Vật liệu xây dựng xanh: Hướng tới sự phát triển bền vững của công trình hiện đại

P.V Thứ ba, ngày 05/03/2019 09:17 AM (GMT+7)
Với nhiều ưu điểm vượt trội, gạch không nung (GKN) là một trong những vật liệu xanh được sử dụng phổ biến trong xây dựng hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ xây dựng, sản xuất vật liệu xây không nung góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng cho các công trình xanh, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam để hiểu rõ hơn nữa tiềm năng phát triển GKN trong ngành vật liệu xây dựng Việt Nam.

Ông có thể cho biết ưu điểm nổi trội của GKN so với gạch đất sét nung truyền thống (gạch đỏ)?

img

TS. Thái Duy Sâm.

- Thứ nhất, GKN có chất lượng sản phẩm đa dạng, đáp ứng được mọi yêu cầu kết cấu của công trình với hình dạng, kích thước, độ rỗng, khối lượng thể tích, cường độ chịu lực,… theo yêu cầu các kết cấu do đó rất thuận lợi cho việc thiết kế, thi công và tiết kiêm được vật tư. 

Thứ hai, Các loại vật liệu xây không nung nhẹ có khối lượng thể tích thấp sẽ giảm tải trọng công trình cho phép tiết kiệm kết cấu chịu lực (móng, cột, dầm,..). Do đó khi sử dụng vật liệu xây không nung nhẹ tải trọng của công trình giảm đáng kể, cho phép tiết kiệm được thép và bê tông trong các kết cấu chịu lực của công trình.

Thứ ba, Vật liệu xây không nung có hệ số dẫn nhiệt thấp, đảm bảo cách nhiệt tốt góp phần tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng công trình. Một số tính toán cho thấy các công trình sử dụng vật liệu xây không nung nhẹ cho phép tiết kiệm khoảng 20-30 % năng lương điện để điều hoà nhiệt độ không khí trong công trình. 

Thứ tư, GKN có tính năng phòng cháy và chịu nhiệt tốt, đảm bảo an toàn cho con người và công trình trong quá trình sử dụng.

Thứ năm, GKN có khả năng cách âm tốt nhờ cấu trúc rỗng, góp phần cải thiện môi trường sống, sử dụng làm vật liệu cách âm cho các công trình.

Thứ sáu, sử dụng GKN giúp thi công tiện lợi, năng suất cao, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành xây dựng. Và cuối cùng, vật liệu xây không nung có kích thước lớn, độ chính xác cao, cho phép tiết kiệm vật liệu và nhân công xây, trát.

Nói như vậy thì GKN không có những hạn chế?

- Ngoài một số ưu thế, GKN không phải không có những hạn chế, tôi cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện trong quá trình sản xuất và sử dụng. Gạch bê tông có thể có độ thấm nước và độ hút nước cao, nếu cấp phối không chuẩn; hoặc một số quy cách, kích thước chưa phù hợp; khối lượng thể tích còn lớn. Bê tông tổ ong (bê tông khí, bê tông bọt) thường có độ hút nước và độ co khô lớn, trong sản xuát và sử dụng nếu không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đẽ gây nứt tường,…

Vậy độ bền của GKN so với gạch đỏ thế nào thưa ông?

- Theo tôi, những sản phẩm GKN đủ chất lượng, đủ tiêu chuẩn, hay nói cách khác là “đủ tuổi” khi đưa ra thị trường, vật liệu khi được sử dụng cho các công trình sẽ có độ bền vĩnh cửu, thậm chí gạch bê tông còn phát triển cường độ theo thời gian.

Giải pháp nào cho việc nâng cao chất lượng GKN trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay?

- Thứ nhất: không phát triển những dây chuyền sản xuất có công suất dưới 7 triệu viên/năm, đồng thời, nhà đầu tư cần phải nắm bắt, hiểu rõ về quy trình công nghệ để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và ổn định.

Thứ hai: nhà đầu tư cần hiểu rõ xuất xứ, chất lượng dây chuyên, công nghệ có xuất xứ từ nước ngoài, tránh nhập những công nghệ lỗi thời, không đảm bảo chất lượng, lỗi thời khi nhập về Việt Nam.

Hiện Việt Nam cũng đã và đang từng bước làm chủ các dây chuyền, công nghệ thiết bị như: Công ty Thanh Phúc (Hải Phòng), Cty Đức Thành,… qua việc liên doanh, liên kết với các thương hiệu nước ngoài để chế tạo, nâng cao chất lượng dây chuyền, công nghệ, đặc biệt là chủ động trong việc sản xuất, sửa chữa các thiết bị, tiết kiệm chi phí vận hành dây chuyền, giảm giá thành sản phẩm.

Ông đánh giá tỷ lệ sản xuất, tiêu thụ của GKN tại Việt Nam so với các nước trong khu vực?

- Theo báo cáo của Bộ Xây dựng hiện nay, GKN chiếm 30% tỷ lệ vật liệu xây, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với các nước khu vực như Thái Lan, Malaysia chiếm tới 60 – 70%. Mục tiêu Chương trình 567 tới năm 2020 tối thiểu phải đạt 40%.

Theo tôi để tăng tỷ lệ sử dụng, sản xuất GKN, ngoài việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, cần tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm vật liệu xây không nung trước khi được đưa ra thị trường nhằm hạn chế tối đa những sự cố, khuyến khuyết của GKN trong các công trình.

img

Sản xuất gạch không nung tại nhà máy gạch Thanh Tuyền (Mạo Khê – Quảng Ninh).

