Vay vốn để chăn nuôi, Sùng A Khua thành triệu phú

Nguyễn Quỳnh Thứ bảy, ngày 30/06/2018 13:20 PM (GMT+7)
Là một trong những hộ đầu tiên rời bản Xéo Dì Hồ A trên núi để đến khai hoang tại xã Lao Chải, ông Sùng A Khua đã biến nơi rừng núi hoang vu thành trang trại quy mô, trở thành triệu phú, khiến nhiều người khâm phục.
Bình luận 0

Sùng A Khua (SN 1965, dân tộc Mông), là con cả trong gia đình làm nông nghiệp, đông anh em nên thiếu đói triền miên. Quay quắt trong cái đói, cái nghèo nên ông luôn suy nghĩ làm sao để thay đổi cuộc sống. Năm 1997, ông Khua và gia đình “hạ sơn”, cùng một số hộ người Mông dựng bản ở Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

img

Máy sản xuất thức ăn tại nhà do ông Sùng A Khua tự mày mò sáng chế. Ảnh: N.Q

Khi ấy, Đề Sủa là vùng rừng núi hoang vu, “khỉ ho cò gáy” chẳng có gì ngoài cây cỏ, lau lách. Không điện, không nước, ăn uống cơ cực, nhưng ông và mọi người vẫn đồng lòng, quyết tâm đánh đất san gạt làm ruộng cấy lúa nước.

Đầu tiên ông Khua chọn dê là vật nuôi chủ lực nhằm phát triển kinh tế gia đình. Đã có khi đàn dê của gia đình ông lên tới 40 con, nhưng hiềm nỗi đất chăn thả không có, phải thuê đồng cỏ mãi tận Lai Châu nên không thể tiếp tục duy trì. Năm 2007, ngoài số vốn dành dụm được, ông Khua vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải để xây chuồng nuôi trâu, lợn. Với sự chăm chỉ, chịu khó nên khoảng 3 năm sau gia đình ông đã thoát nghèo và trả xong nợ.

Như được tiếp thêm động lực, năm 2014 gia đình ông Khua vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mua thêm con giống trâu, bò, gà, lợn và kiên cố lại chuồng trại. Nhận thấy cả huyện Mù Cang Chải chưa có ai nuôi vịt siêu trứng, ông Khua đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và quyết định mua 200 con vịt giống về nuôi.

Gia đình ông Khua đã được UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2012 - 2017”.

Tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc và phòng dịch cho đàn vịt, ông Khua còn lặn lội về tận Hà Nội để mua máy nghiền, ép viên cám cho vịt, tìm hiểu kỹ càng cách pha trộn thức ăn. Dù chưa từng học qua trường lớp nào về kỹ thuật nhưng ông Khua đã tận dụng máy xát cũ và tự sáng chế thành công máy sản xuất thức ăn tại gia, tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như công sức lao động.

Việc tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời đưa các loại con giống mới vào chăn nuôi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông Khua luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Đến nay, ông Khua đang nuôi 800 con vịt siêu trứng, 400 con ngan, 3 con trâu, 6 con bò. Đàn vịt 800 con, bình quân mỗi ngày đẻ 500-600 quả trứng, bán với giá 3.000 đồng/quả, đã cho gia đình khoản thu đáng kể. Ngoài ra, gia đình ông Khua còn tận dụng đất đồi để trồng thêm các loại cây ăn trái như chuối, mận, sơn tra...

Từ chăn nuôi, trồng cấy, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông đã có thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng. Đối với người dân vùng cao huyện Mù Cang Chải - nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn thì đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định này, gia đình ông Khua xây dựng được nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi và mua sắm được ôtô, xe máy, máy xát gạo...

Đặc biệt, gia đình ông Khua luôn nhiệt tình chia sẻ, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, giúp được rất nhiều hộ trong xã vươn lên thoát nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem