Đi nghe quan họ thì thấy gì nó cũng gợi, cũng mở, cũng chào, cũng mời, cũng đón, cũng thương mến… Tất cả làm thành những nét duyên phong phú của nghệ thuật ca hát, lời lẽ ca hát và văn hóa chơi, văn hóa sống của người đất quan họ...
Hôm nay tôi nghĩ về nét duyên từ trong dáng hình, câu hát của anh Hai anh Ba.
Sao không nói chị Hai duyên, mà lại nói các anh vậy? Các chị đã được trầm trồ ngợi ca về dáng hình, về ăn mặc và đi đứng rồi, cùng những lời thưa câu gửi nền nã dịu dàng, dù biết rằng khen nhiều vẫn là chưa đủ. Còn các anh, cũng những là dáng vẻ khoan thai, ăn nói mềm mỏng, lời hát mang nhiều màu dịu dàng lắm nhé!
Liền anh Văn Tuấn (Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh) và liền chị Thúy Miền. Ảnh: N.S.C.C
Tôi nghĩ khó mà tìm thấy anh lực điền trong đám hát. Những người đô con mạnh mẽ thế ấy, họ đã đi vào xới vật rồi. Còn người con trai đi hát, muốn gì cũng phải ít nhiều có giọng. Và hát ca là phải biết trau chuốt, giữ gìn cái giọng giời cho ấy, cộng thêm luyện rèn. Ngoài việc nghề, việc cửa nhà, phải dành thời gian cho giọng, cho ca, cho rèn luyện lối chơi, nào lời ăn tiếng nói, nào cái mặc cái đội, sao cho thanh lịch, cho ra con người thật là nhã.
Cái duyên người nam đi hát nó nằm ở đấy, thanh, nhã của người có tài hoa, “làm nghệ thuật” một cách tự nhiên, chân thành. Đến Kinh Bắc, nghe các chị cất lên tươi tắn: Anh Hai xinh, tang tình là anh Hai đứng, đứng đứng một mình, trông dáng như cũng xinh..., thì thấy thật là yêu mến lắm! Anh Hai hiện lên trong mắt chị Hai đấy, và trong hình dung của người nghe hát, những anh Hai xinh!
Tôi đã nhìn, từ xa đến gần, đã đứng cùng những anh Hai anh Ba của mình, gọi vậy là bởi có được quen biết nhiều anh chị, bên những bãi bờ, những đường những lối làng mạc, cỏ đồi, đền miếu, trong những cửa nhà quan họ, thường cảm nhận từ đó một sự hiền hòa, nhu mì, biết nương biết hòa cùng ngoại cảnh. Có hào hứng đến mấy thì người ca hát cũng giữ lấy cái khiêm nhường, điềm đạm mà liều lượng trong đi đứng, ăn nói, thưa gửi. Kể cả không phải những lời nói mỹ miều nằm lòng như ta hay nghe thấy lúc quan họ nói chuyện với nhau, như kiểu chúng em còn cả sữa non măng/ăn giầu đã vậy còn biết nói năng thế nào, mà là trong cách ăn nói đời thường cũng đã thấy những là thân mến, là tế nhị.
Ngẫm anh Ninh - anh Hiển ở Đặng Xá, rồi anh Đăng Nam và anh Phú Hiệp - hai liền anh nức tiếng người làng Thổ Hà, và hình ảnh những cặp liền anh hòa giọng hướng về các liền chị, hướng đến người nghe, tôi nhận ra thêm cái duyên kết nối, duyên tình bạn hay lắm của những cặp hát ý hợp tâm đầu. Chưa vội nghĩ sang niềm quyến luyến nam nữ giữa các bọn quan họ các làng kết chạ. Mà giữa các cặp hát, theo thời gian đi chơi quan họ, cũng đã thành những tình bạn đẹp, tình huynh đệ, bằng hữu thấu hiểu, thân thiết. Bởi không phải ai cũng hát được với nhau, mà phải hợp giọng, hợp tính, tập hát và hát với nhau để đối đáp với bên khác, thì phải hô ứng, nâng đỡ nhau nhịp nhàng... Vậy nên, nhìn các anh hát bên nhau thấy thật là duyên! Nhìn nhau hát, ánh mắt cười, khóe miệng tươi tắn, nghiêng nghiêng đôi mái đầu như đôi bạn thân đang tâm sự chuyện đời, nỗi mình, lắng nghe nỗi bạn. Mà cảm sâu hơn, thấy cái duyên của đời hát nó đã buộc những người đó lại.
Ngẫm cái duyên tinh ý, liền anh liền chị cài khéo trên khẩu trầu têm cánh phượng một cánh hoa hồng vào phần cuối lưng “chim phượng”, làm cho màu xanh non chợt thắm lên. Rồi ngẫm cái nét duyên dáng chị hai nghiêng nón mà đợi những người thương xa, hình ảnh như đã thành biểu tượng “vọng bạn” chốn đồng bằng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.