳnh Anh bức xúc nói.

Như vậy, có thể thấy, những cửa hàng gắn biển đại lý ủy quyền của nhà mạng như Vietel đang có cách bán hàng không thực sự trung thực với khách hàng. Người dân chủ quan sẽ mua phải sim rác, sử dụng chưa lâu đã bị khóa với mức giá "cắt cổ".

Xử lý thế nào để ngăn chặn sim rác?

Số liệu từ Bộ TT&TT cho thấy, trong năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng đã xử lý giảm 90% sim không đúng quy định so với năm 2020. Theo đó, từ tháng 7/2020 đến tháng 2/2022, các nhà mạng đã chặn 268.575 thuê bao phát tán cuộc gọi nghi vấn là cuộc gọi rác, đồng thời phát hiện và ngăn chặn trên 87 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Tuy nhiên, trong năm 2021 vẫn còn 1,1 triệu sim không đăng ký chính chủ theo đúng quy định. Ngoài ra, một số đại lý đã sử dụng thông tin thuê bao khác để kích hoạt sẵn để bán nên vấn đề quản lý càng trở nên khó khăn hơn...

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chia sẻ: "Khi đối tượng xấu sử dụng các SIM này để đi lừa đảo, trách nhiệm nhà mạng ở đâu trong việc này? Nhà mạng cần doanh thu, nhưng cũng không cần doanh thu từ những thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Vì vậy, nhà mạng phải có trách nhiệm với xã hội và chung tay giải quyết vấn nạn này. Người sử dụng có trách nhiệm phối hợp để xác thực thông tin thuê bao chính chủ, việc này thực hiện rất thuận tiện thông qua các hình thức trực tuyến (video call), tại quầy giao dịch và hotline hỗ trợ của nhà mạng".

Nhằm hạn chế tình trạng sim rác, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, 7 nhà mạng ở Việt Nam gồm Viettel, VNPT,  MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thỏa thuận cam kết ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác. Cùng với đó là kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý những sim có dấu hiệu vi phạm, không chính chủ.

Việc các nhà mạng cam kết đồng hành cùng cơ quan quản lý để xử lý triệt để tình trạng sim rác, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là động thái tích cực và thể hiện quyết tâm lớn trong việc ngăn trạng tình trạng các thuê bao không chính chủ hoạt động hiện nay.

Năm 2019, Bộ đã tổ chức thanh tra, xử phạt 03 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone) 309 triệu do vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Năm 2020 đã xử phạt 04 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone Vietnamobile) 360 triệu đồng. Các Sở TT&TT đã đã xử phạt 12 chi nhánh với tổng số tiền là 190.300.000 đồng, xử phạt 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là 226.950.000 đồng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem