Về đề xuất lập UB giám sát thị trường: Khó tính được độ hiệu quả

Thứ sáu, ngày 17/08/2012 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Đây mới chỉ là đề xuất của một cá nhân, dưới góc độ một nhà nghiên cứu. Việc có nên thành lập hay không phụ thuộc vào khâu tổ chức, bộ máy…”.
Bình luận 0

Việc các mặt hàng đầu vào thiết yếu như điện, xăng dầu… liên tục tăng thời gian qua trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nhất, đã gây tâm lý “chán nản” trong dư luận trước vấn đề quản lý giá của các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, đề xuất mới đây của TS Nguyễn Đình Cung - Viện phó Viện Quản lý kinh tế T.Ư về việc cần thành lập cơ quan giám sát độc lập để giám sát thị trường ngay lập tức thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của các cơ quan quản lý mà của cả dư luận.

Theo TS Cung, chúng ta cần một cơ quan giám sát thị trường bởi các cơ quan quản lý hiện nay như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... hiện đang đảm nhiệm chức năng “3 trong 1”: Vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, vừa là người giám sát thị trường, lại vừa là nhà làm chính sách cho thị trường. Các chức năng này có thể xung đột nhau, khi điều hành các cơ quan nhà nước dễ giải quyết sự việc trên vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, phản ánh tiếng nói doanh nghiệp.

img
Giá cả tăng cao bất thường có trách nhiệm của các ngành công thương, tài chính.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), một trong những cơ quan có chức năng quản lý giá từ chối đưa ra ý kiến về đề xuất này. “Đây mới chỉ là đề xuất của một cá nhân, dưới góc độ một nhà nghiên cứu. Việc có nên thành lập hay không phụ thuộc vào khâu tổ chức, bộ máy…” - vị đại diện này cho biết.

Trao đổi với NTNN, TS Trần Du Lịch - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng: Không nên đặt ra quá nhiều cơ quan vì chúng ta đã có rất nhiều các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thị trường rồi. Thậm chí, theo TS Trần Du Lịch, các cơ quan trong lĩnh vực này đang bộc lộ sự chồng chéo. Nếu “đẻ” thêm cơ quan nào nữa thì sẽ khó quản cũng như khó tính được mức độ hiệu quả. “Các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã chưa làm tròn trách nhiệm, cần phải chịu trách nhiệm trước đã”.

Cùng chung quan điểm này, TS Ngô Trí Long -nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Đề xuất này thực sự chưa thuyết phục trong lúc chúng ta đang muốn tinh giảm bộ máy, hạn chế sự cồng kềnh, thiếu hiệu quả, đồng thời hiện đã có rất nhiều cơ quan có chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường từ các bộ, ngành xuống đến địa phương như: Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Cục Quản lý thị trường, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)… Thậm chí các Ủy ban của Quốc hội cũng có trách nhiệm và quyền hạn để giám sát vấn đề này. “Nếu cho rằng việc thành lập ủy ban giám sát thị trường là cần thiết thì tôi nghĩ chúng ta sẽ còn phải thành lập nhiều cơ quan giám sát thuộc các lĩnh vực khác nữa” - ông Long nói.

“Trong khi chúng ta đang có một Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia độc lập trực thuộc Chính phủ mà hiệu quả chưa được thể hiện trong thực tế thì theo tôi, tốt nhất chúng ta nên củng cố, đào tạo lại đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực quản lý, giám sát thị trường một cách chuyên nghiệp, đồng thời giao chức năng, nhiệm vụ cụ thể rõ ràng” - TS Ngô Trí Long đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem