VCCI: DN phấn khởi với giải pháp của Chính phủ, nhưng gặp cấp thực thi vẫn chưa yên tâm

Quang Dân Thứ ba, ngày 14/04/2020 13:41 PM (GMT+7)
Chủ tịch VCCI phản ánh, doanh nghiệp nghe thông điệp quyết liệt của Chính phủ thì rất phấn khởi, nhưng khi gặp cán bộ ở cấp thực thi thì vẫn chưa thể yên tâm.
Bình luận 0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tổ chức Hội nghị trực tuyến truyền hình trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Mục tiêu của Hội nghị là tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền các cấp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.

Cần thực thi "nhanh, minh bạch, nhất quán và đồng bộ"

Trao đổi với báo chí về những giải pháp của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đây là thời gian vàng để tái khởi động nền kinh tế và doanh nghiệp. Theo đó, 5 mũi giáp công trên mặt trận, có thể khái quát là: “Mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh cơ chế và khai thị trường” đều đã được triển khai.

Chủ tịch VCCI cho rằng “các mũi giáp công khá đồng bộ, toàn diện” với việc cả hệ thống chính trị vào cuộc để yểm trợ cho doanh nghiệp với tinh thần bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế. Vấn đề còn lại là tổ chức thực thi làm sao phải nhanh, minh bạch, nhất quán và đồng bộ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng nêu ra vấn đề: “Tôi gặp nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, họ nói rằng nghe chủ trương chính sách từ trên, nhất là những thông điệp quyết liệt của Thủ tướng, thì rất phấn khởi, nhưng ở cấp thực thi thì vẫn chưa thể yên tâm”. Đáng lo ngại nữa là hiện tượng thực thi chỉ thị giãn cách xã hội ở nhiều nơi hơi quá đà và đã biến thành “ngăn sông cấm chợ”.

Cả nước đang gồng mình chống dịch và gồng mình để không bị kiệt quệ vì dịch bệnh, để khi hết thời gian thực hiện giãn cách chống dịch là sản xuất, kinh doanh lấy lại đà. Vì thế, điều doanh nghiệp cần là chính sách được thực thi nhanh chóng, minh bạch.

“Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày là doanh nghiệp có thể bị xóa sổ. Thủ tướng thì sốt ruột, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, cơ quan công quyền thì ở đâu đó vẫn ung dung”, người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cho hay.

img

Đây là thời gian vàng để tái khởi động nền kinh tế và doanh nghiệp.

Theo khảo sát của VCCI, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp thì 50% doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được trong thời gian 5 - 6 tháng tới và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng. Vì vậy, trong 5 - 6 tháng tới là "thời gian vàng" để hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp.

Tiếp sức cho doanh nghiệp bằng chính sách tín dụng, thuế phí là quan trọng nhưng dù sao tiếp sức bằng nguồn lực như vậy là hữu hạn. Và quan trọng hơn là phải linh hoạt nhanh chóng. Vì vậy, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn.

Chủ tịch VCCI cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Nêu ra một việc cụ thể, Chủ tịch VCCI cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, sản xuất khẩu trang đang là cỗ máy in tiền thời dịch bệnh. Công suất sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, đơn hàng thế giới tăng nhanh. Doanh nghiệp cũng muốn tạo điều kiện xuất với một số mặt hàng như thiết bị bảo hộ, hay các thiết bị vật tư y tế khác…

"Với những kết quả trong phòng chính chống dịch bệnh xuất sắc của Việt Nam, cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp và xuất khẩu các mặt hàng này không hề nhỏ", ông Lộc cho hay.

Theo Chủ tịch VCCI, thế giới sẽ khác đi, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại, công nghệ biến đổi, do đó cần chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là việc cần làm ngay trong những tháng sắp tới đây.

Cần một Ban Chỉ đạo tái khởi động và phục hồi kinh tế

Chủ tịch VCCI đánh giá cao việc Chính phủ đã nêu những yêu cầu cải cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong từng ngành và lĩnh vực. Ngoài những chính sách cụ thể, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng tổng quan xuyên suốt.

Một là, tập trung thực hiện các cái giải pháp tại Nghị quyết 02 /NQ-CP của Chính phủ về cải thiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hai là, cần rà soát các vướng mắc, xung đột, bất hợp lý về thể chế nhất là về đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, rõ ràng cải thiện môi trường kinh doanh cần phải vượt lên chính mình để hoàn thành vượt mức.

Để có được một cơ chế thường xuyên phối hợp các mũi giáp công để duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế nhằm đạt hiệu quả cao giống như trong công tác phòng chống dịch bệnh, cần có một Ban Chỉ đạo tái khởi động và phục hồi kinh tế do lãnh đạo Chính phủ đứng đầu.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, ngày 15/4 tới có thể là thời điểm thích hợp để Chính phủ có thể cân nhắc việc chuyển sang trạng thái giãn cách xã hội để có thể khôi phục phần nào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn bảo đảm an toàn, tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế.

Chủ tịch VCCI cho rằng, vì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất khác nhau giữa các ngành, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, nên cần có những điều kiện và kịch bản ứng xử khác nhau. Giải pháp là cần xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm để có thể phân loại và áp dụng các kịch bản ứng xử. Ví dụ nguy cơ lây nhiễm cao (trên 80%) thì kiên quyết ngưng hoạt động.

Nguy cơ lây nhiễm thấp hơn thì tùy từng cấp độ mà được tiếp tục sản xuất kinh doanh nhưng phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Bộ Y tế cần chuẩn bị các phương án này để hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện để thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem