Về việc Trung Quốc đề xuất quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, thiếu tướng Lê Văn Cương: 2 nguyên nhân khiến Mỹ hờ hững

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ tư, ngày 19/11/2014 07:05 AM (GMT+7)
“Đến thời điểm này, Chính quyền Obama dù không nói thẳng ra, nhưng cũng chỉ xem Trung Quốc là một cường quốc khu vực, chứ không phải một cường quốc quốc tế”- Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, bình luận về đề xuất của Trung Quốc thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ.
Bình luận 0

Vực thẳm của lòng tin

Việc Trung Quốc đề xuất xây dựng quan hệ kiểu nước lớn kiểu mới với Mỹ đã không còn mới, song dư luận luôn nghi ngờ về mục đích mà Trung Quốc đã nêu ra. Theo Thiếu tướng, đâu là mục đích thực của Bắc Kinh khi đưa ra đề xuất này?

- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu đề xuất với Tổng thống Mỹ Obama rằng, hai nước nên thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới với hàm ý gồm 3 phần. Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc không đối đầu, không xung đột. Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau mà tôn trọng lợi ích cốt lõi của các bên. Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ cùng cải thiện hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương cả về kinh tế, lẫn chính trị.

imgTheo Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông Obama (phải) chỉ xem Trung Quốc là một cường quốc ở tầm khu vực.     I.T

 

Với một mối quan hệ nước lớn kiểu mới, Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới rằng, họ ngang tầm với Mỹ về mọi mặt.

Thưa Thiếu tướng, vì sao đến nay, Mỹ vẫn có câu trả lời lấp lửng về đề xuất này, đặc biệt, Tổng thống Obama đã tránh dùng từ "nước lớn" khi đề cập đến đề xuất của Trung Quốc? Phải chăng đó là một cách để Mỹ phủ nhận rằng, Trung Quốc chưa phải là một siêu cường?

- Tháng 6 năm ngoái, ông Obama đã không trả lời trực diện về vấn đề ông Tập Cận Bình đưa ra, thậm chí có phần lảng tránh. Đến giờ phút này, phản ứng của Tổng thống Obama và chính giới Mỹ đối với đề xuất của ông Tập Cận Bình là rất hờ hững, dè dặt.

Đích thân ông Obama nói với ông Tập Cận Bình rằng, không nên dùng khái niệm “nước lớn kiểu mới” mà nên thiết lập mối quan hệ giữa các cường quốc với nhau, để góp phần đảm bảo hòa bình ổn định trên hành tinh này nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng. Mặc dù không nói thẳng ra, nhưng ông Obama không mặn mà với quan điểm quan hệ nước lớn kiểu mới với Trung Quốc.

Theo tôi, có hai nguyên nhân đặc biệt quan trọng để lý giải cho sự hờ hững này của chính quyền Obama. Thứ nhất, Mỹ chưa tin Trung Quốc, giữa họ đang có vực thẳm về lòng tin. Điều này cũng không khó khăn gì để lý giải. Trong vòng một năm qua, từ tháng 6 năm ngoái khi đề cập quan hệ nước lớn kiểu mới, ông Tập Cận Bình đã hàm ý rằng sẽ hợp tác với Mỹ trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Nhưng sau đó, Trung Quốc lại làm những việc đi ngược lại với những gì họ cam kết.

Việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông là hành động trái với thông lệ quốc tế và việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là đi ngược lại với luật pháp quốc tế… Chính điều này đã làm cho ông Obama nói riêng và chính giới Mỹ nói chung không tin Trung Quốc và khi đã không tin nhau làm sao có thể ủng hộ những quan điểm mới của nhau.

Quan điểm
img
Thiếu tướng Lê Văn Cương • Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an
 Về cơ bản, quan hệ Mỹ- Trung vẫn là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, nhưng tính cạnh tranh càng ngày càng lớn, tranh chấp quyết liệt nhưng sẽ không dẫn đến xung đột, đối đầu”. 
Thứ hai, tổng lượng GDP của Trung Quốc đang vượt Mỹ, nhưng chất lượng phát triển thì còn lâu mới bằng Mỹ. Chất lượng phát triển của một nền kinh tế, xã hội bao gồm cả trình độ phát triển công nghệ, công nghiệp. Phần công nghệ nguồn ở một nước phát triển tầm cỡ quốc tế phải chiếm tỷ trọng chất xám trong hàng hóa xuất khẩu ít nhất là trên 50%.

Cơ cấu kinh tế giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp cũng phải theo hướng hiện đại. Về mặt chính trị đối ngoại, để đạt được yêu cầu về một cường quốc số 1 thế giới, thì phải có giá trị văn hóa lan tỏa, phải có sự thu hút.

Xét về trình độ phát triển, đến thời điểm này, chính giới Mỹ, ngay cả ông Obama và những người cộng sự dù họ không nói thẳng ra, nhưng cũng chỉ xem Trung Quốc là một cường quốc khu vực, chứ không thừa nhận Trung Quốc đạt trình độ của một cường quốc quốc tế.

Làm gì để trở thành “tay chơi” có trách nhiệm?

Thưa ông, thông thường Hội nghị Nhóm các nền kinh tế lớn G-20 chỉ tập trung bàn về kinh tế. Tuy nhiên, điều khác lạ của cuộc họp G-20 năm nay lại tập trung khá nhiều về chính trị, vì sao vậy?

- Tôi cho rằng, chính những hoạt động bên lề G-20 mới để lại những dấu ấn lớn nhất về vấn để chính trị an ninh trên toàn cầu.

Ở đây có hai sự kiện mà cộng đồng quốc tế không thể bỏ qua, đó là Tổng thống Obama đã công khai phát biểu trước khi vào chính thức hội nghị G-20 ngày 15.11 rằng: Dư luận khu vực cho rằng Mỹ đang còn mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến chống IS; số nước châu Á tỏ ra nghi ngờ và lo ngại về khả năng xoay trục châu Á của Mỹ… nhưng tất cả những cái này không cản trở được chủ trương xoay trục châu Á của Mỹ.

Phát biểu của ông Obama vừa trấn an các nước bạn bè Đông Nam Á, và các đồng minh ở châu Á rằng hãy yên tâm về chủ trương chiến lược của Mỹ, vừa muốn nhắn nhủ đến Bắc Kinh rằng dù cho Trung Quốc có khó chịu đến bao nhiêu cũng không thể ngăn cản được chiến lược xoay trục của Mỹ.

Tuyên bố lần này của ông Obama trước 20 nguyên thủ quốc gia lớn nhất hành tinh này mang tính định hình cục diện chính trị an ninh trên toàn cầu trong vài thập kỷ tới.

Thứ hai, là cuộc gặp ba bên Nhật, Mỹ, Australia ra tuyên bố chung về hợp tác đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải Đông Á; yêu cầu các bên liên quan trong tranh chấp biển Hoa Đông, Biển Đông phải giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, bằng con đường hòa bình… đã gián tiếp gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng, Bắc Kinh muốn trở thành một cường quốc thế giới, một tay chơi có trách nhiệm, trước hết phải thực hiện đúng luật pháp quốc tế, phải tôn trọng đúng chuẩn mực trong quan hệ quốc tế.

Nhìn từ thực tế, mối quan hệ Mỹ -Trung trong thời gian qua đã không có được những tiến triển tích cực khi cả hai đã vướng vào một loạt căng thẳng, trong đó có vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông. Sau diễn đàn APEC và G-20, quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi đến đâu và liệu có lại rơi vào tình trạng "đồng sàng-dị mộng"?

- Tôi chỉ có thể đưa ra một dự báo khoảng từ nay đến năm 2020, 2022- thời điểm mà Trung Quốc tổ chức Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và kết thúc thời đại Tập Cận Bình, bắt đầu thế hệ lãnh đạo thứ 6 ở Trung Quốc. Trong khoảng thời gian 8 năm tới, đây là thời cơ vàng, và là thời cơ chiến lược của Trung Quốc còn lại duy nhất. Ông Tập Cận Bình đưa ra chủ trương “giấc mộng Trung Hoa”, ẩn ý rằng trong thời đại Tập Cận Bình, ông sẽ tập trung mọi nguồn lực trong, ngoài nước để đuổi kịp Mỹ và vượt Mỹ trước hết là chỉ tiêu về kinh tế.

Và trong thời đại Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ cố gắng trang bị khoảng 4 tàu sân bay, hơn một chục tàu ngầm quân sự. Như vậy, cả kinh tế và quân sự, Trung Quốc sẽ có khả năng đương đầu với Mỹ được.Vì vậy, dù có khó chịu với việc Mỹ xoay trục châu Á như thế nào, thì Bắc Kinh cũng sẽ cố gắng kìm chế, nín nhịn để giữ quan hệ Trung- Mỹ không rơi vào đối đầu, xung đột.

Một điều chắc chắn rằng từ nay đến 2020 sẽ không có đối đầu Trung- Mỹ, nhưng Mỹ vẫn quyết tâm xoay trục sang châu Á –Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc lớn lên và đòi phân chia lại ảnh hưởng, đòi xác lập lại luật chơi, nên có thể nói quan hệ Mỹ- Trung từ nay đến 2020, 2022 sẽ va chạm, cọ xát với nhau càng ngày càng lớn.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem