Vé tàu tết đắt vẫn khan?

Giang Thanh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị) Thứ bảy, ngày 02/12/2017 06:34 AM (GMT+7)
Nhiều người cho rằng đi tàu dịp tết là khổ sở. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy để có tấm vé tàu về tết không phải dễ dù giá vé khá cao. Đây có phải là nghịch lý hay do vấn đề gì khác?
Bình luận 0

Giá gấp đôi cũng không còn

Dù mới mở bán hơn tháng (bắt đầu bán từ 15.10) nhưng đến nay có thể khẳng định việc tìm được tấm vé về tết bằng đường tàu hoả đã trở thành bất khả thi. “Vé tàu tết năm nay tăng so với năm ngoái từ 3 – 5% tuỳ theo chặng tuyến, nhưng không hiểu tại sao chỉ sau vài ngày mở bán đã hết sạch”, anh Nguyễn Hoài Thanh, quê Thanh Hoá, ngụ quận Bình Tân, thắc mắc.

img

Nhiều người chon mua vé tàu tết vì tiện cho gia định và cho rằng an toàn hơn.

Theo anh Thanh, đọc trên báo chí thấy nhà tàu ưu tiên bán vé chặng dài trước, nên ngay ngày đầu mở bán anh chưa vội đặt, vì phải tăng ca. Ấy vậy mà, chỉ một tuần sau lên mạng tìm vé về quê ngày 27 hoặc 28 tháng chạp, rảo khắp vẫn không còn chỗ. Anh ra ga hỏi mua trực tiếp cũng chào thua, trong khi những cái tết trước, chặng gần khó mua chứ chặng xa mua dễ như...mua bánh mì.

Tương tự, sau một ngày mở bán, chị Hoàng Thị Trúc, nhân viên một cơ quan báo chí (quận 3) quê Bình Định, lên mạng đặt vé về ga Diêu Trì cũng không còn chỗ. Nghĩ nhà tàu đang ưu tiên bán chặng xa nên chờ, nhưng chị Trúc đã lầm, bởi suốt một tuần lên mạng vẫn không tìm thấy chỗ. “May mà nhờ có mấy anh em đồng nghiệp quen biết nhờ nhà tàu, nhà mạng canh giúp ai huỷ chỗ là nhào vô mua ngay. Tới ngày 22.11 tôi mới có được hai tấm vé về quê”, chị Trúc kể.

Còn anh Dũng, quê Bình Thuận, thì nói như không tin rằng đó là sự thật, khi kể về việc khan hiếm vé tàu tết chặng gần. Số là, khi nhà tàu mới mở bán vé, anh Dũng đã hoa mắt thấy giá vé từ TP.HCM – Bình Thuận dịp cao điểm tết tăng hơn gấp đôi. Cắn răng, anh Dũng đặt mua một vé với suy nghĩ chỉ có mình điên mới chấp nhận giá như vậy. Thế nhưng anh Dũng đã lầm, khi mà hai tuần sau, anh lên mạng đặt thêm một vé về Bình Thuận ngày 28 tháng chạp cho mẹ thì không thể tìm được chỗ. Canh gần cả tuần vẫn không kết quả. “Thật không tin nổi, giá vé từ TP.HCM – Bình Thuận gần 300.000 đồng chiều đi (358.000 đồng chiều về sau tết) – đắt không tưởng, mà người ta lại tranh mua hết”, anh Dũng không tin đó là sự thật, và đặt câu hỏi: việc giá vé tàu tết tăng hơn gấp đôi có phạm luật?

Vì sao?

Quay lại câu chuyện của anh Thanh. Theo anh này tính toán, giá vé tàu tết từ TP.HCM đi Thanh Hoá, giường nằm, máy lạnh ngày cao điểm đã gần 2 triệu đồng. “Tiền vé cộng với tiền ăn uống trên tàu này nọ cũng tầm 2,2 triệu đồng. Như vậy, đi tàu tết không rẻ hơn vé máy bay tết giá rẻ là bao”, anh Thanh so sánh.

Vậy sao anh không đi máy bay? “Nếu một mình thì tôi đã bay rồi, nhưng đằng này vướng hai đứa nhỏ (đứa ba tuổi, đứa năm tuổi) nên tính ra đi tàu tiện hơn nhiều. Bởi đi máy bay sẽ tăng thêm một vé và phức tạp trong việc làm thủ tục mà không phải ai cũng rành”, anh Thanh nói.

Lý do anh Thanh đưa ra khi quyết định đi tàu tết thay vì máy bay, cũng là lý do của rất nhiều cặp gia đình công nhân quê ở các tỉnh phía Bắc đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM.

Tương tự, trả lời câu hỏi vì sao không đi xe mà chọn đi tàu hoả với giá vé tăng gấp đôi, anh Dũng thực lòng chia sẻ rằng, mấy năm trước khi thấy tàu tết tăng giá cao là anh lập tức chuyển qua chọn xe khách về quê. Tuy nhiên, năm nay anh “cắn răng” mua vé tàu là vì anh đã quá sợ những hình ảnh tai nạn đường bộ tang thương. “Ngày thường còn đọc báo thấy khi xe khách này tông xe tải kia; rồi xe khách leo lên dải phân cách vì tài xế ngủ gục. Tết, xe đầy đường, nhà xe thi nhau quay đầu lấy khách, tai nạn càng cao nên thôi đành phải chọn phương án tương đối an toàn là tàu hoả!”, anh Dũng thật tình.

Không biết có phải vì nhiều người suy nghĩ như anh Dũng hay không, nhưng thực tế ghi nhận cho thấy, hầu hết các chặng gần của tàu tết đã hết chỗ. Đến thời điểm hiện tại, rất khó lòng kiếm được tấm vé tàu tết đi các tỉnh miền Trung, ngoài chuyện cò vé huênh hoang vẫn có đầy, nhưng mua vào tin chắc sẽ rất dễ “tiền mất tật mang”.

Lý giải thắc mắc của anh Dũng về vé tàu tuyến TP.HCM – Bình Thuận tăng gấp đôi vé ngày thường liệu có phạm luật, một lãnh đạo ngành đường sắt cho rằng họ hoàn toàn được tự chủ tăng giá, tuỳ theo tính toán của ngành để đảm bảo hiệu quả kinh doanh cũng như phương án phục vụ an toàn dịp tết. “Bộ Tài chính không bắt chúng tôi phải tăng tối đa là bao nhiêu thì làm gì có chuyện phạm luật,” vị lãnh đạo trên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem