Chị đến với thể thao như một cơ duyên rất tình cờ. Khoảng hơn chục năm về trước, khi đang bán hàng thì chị gặp một người bạn có cùng cảnh ngộ. Người bạn ấy đã rủ chị đến trung tâm luyện tập.
|
Những ngày con gái nghỉ học, chị Khoa vừa phải bán hàng vừa trông con |
Nhận lời mời của bạn với suy nghĩ đơn giản được rèn luyện sức khỏe, gặp gỡ, giao lưu với những người cùng cảnh ngộ. Nhưng càng luyện tập, chị lại càng say mê hơn. Mặc dù trong quá trình luyện tập, có những lúc, đôi tay chị tứa máu, chuột rút do luyện tập căng thẳng nhưng ý chí và niềm say mê lại khiến chị vực dậy và tiếp tục chiến đấu.
Thành quả của những ngày tháng vất vả ấy là những tấm huy chương, những nụ cười chiến thắng trên đất bạn. Năm 2003 chị tham gia giải tiền Para Games (Hà Nội) và giành được 3 HCV; tiếp tục tham gia giải Para Games 2 (Việt Nam) và giành được 5 HCV.
Thành công lại nối tiếp thành công khi chị tiếp tục giành 3 HCV giải tiền Para Game và 5 HCV (3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội) trong giải Para Games 3 tổ chức tại Philippines.
“Tôi chưa bao giờ quên thể thao, chính thể thao đã giúp tôi nhận ra mình sống trên đời này thật sự rất có ích. Những giây phút được giơ cao những tấm huy chương, hát vang bài hát quốc ca trên đất nước bạn là những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng rồi cũng cần phải trở về với cuộc sống với những lo toan hằng ngày, kiếm tiền để nuôi sống bản thân, gia đình. Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người đến tìm tôi và mong tôi tiếp tục tập luyện để thi đấu. Tuy nhiên, tôi không thể bỏ việc ở lại mà chuyên tâm cho luyện tập được.”
Tỉ tê hỏi chuyện, tôi mới được biết chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em tại vùng quê nghèo ở Ứng Hòa, Hà Nội. Năm lên ba sau một cơn ốm sốt vì bại liệt đôi chân chị vĩnh viễn teo tóp, những bước di chuyển cũng từ đó gắn liền với chiếc xe lăn.
Lớn lên, thấy đám thanh niên trong làng đua nhau ra thành phố làm ăn, lập nghiệp, chị tất tả đi theo. Vậy là hình ảnh một cô gái khuyết tật, ngồi trên chiếc xe lăn với thùng bánh mì hàng ngày ở cuối phố Trần Xuân Soạn bắt đầu từ đó.
Chị lập gia đình từ năm 2006 và hạnh phúc như vỡ òa khi chị sinh đứa con gái đầu lòng. Yến Chi là cái tên chị dành đặt cho con. Cô bé năm nay đã 5 tuổi nhưng người nhỏ xíu như đứa trẻ lên 3. Những ngày con gái nghỉ học, chị vẫn thường cho cháu đi theo, vừa bán hàng vừa trông con.
Chị cho biết: “Con bé nhỏ hơn những đứa trẻ cùng lứa nhưng được cái nó nhanh nhẹn và thương mẹ lắm. Những ngày thứ bảy, chủ nhật, nhà trường không giữ trẻ, con bé lại ngồi cả ngày bán hàng cùng mẹ. Ngày mới sinh, cháu bệnh tình liên miên. Mẹ con bồng nhau vào bệnh viện mà như đi chợ. Nghĩ lại quãng thời gian ấy đến giờ tôi vẫn còn thấy rùng mình.”
Rồi chị lại tiếp câu chuyện: “Nhưng rồi có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn cô ạ. Bây giờ đối với tôi cháu là tất cả. Tranh thủ khi mình còn sức khỏe, cố gắng buôn bán dành dụm lấy tiền cho cháu ăn học. Bây giờ đã vậy lại còn sau này nữa, càng học lên cao thì càng tốn kém.”
|
Con gái đối với chị là tất cả |
Vừa nói chuyện với tôi chị vừa thoăn thoắt, vươn cánh tay chọn hàng cho khách. Tuy không còn đôi chân nhưng bù lại chị có một cánh tay rất dẻo dai. Đôi tay từng mang về những tấm huy chương vàng lấp lánh cho Tổ quốc và giờ đây là đôi tay để đấu chọi với chính cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Ngày nào cũng vậy cứ 7h sáng, chồng đèo hàng đi trước, vợ lăn xe theo sau đến nơi bán hàng. Tối đến, khi thành phố đã lên đèn mới là lúc chị lục tục, chuẩn bị dọn hàng trở về nhà.
Chị kể: "Có những hôm trời mưa to gió lớn, đường sá ngập đến lưng bánh xe lăn nhưng tôi vẫn cố gắng đi bán hàng. Ngồi trên xe hàng mà nước mưa hắt vào mặt ràn rạt ngẫm cũng tủi thân nhưng biết làm sao được. Nếu không đi bán thì ngày hôm sau lấy gì mà ăn, lấy tiền đâu nuôi con."
Càng ngưỡng mộ hơn khi biết chị đã làm được một việc mà nhiều thanh niên trai tráng, khỏe mạnh còn phải ao ước, đó là tự mua cho mình một căn nhà ở phố Kim Ngưu mà chị gọi là chốn để “chui ra chui vào”. Chị cho biết toàn bộ số tiền mua nhà là tiền chị dành dụm được từ các khoản thưởng khi còn thi đấu và tiền bánh bánh mì, bán hoa quả chắt chiu gần 20 năm qua.
Khi được hỏi ngày 8.3 chị có mơ ước gì không, chị cười hiền hậu mà trả lời rằng chỉ mong sao ngày ngày bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền để nuôi con gái ăn học.
Chỉ đơn giản thế thôi nhưng người phụ nữ đã ngoài 40 tuổi này thật khiến nhiều người thầm thán phục. Phục chị cả ý chí trong đấu trường thể thao lẫn trên đấu trường “mưu sinh”.
Cẩm Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.