Tuổi thơ dữ dội
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được chàng trai 34 tuổi Trần Minh Nhuận. Bởi thời điểm này, anh bận bịu với nhiều việc liên quan tới môn cầu lông. Trong căn nhà nhỏ nhắn ở khu phố 1 (phường Đông Lễ, TP.Đông Hà, Quảng Trị), anh Nhuận sống cùng bố mẹ đẻ, vợ và hai con. Bộc bạch về cuộc đời, anh Nhuận chia sẻ, gia đình anh có 9 anh em (anh Nhuận là con út), cuộc sống vô cùng khó khăn. Số phận của anh không may mắn bởi mới lên 5 tuổi đã gặp biến cố đau lòng. Năm 1987, khi đang đùa nghịch leo cây thì anh bị ngã gãy tay trái. Anh được cha mẹ đưa vào bệnh viện băng bó vết thương. Nhưng vì những sai lầm về mặt chuyên môn của bệnh viện, cánh tay của anh bị nhiễm trùng buộc phải tháo khớp vai. Anh mất cánh tay trái từ đó.
Đến nay anh Nhuận đã có bộ sưu tập gần 100 huy chương các loại ở môn cầu lông. Ảnh: N.V
"Tôi thấy mình may mắn bởi nhiều người tật nguyền nặng hơn tôi, song họ vẫn cười, vẫn sống có ích và chịu khó tập luyện, thi đấu thể thao với niềm đam mê cháy bỏng”.
Anh Trần Minh Nhuận
|
Vào lớp 1, anh bị bạn bè trêu chọc nên luôn mặc cảm. Nhưng rồi quãng thời gian khó khăn cũng qua đi. Nhờ gia đình, xóm làng động viên, anh dần hòa đồng với bạn bè. Học hết lớp 12, anh gác ước mơ học tiếp vì gia cảnh quá khó khăn. Năm 2003, anh may mắn được giới thiệu tham gia Hội Người khuyết tật TP.Đông Hà. “Ngày vào hội, tôi mới thấy mình còn may mắn, bởi nhiều người tật nguyền nặng hơn nhưng họ vẫn cười, vẫn sống và tập luyện thể thao” – anh Nhuận nhớ lại.
Nghị lực đã có, anh lao vào tập luyện. Với sức trẻ của mình, năm 2003 anh được dự Giải thể thao Người khuyết tật TP.Đông Hà hai môn đẩy tạ, cầu lông và giành giải nhì. Thấy anh có năng khiếu môn cầu lông, ban huấn luyện tiếp tục bồi dưỡng anh để thi đấu giải cấp tỉnh và đoạt giải nhất. Cũng từ đó, niềm đam mê cầu lông bùng cháy trong anh. “Cuối năm 2003, tôi được anh trai mua cho một chiếc vợt trị giá 300.000 đồng để tham gia câu lạc bộ (CLB) cầu lông Đông Hà. Tôi chính thức trở thành học trò của thầy Hoàng Thanh Sự (nay là Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Đông Hà - PV)” – anh Nhuận cho hay.
Hết mình với đam mê
Ngày mới gia nhập CLB, anh Nhuận như người cô độc. Sau 6 tháng kiên trì tập luyện, anh Nhuận đã vượt qua lớp đàn anh, chỉ đứng sau thầy Sự. Từ thành tích đáng nể ấy, anh được tham gia nhiều giải đấu cấp tỉnh. Năm 2004, lần đầu tiên anh Nhuận được tham dự giải thể thao khuyết tật quốc gia môn cầu lông nhưng chưa giành được giải. “Thi đấu thể thao ngoài kỹ thuật, sức khỏe thì yếu tố tinh thần rất quan trọng. Trong lần đầu tiên thi đấu giải lớn, tôi bị tâm lý đè nặng nên đánh trái cầu không như ý muốn. Tuy nhiên, khi quan sát các VĐV đánh thì mình tự đặt mục tiêu mùa giải sau sẽ chiến thắng” – anh Nhuận bộc bạch. Để thực hiện mục tiêu ấy, anh Nhuận tăng cường độ tập luyện gấp đôi, gấp ba lần. Và đúng như anh nói, năm 2005 anh đã vượt qua những đối thủ nặng ký để giành ngôi vương ở giải quốc gia. Tiếp tục chuỗi thành công, năm 2011, anh Nhuận đoạt Huy chương vàng Paragames diễn ra tại Indonesia. “Cảm xúc lúc ấy không diễn tả hết được bằng lời” – anh Nhuận nói.
Năm 2012 anh Nhuận được trường Trưng Vương (TP.Đông Hà) mời về giảng dạy môn cầu lông. Nhờ sự rèn giũa của anh Nhuận, nhiều học sinh trên địa bàn TP.Đông Hà đã trở thành những VĐV nhí có thành tích cao. “Dù có đi đâu, tôi vẫn luôn nhớ và biết ơn mái nhà CLB Cầu lông Đông Hà. Tôi luôn mong ước được chúc mừng khi học sinh của mình chiến thắng” – anh Nhuận tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.