“Vật vã” huy động người dân tham gia
Giai đoạn 2011-2013, nước ta đã từng triển khai chương trình thí điểm BHNN theo Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Vĩnh Phúc là 1 trong 20 tỉnh, thành phố thí điểm BHNN cho đàn vật nuôi gồm: Trâu, bò, bò sữa, lợn và gà.
Trâu, bò là đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp (ảnh: Nông dân Cao Bằng chăm sóc trâu tránh đợt rét đậm rét hại). Ảnh: T.L
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm BHNN của tỉnh Vĩnh Phúc, sau 3 năm thí điểm (2011-2013), toàn tỉnh chỉ có gần 6.000 hộ tham gia BHNN. Trong đó, hộ nghèo chiếm 85,4%; hộ cận nghèo chiếm 3%; hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm 11,7%. Tổng giá trị bảo hiểm đạt gần 446 tỷ đồng; tổng phí bảo hiểm đạt gần 15 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 13,8 tỷ đồng. Con số này so với tổng số các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn.
Lý giải về vấn đề này, ông Trương Công Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Quy mô chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, chưa có mô hình cụ thể nên rủi ro cao, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa, đã khiến các doanh nghiệp bảo hiểm không nhiệt tình tham gia chương trình. Không chỉ vậy, mức phí BHNN khá cao, trong khi đó, người chăn nuôi thì liên tục bị thua lỗ vì giá cả thị trường xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao...”.
Là hộ chăn nuôi lợn nhiều năm và từng tham gia thí điểm BHNN, nhưng ông Trần Huy Cường (huyện Lập Thạch) thấy chương trình này còn nhiều hạn chế với bà con, nhất là quy định về phạm vi các loại dịch bệnh được hưởng bảo hiểm còn bất cập, phí bảo hiểm khá cao trong khi mức đền bù lại thấp nên sau 1 năm tham gia thí điểm, gia đình ông đã quyết định dừng.
"Lợn thường mắc bệnh viêm phổi gây chậm lớn và rất dễ bị chết, nhưng lại không được bảo hiểm chi trả, còn những bệnh ít gặp và được tỉnh đảm bảo an toàn bằng việc tiêm phòng vaccine như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng… thì lại được thanh toán” - ông Cường nói.
Tại Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự, nhiều hộ dân khi được nhắc về BHNN cũng không mấy quan tâm. Bà con cho rằng, mỗi năm chỉ nuôi trên dưới chục con lợn, vài con bò nên không cần bảo hiểm nữa vì sợ lắm thủ tục, đóng phí cao...
Ông Nguyễn Công Tiễn - chủ một trại chăn nuôi lợn nhỏ ở huyện Đông Anh cho rằng: "Ngoài việc giảm mức đóng phí, đơn vị thực hiện triển khai BHNN cần phải cải thiện thủ tục hành chính và đội ngũ làm công tác xác minh, mức độ phải chuyên nghiệp, minh bạch, công bằng thì dân mới yên tâm khi tham gia BHNN".
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở Sóc Sơn (Hà Nội) "trắng tay" sau khi bịdịch tả lợn châu Phi tấn công. Ảnh: Hải Đăng
Là HTX nổi danh ở tỉnh Thái Bình trong hoạt động dịch vụ, hiện HTX Bình Định (huyện Kiến Xương) đang hoạt động với 11 khâu như dịch vụ cây giống, thủy lợi,vật tư, phân bón, thu mua trao đổi sản phẩm, thu hoạch, làm đất, quy hoạch cải tạo đồng ruộng, thu gom rác thải… Nhưng khi phóng viên hỏi về việc tham gia BHNN, ông Trần Thanh Sơn - Giám đốc HTX Bình Định tỏ ra khá lạ lẫm.
Ông cho biết HTX chưa từng tham gia bất cứ chương trình BHNN nào, nhưng qua tìm hiểu một số chương trình, chính sách ông Sơn đều nhận thấy, để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì thủ tục thường là rắc rối, phức tạp.
“Hiện nay HTX thu phí dịch vụ các khoản của xã viên khoảng 50.000 đồng/sào, nếu như bà con phải đóng thêm khoản phí BHNN tương đương nữa, e rằng sẽ quá sức. Ở HTX này, bà con sản xuất lúa giống còn có lãi vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng/sào, còn người sản xuất lúa thường không có lãi, thậm chí còn bị lỗ nặng, nên nếu Nhà nước hỗ trợ 100% mức phí cho hộ nghèo, cận nghèo và 80% mức phí cho hộ sản xuất thường thì bà con có thể còn tham gia mặn mà"- ông Sơn chia sẻ.
Vừa tìm hiểu, vừa chờ hướng dẫn thực hiện
Về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN ở địa phương mình, ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, ngay sau khi có Quyết định số 22 ngày 26/6/2019 của Thủ tướng, ông đã giao cho Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tìm hiểu rõ về nội dung quyết định và tham mưu cho Sở chỉ đạo triển khai thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Hinh - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho hay, hiện tại địa phương chưa thể triển khai Quyết định 22: “Qua tìm hiểu Quyết định 22 thì tôi thấy điều kiện không dễ thực hiện. Cụ thể, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ ở mức cao nhưng ở An Giang, phần lớn hộ nghèo lại không có đất sản xuất lúa. Hiện chúng tôi phải đợi thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính mới tính tiếp để triển khai”.
Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: H.X
Theo ông Hinh, để triển khai thực hiện được quyết định về hỗ trợ BHNN thì phải tìm được nguồn vốn (doanh nghiệp), sau đó mới đi vận động người dân tham gia, đóng một phần nào đó vào gói bảo hiểm theo quy định.
“Tuy người dân rất sợ thiên tai nhưng khi tham gia bảo hiểm thiên tai, dịch bệnh thì đa phần họ đều yêu cầu được hỗ trợ kinh phí 100%, còn đóng góp một phần ít kinh phí cũng không đồng tình. Trong Quyết định 22 mới ban hành, định mức hỗ trợ cao nên chúng tôi rất hy vọng” – ông Hinh cho biết.
Trước đây, tỉnh An Giang cũng đã tham gia thí điểm BHNN nhưng không thành công. Nguyên nhân là tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 100% phí tham gia nhưng không được đồng ý mà phải lấy từ quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh.
Về Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia nông nghiệp cho biết, quyết định trên là nói lên “hảo ý” của Chính phủ nhưng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực thi.
“Người dân làm lúa nói riêng, làm nông nghiệp nói chung sẽ không tự đi làm bảo hiểm cho mình do điều kiện đi xa, không rành hoặc rất khó hiểu về các điều kiện mà bên công ty bảo hiểm đặt ra, hơn nữa thủ tục làm sẽ không dễ dàng. Vấn đề này cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương” - GS Xuân nói.
Ông Xuân cũng lo lắng, thời điểm hiện nay, biến đổi khí hậu rất phức tạp, xảy ra thường xuyên và không thể đoán trước được điều gì, vì vậy liệu rằng có công ty bảo hiểm nào sẵn sàng đứng ra để làm về chính sách trên không? “Nếu tham gia thực hiện chính sách này thì phía công ty sẽ gặp rất nhiều rủi ro” – GS Xuân khẳng định.
Cách làm hay ở Mộc Châu
Trong khi chương trình BHNN nhà nước triển khai gặp nhiều khó khăn, thì mô hình bảo hiểm vật nuôi áp dụng tại Mộc Châu (Sơn La) vẫn đang “chạy" tốt cả chục năm nay, tạo thành chỗ dựa bền vững, giúp người dân nuôi bò sữa Mộc Châu yên tâm phát triển đàn.
Là hộ nhiều năm tham gia BHNN ở Mộc Châu, anh Nguyễn Văn Hải - tỷ phú chăn nuôi bò sữa ở tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) cho rằng: Cuộc sống của người nuôi bò sữa được như hôm nay là nhờ chính sách khoán hộ và nhiều sự hỗ trợ từ phía Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Đặc biệt, việc bảo hiểm cho con bò sữa và giá sữa, chính là những “cái phao”, giúp người chăn nuôi yên tâm, đầu tư phát triển đàn bò.
“Càng ngày chúng tôi càng thấy mua bảo hiểm cho bò sữa chính là cầu nối chia sẻ rủi ro giữa người nuôi với công ty. Cái được là nếu không may bò bị chết hay thải loại, chúng tôi vẫn có thể tái nuôi được liền sau đó” - anh Hải phấn khởi.
Hiện ở Mộc Châu có hơn 550 hộ chăn nuôi bò sữa đã tham gia bảo hiểm. Hàng năm, quỹ bảo hiểm cũng chi trả cho hàng trăm trường hợp bò, bê gặp rủi ro. Với cách làm này, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã góp phần thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, giúp họ yên tâm về đầu ra và đặc biệt không lo lắng khi xảy ra rủi ro vì đã có quỹ bảo hiểm hỗ trợ thiệt hại.
Góp ý thêm về việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN mới, anh Hải cho rằng BHNN là chương trình rất ý nghĩa, tuy nhiên cần tăng phí hỗ trợ lên mức 100% đối với hộ nghèo, cận nghèo và nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng khác nhằm kích thích, giảm bớt gánh nặng cho người nông dân và tạo động lực cho bà con tham gia bảo hiểm.
"Ngoài ra, bà con cũng rất mong chính sách mở rộng thêm phạm vi hỗ trợ như với gà, hươu... và các bệnh dịch khác" - anh Hải bày tỏ.
Hải Đăng
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.