"VĐV mắc lỗi, 90% do trách nhiệm HLV"

Song Minh Thứ năm, ngày 18/01/2024 20:10 PM (GMT+7)
Xung quanh sự việc VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam Phạm Như Phương tố HLV "thu phế" tiền thưởng huy chương, lập "quỹ lạ", không tập luyện vào ngày Chủ Nhật nhưng vẫn nhận tiền công tập ngoài giờ, "cô gái vàng" cầu mây Việt Nam Lưu Thị Thanh đã có những chia sẻ cùng Dân Việt...
Bình luận 0

Bộ trưởng chỉ đạo Cục TDTT phải báo cáo kết quả trước ngày 25/1

Diễn biến mới nhất xung quanh vụ việc VĐV TDDC Việt Nam Phạm Như Phương tố HLV "thu phế" 10% tiền thưởng huy chương, 50% tiền thưởng nóng, hàng tháng thu "quỹ lạ" là việc VĐV này tiếp tục tiết lộ cô cùng các đồng đội được chấm công, nhận tiền vào những ngày không hề tập luyện.

Sau khi được nhận tiền, các vận động viên phải nộp lại 50% cho HLV sung vào quỹ chung của đội TDDC Việt Nam. Quỹ này được ban huấn luyện giải thích dùng để phục vụ công tác chuyên môn, trang thiết bị và "đối nội, đối ngoại" cho đội tuyển TDDC Việt Nam.

"VĐV mắc lỗi, 90% do trách nhiệm HLV"- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký công văn chỉ đạo phải xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể nếu có sai phạm trong vụ VĐV TDDC Phạm Như Phương tố HLV "thu phế" tiền thưởng. Ảnh: FBNV

Không dừng ở đó, Phạm Như Phương nói trên báo Dân Trí: "Nếu như cô Nguyễn Thùy Dương ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội bắt chúng tôi nộp quỹ 300.000 đồng/tháng, thì ở đội tuyển TDDC quốc gia, cô T. bắt nộp quỹ 270.000 đồng/tháng".

Trước những diễn biến liên tiếp xung quang vụ việc, ngày 17/1/2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký công văn chỉ đạo phải xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể nếu có sai phạm. 

Nội dung công văn nêu rõ, qua thông tin phản ánh của báo chí về việc liên quan đến HLV đội tuyển TDDC nữ quốc gia đang tập huấn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội có hành vi thu lại một phần tiền thưởng của vận động viên, Bộ trưởng Bộ VHTTDL có ý kiến chỉ đạo như sau: 

Thứ nhất, giao Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chỉ đạo Cục trưởng Cục TDTT phối hợp với Chánh thanh tra bộ kiểm tra, rà soát những vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến công tác huấn luyện, chế độ chính sách của đội tuyển TDTT nữ quốc gia, xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện có sai phạm.

Thứ hai, Cục TDTT tổng rà soát các vấn đề liên quan đến công tác huấn luyện của các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia đang tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh (về quân số, cơ sở vật chất, địa điểm tập luyện, trang thiết bị phục vụ tập luyện, điều kiện sinh hoạt...) theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ tại các Thông báo số: 628/TB-VP ngày 6/10/2023, 828/TB-VP ngày 12/12/2023, 30/TB-VP ngày 17/1/2024 của Văn phòng Bộ.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện, báo cáo kết quả với Bộ trưởng trước ngày 25/1/2024.

"VĐV có lỗi thì 90% là do phương pháp huấn luyện của HLV chưa đủ tốt"

Là một cựu VĐV từng đi vào lịch sử cầu mây Việt Nam với hai tấm HCV ASIAD 2006 (Doha-Qatar) lịch sử, "cô gái vàng" Lưu Thị Thanh theo dõi kỹ diễn biến sự việc qua báo chí và cảm thấy buồn khi những sự việc như này ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của Thể thao Việt Nam, trong đó có rất nhiều lãnh đạo, HLV, VĐV lớp lớp thế hệ không ngừng nỗ lực để mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường quốc tế.

"Thời của tôi cũng có quỹ đội. Nhưng các VĐV như chúng tôi được ban huấn luyện giải thích rất cặn kẽ,  minh bạch về việc sẽ sử dụng quỹ để làm gì.

Chúng tôi thấy việc trích quỹ là việc làm cần thiết và nhận thức được rõ ràng ý nghĩa, trách nhiệm của việc làm đó.

Trong vụ việc của VĐV Phạm Như Phương, tôi nghĩ có lỗi từ cả hai phía. Mấu chốt là trong công tác quản lý, HLV đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình khi không kịp thời báo cáo việc VĐV xin nghỉ phép để ra nước ngoài, dẫn đến việc VĐV không có tên tập trung đội tuyển TDDC Việt Nam năm 2024.

Ngoài công tác huấn luyện về chuyên môn, HLV cũng cần huấn luyện và giáo dục VĐV nhận thức được tầm quan trọng của tính chuyên nghiệp trong suy nghĩ. Quan điểm của tôi, nếu VĐV có lỗi thì 90% là do phương pháp huấn luyện của HLV chưa đủ tốt".

Về góc độ VĐV, Lưu Thị Thanh chia sẻ: "Với vai trò và nghĩa vụ của một VĐV chuyên nghiệp, khi phát sinh vấn đề gì không như suy nghĩ, tôi nghĩ trước hết VĐV cần phải kiểm soát cảm xúc bản thân, xin gặp HLV quản lý trực tiếp để trao đổi rõ ràng để được giải đáp.

Nếu không thoả đáng thì tất cả những phát ngôn của chúng ta cũng cần thể hiện mình đang là một VĐV chuyên nghiệp, một tuyển thủ quốc gia Việt Nam.

Tôi mong các VĐV trẻ sau này hiểu, dù có chuyện gì đi nữa thì hãy cố gắng nhìn sâu hơn vào bản thân của mình, cố gắng vượt qua khó khăn thay vì đổ lỗi cho chuyện này chuyện khác ngoài chuyên môn, như vậy mới có thể tiến bộ, thành công được".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem