Về việc hàng không chậm, hủy chuyến: Xem xét bồi thường một cách đương nhiên

Vinh Hải Thứ năm, ngày 24/07/2014 08:31 AM (GMT+7)
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 có quy định về trách nhiệm của nhà vận chuyển do vận chuyển chậm. Nhưng văn bản dưới luật chưa quy định cụ thể “nhà tàu bay” phải bồi thường thế nào trong trường hợp chậm chuyến.
Bình luận 0

Chị Quỳnh Hương (Hà Nội) chưa hết bức xúc với lịch bay chuyến VN7174 chặng bay Đà Nẵng – Hà Nội ngày 20.7. Theo lịch bay dự kiến, chị cùng gia đình đặt bay lúc 22 giờ 05 phút, sau đó nhân viên phòng vé thông báo lịch bay mới được đẩy lên sớm hơn vào lúc 16 giờ 20 phút. Thế nhưng, khi đến sân bay, làm thủ tục vào phòng chờ xong, hành khách liên tục nhận được thông báo xin lỗi chuyến bay bị chậm vì lý do kỹ thuật. Giờ bay thực tế của chuyến VN7174 là 19 giờ 30 phút, chậm hơn 3 giờ đồng hồ so với thông báo ban đầu của hãng.

Chị Quỳnh Hương cho biết: “Tôi đã đặt lịch bay muộn vào lúc 22 giờ để sắp xếp xong công việc tại Đà Nẵng nhưng hãng lại đẩy giờ bay sớm hơn. Hành khách tuân thủ theo hành trình mới, nhưng hãng hàng không lại bắt khách phải ngồi đợi ở sân bay hơn 3 giờ đồng hồ, đảo lộn hết kế hoạch. Trong thời gian này, khách được phát một phiếu ăn nhẹ, nhưng tìm mãi không thấy ai phụ trách để hỏi ra đâu ăn hay đổi phiếu ăn lấy nước uống được không”.

Trao đổi với PV, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: “Việc chậm chuyến có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng đến cả hành khách và hãng hàng không. Hãng bị ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh, còn hành khách bị dịch vụ kém. Nghĩa vụ của người vận chuyển đã được đưa vào Luật Hàng không dân dụng năm 2006 nhằm bảo vệ quyền lợi của hành khách khi bị chậm, hủy chuyến. Gần đây, chúng ta cũng đã có quy định bồi thường ứng trước không hoàn lại đối với hành khách bị hủy chuyến”.

Theo ông Thanh, trên thế giới, việc bồi thường thiệt hại cho hành khách bị chậm, hủy chuyến thường được thực hiện qua trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo con đường dân sự, nghĩa là hành khách khởi kiện hãng hàng không ra tòa dân sự và chứng minh được thiệt hại. Còn ở Việt Nam, đối với các trường hợp chậm chuyến, hành khách phải chờ chuyến bay mới chỉ có quy định nhà vận chuyển có các hình thức hỗ trợ hành khách. Ở đây, ông Thanh cho hay - phải đặt vấn đề “bồi thường một cách đương nhiên”.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong dự thảo Luật Hàng không dân dụng sắp được trình Quốc hội trong năm nay, các đại biểu cũng đã có ý kiến về vấn đề trên, nghĩa là đã đến lúc đặt ra vấn đề xem xét bồi thường đương nhiên. Ông Lại Xuân Thanh cho biết: “Bộ GTVT đang được giao xem xét trách nhiệm cụ thể của nhà vận chuyển trong vấn đề chậm chuyến để trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay”.

  Điều 164 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có quy định người vận chuyến có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm, trừ trường hợp chứng minh được mình, nhân viên và đại lý của mình không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Nhưng hiện mới có Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT quy định trách nhiệm “bồi thường ứng trước không hoàn lại” của nhà vận chuyển đối với trường hợp hành khách không được vận chuyển hoặc chuyến bay bị hủy. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem