Trao đổi với PV Dân Việt ngày 1/11, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định, khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều rất cần thiết.
GS Cử cho biết, hiện nay hàng năm, nước ta có khoảng 1,5 triệu người đăng ký kết hôn. Việc khám sức khỏe trước kết hôn nhằm phát hiện có hay không những bệnh, tật ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cặp đôi.
Cụ thể các bệnh như: HIV, viêm gan B, C hay các bệnh di truyền, bệnh tim … cũng như phát hiện các bất thường về cấu tạo giải phẫu, hay chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục, các bệnh viêm nhiễm, các bệnh về đường tình dục...
Trên cơ sở đó, tìm ra các giải pháp chữa trị kịp thời các bệnh, tật (nếu có) để cặp đôi sinh ra những đứa con khỏe mạnh, nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng cuộc sống, đảm bảo hôn nhân hạnh phúc.
"Khám sức khỏe trước kết hôn mang lại lợi ích to lớn và cần thiết. Tuy nhiên, để xây đưa việc này thành quy định bắt buộc thì cần cân nhắc thêm", GS Cử chia sẻ.
Theo GS Cử, hiện tại chưa thể quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn là vì:
1. Ngành Y tế chưa đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu khám sức khỏe trước hôn nhân
Điều tra gần đây cho thấy, 46,3% cán bộ Y tế cho rằng, cơ sở vật chất chưa đủ; 43,3% đánh giá thiếu cán bộ chuyên môn để cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước kết hôn.
Trong điều kiện như vậy, nên dành ưu tiên trước hết cho việc phát triển hệ thống dịch vụ khám sức khỏe trước hôn nhân.
2. "Đồng loạt" khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể làm tăng thêm sự quá tải đối với hệ thống Y tế
Hệ thống Y tế hiện nay luôn quá tải đối với việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu triển khai thêm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe cho khoảng 1,5 triệu người kết hôn hàng năm sẽ càng làm hệ thống này quá tải.
3. Bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể làm tăng tỷ lệ hôn nhân không đăng ký kết hôn
Hiện nay, tỷ lệ hôn nhân không đăng ký vẫn còn cao, đặc biệt là ở miền núi. Nếu thêm thủ tục hành chính (thêm giấy chứng nhận đã kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân), tỷ lệ này có khả năng tăng lên gây phức tạp thêm trong quản lý xã hội.
4. Bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể thay thế biện pháp hành chính bằng nhiều biện pháp khác
Tuyệt đại bộ phận những người kết hôn hiện nay và trong tương lai sinh ra trong thế kỷ 21, thuộc thế hệ internet, có trình độ học vấn khá cao, giao lưu rộng, dễ tiếp thu cái mới, cái có ích, cái tiến bộ.
Vì vậy, thay vì sử dụng biện pháp hành chính bắt buộc nên đa dạng hóa các biện pháp, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, trong nhà trường cũng như ngoài xã hội để người dân hiểu được khám sức khỏe trước hôn nhân là bảo vệ chính mình và những đứa con của mình.
Đưa quy định này vào hương ước để nhân dân thực hiện; khuyến khích, hỗ trợ, chẳng hạn, giai đoạn đầu có thể miễn phí cho người khám sức khỏe trước kết hôn…
5. Chú ý tính đồng bộ của hệ thống Luật pháp
Nếu quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn, phải sửa đổi, bổ sung các bộ luật liên quan, như: Luật hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo hiểm Y tế,… và chú ý các Công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết. Hơn nữa, trên thế giới, ít nước quy định bắt buộc khám sức khỏe trước hôn nhân.
Thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho rằng khám sức khỏe trước hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai hay bệnh di truyền, bệnh tim.
Theo ông Thức, khám sức khoẻ tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ/chồng cũng như trách nhiệm với thế hệ sau.
Ông Thức đề nghị cơ quan chức năng quy định công dân trước khi đăng ký kết hôn phải khám sức khỏe và có chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng xa, đồng bào nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.