Vào bệnh viện để... cai nghiện thuốc lá

HỮU KÝ Thứ sáu, ngày 07/08/2015 08:09 AM (GMT+7)
Đó là cách làm của nhiều bệnh viện nhằm hỗ trợ bệnh nhân giảm, tiến tới cai nghiện thuốc lá. Hoạt động này được hỗ trợ từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Bộ Y tế thông qua tập huấn về cai nghiện thuốc lá cho 120 cán bộ y tế thuộc 26 các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên.
Bình luận 0

Thí điểm mô hình cai nghiện thuốc lá

Theo Quỹ PCTHTL hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá tại nước ta được thực hiện khá sớm. Ngay từ năm 2003 hoạt động tư vấn và tổ chức tập huấn về cai nghiện thuốc lá tại một số bệnh viện như: Bệnh viện K, Ung Bướu TP.HCM, Bệnh viện Phổi T.Ư Phúc Yên, Bệnh viện Phổi T.Ư. Năm 2006 các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho các bệnh viện tuyến tỉnh của 63 tỉnh, thành.

img

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.  Ảnh:  Hữu Ký

Đến năm 2010 hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá được đẩy mạnh hơn khi các cơ quan chức năng đã biên soạn tài liệu giảng dạy về tư vấn cai nghiện thuốc lá và tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá, thí điểm đường dây nóng cai nghiện thuốc lá, đồng thời tổ chức tập huấn các tư vấn viên về cai nghiện thuốc lá… Các chương trình đó đã mang lại nhiều kết quả tích cực tạo tiền đề cho công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Riêng trong năm 2015, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá trên diện rộng với mục tiêu tăng cường tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại và công tác tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế. Cụ thể bên cạnh việc thành lập trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ xây dựng thí điểm một số mô hình cai nghiện thuốc lá tại 5 bệnh viện, tổ chức đào tạo cho 600 cán bộ y tế về cai nghiện và tư vấn cai nghiện thuốc lá…

Riêng mô hình tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 5 bệnh viện (Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định,  Bệnh viện Y học Cổ truyền T.Ư) được thực hiện với mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ, nhân viên của bệnh viện được tư vấn cai nghiện thuốc lá; 100% bệnh nhân có liên quan đến thuốc lá được tư vấn ngắn về cai nghiện thuốc lá, sau đó 100% bệnh nhân sau khi được tư vấn sẽ được hướng dẫn cai nghiện thuốc lá; thiết lập hệ thống báo cáo, theo dõi tình hình sử dụng dịch vụ tư vấn cai nghiện và cai nghiện thuốc lá, lập tổng đài tư vấn qua điện thoại, tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp đến người bệnh và người nhà bệnh nhân…

 Tăng cường chia sẻ với bệnh nhân

Tại khóa đào tạo tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá (từ ngày 29 – 31.7.2015, tại TP.HCM) dành cho cán bộ y tế thuộc 26 các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên, ngoài việc ban tổ chức phổ biến các kiến thức, kỹ năng về tác hại thuốc lá, phương pháp cai nghiện thuốc lá, các học viên còn được chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá trong công về công tác tổ tư vấn và tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá.

Chia sẻ về kinh nghiệm cai thuốc lá, bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh (Bệnh viện huyện Cần Giờ) cho biết, bệnh viện huyện đã tư vấn cai thuốc lá cho nhiều bệnh nhân, trong đó có những người cai nhiều lần không thành công. Do được gia đình động viên cũng như được tư vấn viên hướng dẫn các cách cai thuốc lá khác nhau nên đã có hàng chục bệnh nhân đã cai thuốc lá thành công. Theo kinh nghiệm bản thân bác sĩ Hoàng, các nhân viên tư vấn cai thuốc lá phải quyết tâm, với mỗi bệnh nhân thì tư vấn viên phải có cách tiếp cận phù hợp. Trong khi tư vấn cần hỗ trợ tăng cường và duy trì quyết tâm của bệnh nhân, đây là chìa khóa thành công cai thuốc lá và ngừa tái nghiện sau này.

Còn bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng (Trung tâm Điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt) cho rằng, bác sĩ tư vấn cai thuốc lá cần trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng. Trong đó người tư vấn cần biết kiến thức về tác hại thuốc lá trước mắt và lâu dài, lợi ích của việc cai thuốc lá, sự khó chịu khi cai thuốc  và giải pháp cho các tình huống khó chịu khi cai thuốc lá. Khi tư vấn cần tăng cường quyết tâm cai thuốc lá có hiệu quả, thúc đẩy bệnh nhân chuyển biến nhanh hơn trong các giai đoạn quyết tâm cai thuốc lá. Còn kỹ năng được sử dụng chính là kỹ năng cảm thông, chia sẻ và chỉ rõ mâu thuẫn, giúp bệnh nhân vượt rào cản, tự tin vào khả năng thành công.

Trong khi đó, thạc sĩ Lê Khắc Bảo (Bộ môn Nội, Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng, hút thuốc lá không chỉ là một thói quen mà là nghiện – một bệnh tâm thần cần được điều trị. Nghiện thuốc lá có thể điều trị thành công bằng tư vấn kết hợp với thuốc cai nghiện thuốc lá. Các dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá và các thuốc cai nghiện thuốc lá có thể tiếp cận được. Tuy nhiên cần quảng bá phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện cho số lượng lớn người dân được tiếp cận dịch vụ tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá miễn phí – giảm phí. Cũng theo ông Bảo, nghiện thuốc lá là bệnh cần được chẩn đoán và điều trị đúng đắn như tất cả các bệnh khác. 

  Ngày 25.1.2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”, trong đó quy định rõ mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hút thuốc lá của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm từ 47,4% xuống 39%, tỷ lệ hút thuốc nữ giới giảm xuống dưới 1,4%.  Theo Quỹ PCTHTL để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá của chiến lược quốc gia, một trong những biện pháp quan trọng cần thực hiện đó là hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem