"Vàng trắng" sứa biển vào mùa, ngư dân Kỳ Ninh, Hà Tĩnh rủ nhau tranh thủ "hái lộc” đầu năm
"Vàng trắng" vào mùa, ngư dân Kỳ Ninh, Hà Tĩnh rủ nhau tranh thủ "hái lộc” đầu năm
Thứ hai, ngày 14/02/2022 19:01 PM (GMT+7)
Sứa lá dung Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa dùng. Vì thế, ngay sau tết Nguyên đán, cả trăm hộ dân địa phương đã dồn nhân lực, tập trung khai thác, chế biến sứa biển.
Mùa sứa biển ở Kỳ Ninh bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Vì vậy, ngay sau tết Nguyên đán, nhiều ngư dân địa phương đã bắt đầu mùa đánh bắt của mình bằng hoạt động khai thác sứa.
Sứa đi theo đàn cách bờ khoảng 1 hải lý nên cứ vài tiếng lại có một chuyến tàu trở về với sứa đầy khoang. Các gia đình đều huy động hết nhân lực, phương tiện để chở và sơ chế sứa ngay tại bãi biển.
Bà Trần Thị Tiến ở thôn Tân Tiến, xã Kỳ Ninh chia sẻ: Sứa lá dung đầu mùa rất đắt khách mà lại được giá. Thời điểm hiện tại, sứa thành phẩm có giá dao động từ 60.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại thân hay chân. Thu nhập từ đánh bắt sứa không nhỏ nên hằng năm, cứ đến mùa là gia đình tôi huy động hết nhân lực để đánh bắt và chế biến sứa. Sứa sau khi chế biến được các nhà hàng, tiểu thương thu mua hết. Năm nay, gia đình tôi bắt đầu khai thác sứa từ mùng 8 tháng Giêng, đến thời điểm này đã thu về hơn 30 triệu đồng.
Nhiều gia đình ở Kỳ Ninh bắt đầu đi biển từ ngày mùng 6 tháng Giêng, trung bình mỗi ngày 1 gia đình đi từ 4 - 6 chuyến, khai thác được khoảng 3 - 5 tấn sứa tươi, cho thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/ngày.
Sau đánh bắt, chế biến sứa là một khâu rất quan trọng.
Khi chế biến, người dân sẽ phân loại phần chân...
... và phần thân, để cắt nhỏ.
Sứa sau khi được cắt thành miếng nhỏ sẽ được rửa sạch và trộn với lá lấu nhằm loại bỏ vị tanh nhớt và làm sứa gieo lại. Để món sứa có độ vàng, thơm giòn, hương vị đặc trưng thì nguyên liệu không thể thiếu là lá dung.
Sau ướp 1 - 2 ngày, sứa sẽ chuyển sang màu vàng, mỗi miếng có độ gieo đủ giòn mà vẫn giữ được độ mềm, thanh mát, thoảng vị lá dung.
Sứa thành phẩm có thể dùng với mắm ruốc kèm rau thơm hoặc làm gỏi (nộm) ăn cùng bánh đa. Hương vị đặc biệt lại dễ chế biến nên sứa lá dung Kỳ Ninh được nhiều thực khách xa gần lựa chọn.
"Kỳ Ninh có khoảng hơn 100 hộ dân làm nghề sứa lá dung truyền thống, tập trung ở các thôn Tân Tiến và Tiến Thắng. Ngay sau tết là mùa sứa biển nên người dân tập trung đánh bắt, chế biến để kịp phục vụ nhu cầu thị trường. Sứa lá dung truyền thống được thực khách gần xa ưa chuộng và rất “được giá”, tạo thêm nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân trong xã..." - Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.