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích người sử dụng bởi hiện nay bởi Thông tư 13 của Bộ Xây dựng mới chỉ dừng lại ở mức độ hành chính mà chưa có khuyến khích về mặt kinh tế cho người tiêu dùng, bởi việc áp dụng hành chính, không có lợi về kinh tế thì người sản xuất, tiêu dùng bằng cách này, cách khác vẫn có thể “lách luật” để đối phó với các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục ban hành tiêu chuẩn  hướng dẫn thiết kế, thi công, nghiệm thu các kết cấu xây sử dụng vật liệu xây không nung, đào tạo nguồn nhân lực  cho sản xuất và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây không nung vào các công trình; đặc biệt là lực lượng trực tiếp sản xuất và thi công.

Có ý kiến cho rằng, nguyên liệu dùng làm GKN không an toàn, ông đánh giá như thế nào về quan điểm trên?

- Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích, sử dụng các nguồn tài nguyên phụ liệu để dùng cho sản xuất GKN nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nguyên vật liệu nhiều nhất hiện nay vẫn là tro xỉ nhiệt điện thải ra. Việc tận dùng nguồn tro xỉ này, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm, không ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường sống bởi sản phẩm tro xỉ trước khi đưa vào sử dụng đã được kiểm tra, đánh giá hợp chuẩn, hợp quy theo tiêu chuẩn của nhà nước nhằm đảm bảo làm vật liệu xây dựng, an toàn cho người sử dụng.

Vậy ông có thể cho biết những thuận lợi trong việc sản xuất GKN tại Việt Nam?

- Thuận lợi và khó khăn đã được trao đổi, thảo luận nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, theo tôi, thuận lợi trong việc phát triển GKN là xu thế tất yếu của ngành vật liệu xây dựng, điều này không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới họ đã sử dụng từ rất lâu, trong khu vực có thể kể đến Thái Lan, Malayxia,… vật liệu xây không nung chiếm tới 60% tổng vật liệu xây trong ngành vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, Nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ nhằm phát triển GKN với một loạt các chính sách như: Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg; Quyết định 1469/QĐ-TTg Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 10/CT-TTg tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; …,… Điều này đã được thể hiện rõ nét qua tỷ lệ tăng hàng năm của GKN trong ngành vật liệu xây.

Ngoài ra, nguyên vật liệu để sử dụng cho vật liệu xây không nung cũng tương đối phong phú, đa dạng. Hiện nay việc đầu tư sản xuất GKN không quá tốn kém so với việc đầu tư cho một dây chuyền sản xuất  gạch tuynen có cùng công suất (so sánh với dây chuyền công nghệ sản xuất trong nước) bởi hiện có nhiều nhà cung cấp công nghệ, dây chuyền để cho các nhà đầu tư lựa chọn. Đây cũng là một trong những lợi thế của việc phát triển GKN nói riêng và vậy liệu xây không nung nói chung tại Việt Nam hiện nay.

Cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển GKN hiện nay thế nào thưa ông?

- Theo tôi, các cơ chế chính sách cho đầu tư, sản xuất phát triển GKN cơ bản là khá đầy đủ, tuy nhiên, việc vận hành, áp dụng cơ chế, thực thi tại từng địa phương thì chưa được thực thi đồng đều, nhiều nơi chưa được thực hiện, đặc biệt có những địa phương chưa triển khai thực sự mà ở dừng ở mức “hô hào”, một phần bởi chế tài hiện đang dừng ở mức khuyến khích, trong trường hợp bắt buộc chỉ đối với các công trình có nguồn vốn nhà nước. Do vậy, thời gian tới, thay vì khuyên khích cần có cơ chế bắt buộc ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi cho người sử dụng,  đồng thời mức áp thuế tài nguyên (đất sét) cần  được áp dụng triệt để tại các địa phương.

Nói như vậy thì không quá khó khăn trong việc phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất tôi cho rằng là đầu ra của các sản phẩm vật liệu xây không nung hiện nay, một phần bởi thói quen, sở thích của người tiêu dùng chưa quen so với gạch đỏ, thêm vào đó, việc thi công GKN cần đội ngũ kỹ thuật cao hơn, kỹ thuật, vật liệu phụ trợ cho GKN cũng khác so với gạch đỏ, chất lượng sản phẩm ở một số nơi chưa thực sự đồng đều,… đã ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng.

Vậy đâu là “nút thắt” trong việc tăng cường, sản xuất GKN?

- Theo tôi làm thế nào để tăng tỷ lệ sử dụng GKN được nhiều nhất trong ngành vật liệu xây là yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, để làm được điều này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như đã nói ở trên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về sự cần thiết phải sử dụng vật liệu xây không nung trong xây dựng.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Ngày 28.4.2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số; 567/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020” (Chương trình 567). Theo Quyết định 567 Vật liệu xây không nung gồm: gạch bê tông theo tiêu chuẩn TCVN 6477:2016; vật liệu nhẹ (bê tông khí chưng áp theo tiêu chuẩn TCVN 7959:2017, bê tông bọt, bê tông khí không chưng áp theo tiêu chuẩn TCVN 9029:2017; và các sản phẩm khác: tấm tường thạch cao, tấm acotec, đá ong, đá chẽ, …Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ 40% vật liệu xây không nung trên tổng số vật liệu xây, trong đó gạch bê tông chiếm 70%, gạch bê tông nhẹ chiếm 25% còn các loại khác chiếm tỷ lệ còn lại.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem