Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến lo thực trạng "hết tiền, hết dự án", đề tài nghiệm thu xong không ai thèm mua

Khương Lực Chủ nhật, ngày 19/07/2020 08:01 AM (GMT+7)
"Tôi chỉ sợ hết tiền, hết mô hình, hết dự án" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nói và chỉ đạo các đơn vị của Bộ phải tập trung vào xây dựng các mô hình VietGAP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để có sức lan tỏa, không để xảy ra tình trạng hết tiền thì hết mô hình.
Bình luận 0

"Làm bao nhiêu đề tài, chi bao nhiêu tiền, nghiệm thu không biết bao nhiêu cái. Để đi đâu, không ai mua. Không ai mua chứng tỏ đặt vấn đề không trúng, hoặc đặt vấn đề trúng rồi nhưng làm không ra vấn đề, không có niềm tin, không bán được cho ai" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và nhấn mạnh các nhà khoa học khi xây dựng đề tài, mô hình phải "đặt đúng vấn đề, làm nghiêm túc và ra sản phẩm".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến lo thực trạng "hết tiền, hết dự án", đề tài nghiệm thu xong không ai thèm mua - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: "Tôi chỉ sợ hết tiền, hết mô hình".

Dẫn câu chuyện mỗi năm ngành thủy sản xuất khẩu 9-10 tỷ USD, 1 năm 8,5-9 triệu tấn, sắp nuôi biển là 1,8 triệu tấn, nhưng cơ sở hạ tầng thủy sản hết sức nhếch nhác, ông Tiến nêu thực tế lạc hậu, kém hiệu của của một loạt các cơ sở nghiên cứu khoa học trong thủy sản và chăn nuôi.

Cụ thể, giống bò năng suất cao nhất thế giới nhưng được nuôi ở trong chuồng trại được xây dựng từ những năm 1970 thì lấy đâu ra năng suất, chất lượng tinh tốt. 

Thậm chí, mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đi kiểm tra 2 đơn vị thuộc Viện Thủy sản I thấy, Văn phòng thì sạch sẽ, sang trọng và mát lạnh, nhưng khi đi kiểm tra một trung tâm sản xuất giống, ông cho biết, chẳng lẽ tôi lại ký văn bản đề nghị thu hồi đất ngay lập tức, không đầu tư thêm cho dự án.  

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến lo "hết tiền, hết mô hình" - Ảnh 2.

Bà Ngô Thị Dung ở xã Hồng Phong lại khóc nức nở trong sự uất hận vì trót tham gia vào dự án LIFSAP khiến mẹ con bà lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay do đàn lợn cả trăm con đã chết sạch vì dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Trần Quang

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Cục Chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cùng với việc tăng tái đàn nhanh của các doanh nghiệp thì cả nước còn có 2 triệu hộ chăn nuôi lợn. Đây là khu vực rất quan trọng góp phần vào việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong 6 tháng cuối năm.

Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tập đoàn Quế Lâm triển khai hàng hàng chục mô hình ở rất nhiều tỉnh thành, nuôi hàng nghìn con lợn, cả lợn sinh sản, hậu bị, lợn cai sữa, lợn con theo mẹ, lợn thương phẩm. Chúng ta đã có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để nhân mở mô hình này.

"Bây giờ phải tập trung vào xây dựng các mô hình. Các anh cứ nói VietGAP ở đâu, ở chỗ nào. Hữu xạ tự nhiên hương, nếu anh làm tốt không bao giờ nói lên được đâu. Tôi chỉ sợ hết tiền, hết mô hình. Một ngành không làm được thì đừng nói một nền kinh tế. Các mô hình VietGAP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh tập trung vào, phải có sức lan tỏa" - ông Tiến chỉ đạo.

Thứ trưởng đặt vấn đề: các doanh nghiệp phải đi vay vốn, thuê đất, đào tạo nhân lực, tìm kiếm thị trường... mà vẫn làm giàu được. Trong khi đó, các cơ sở nghiên cứu được bao cấp lại không phát huy được hiệu quả. Vì thế, Thứ trưởng nhắc lãnh đạo Cục Chăn nuôi rà soát các đề xuất, đề tài trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 và "phải có nền tảng của một đội ngũ làm nghiêm túc".

Đến tháng 6/2020, đàn lợn trong sản xuất đã khôi phục được khoảng 24,92 triệu con, bằng gần 80% so với thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi (cuối năm 2018). Tuy nhiên, việc khôi phục gần 20% sự thiếu hụt đàn lợn hiện nay là một thử thách không nhỏ.

Theo Bộ NNPTNT, phần lớn sự thiếu hụt này đang nằm trong khu vực chăn nuôi nông hộ, các trang trại vừa và nhỏ, HTX chiếm khoảng 60% thị phần sản phẩm chăn nuôi lợn. Khu vực này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu giống, thiếu điều kiện cơ sở chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, vừa qua các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó giá giống lợn hiện nay rất cao, 2,5-3 triệu đồng/con.

Theo ông Trọng, với những hộ chăn nuôi khép kín, chủ động được con giống thì giá thành chăn nuôi trên dưới 50.000 đồng/kg, nhưng nếu phải mua giống thì giá thành chăn nuôi ở mức trên 70.000 đồng/kg. Vì thế, mức giá bán thịt lợn hơi phải trên 80.000 đồng.

Một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã bắt đầu triển khai việc tái đàn nái từ tháng 10/2019, sẽ cho sản phẩm từ tháng 8/2020, còn phần lớn việc tái đàn nái trong các trang trại, hộ chăn nuôi (khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất) mới chỉ bắt đầu từ cuối tháng 2/2020 trở lại đây.

Trong 3 năm (2016-2018), cả nước có gần 4 triệu lợn nái. Năm 2019 khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, đàn lợn nái giảm còn trên 2,72 triệu con. Việc thiếu hụt nguồn cung lợn thịt, lợn nái đã đẩy giá bán thịt lợn lên cao, có thời điểm giá thịt hơi tăng cao và cán mốc trên 100 nghìn đồng/kg và hiện đang dao động ở mức 84.000-90.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi, đàn lợn thịt của 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với tháng 1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi) là 66,35%, tăng so với tháng 1/2020 là 30,89%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem