Về xã có 37 người tâm thần nghe hô "xung phong"

Thứ sáu, ngày 24/12/2010 19:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đang đi bỗng giật bắn mình khi nghe vang lên những tiếng: “Xung phong! Xung phong!”. Chúng tôi co rúm người, chờ một cuộc tấn công mãnh liệt. Nhưng không, sau đó là im ắng, rồi những tràng cười sởn gai ốc...
Bình luận 0

Về xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam),chúng tôi không khỏi giật mình bởi những tiếng thét “xung phong” bất thần vang lên. Cũng may, sau loạt hô hoán đó không thấy ai xông ra đường.

“Chiến hào” khắp làng

Xã Tam Nghĩa không lớn mà có đến 37 người tâm thần. Chúng tôi hỏi thôn nào nhiều người tâm thần nhất, ông Châu Ngọc Hồng - Chủ tịch xã nói thôn nào cũng như nhau. Chúng tôi về thôn Định Phước, đang đi bỗng giật bắn mình khi nghe vang lên những tiếng hét liên tiếp: “Xung phong! Xung phong!”.

Chúng tôi co rúm người, chờ một cuộc tấn công mãnh liệt. Nhưng không, sau đó là im ắng, rồi những tràng cười sởn gai ốc. Một người đi đường bảo: “Ông Nguyên “đánh giặc” đó mà, không sao đâu, cứ vào nói chuyện với ổng cho vui!”.

Chúng tôi vào và há hốc mồm khi thấy ngôi nhà đã bị chính chủ nhân đào nham nhở thành những hầm chiến đấu, nơi này nơi kia cắm đầy lá ngụy trang. Rất lạ là thấy chúng tôi vào, người vừa hô “xung phong” đó lại... tháo chạy.

Anh Dương Văn Nghĩa - con trai ông Nguyên, cho biết cha phát bệnh đã hơn 10 năm. Đó là 10 năm mấy mẹ con khổ sở vì nhà cửa bị biến thành chiến hào, và ngày ngày chói tai vì tiếng hô tấn công, tiếng gọi tên đồng đội của cha.

Cũng đánh giặc giữa làng hoài như thế, ở xã này còn có ông Nguyễn Tấn Nhơn (47 tuổi, thôn Tịch Tây). Cũng như ông Nguyên, ông Nhơn tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, bị sốt rét nặng. Năm 1984, ông rời chiến trường về địa phương và phát bệnh tâm thần.

Ông cũng hô “xung phong” suốt ngày đêm khiến vợ con không chịu nổi bỏ đi. Cùng đơn vị với ông Nhơn có ông Mai Văn Đức (thôn Thanh Trà). Ngoài lúc “đánh trận” ra, ông Đức quanh quẩn chợ Chu Lai để xin ăn, có khi lên cơn điên và đói, ông giật cá sống để ăn.

Những phận người nhiều “không”

Hầu hết những người tâm thần gia cảnh nghèo. Ngôi nhà ông Nhơn ở (nhà đại đoàn kết) trống hoác. Khi chúng tôi đến, ông qua một từ đường bên cạnh nằm lăn lóc, với một tô nhựa bên cạnh. 10 năm nay, ông sống đơn độc vì bị vợ con bỏ rơi. Ông tự nuôi thân với 120.000 đồng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Khi tỉnh táo thì làm sào ruộng do xã cấp, rồi mò cua, bắt cá để sống qua ngày. Mỗi khi lên cơn, sau khi “đánh giặc” ầm vang, ông lại lủi thủi đi bộ về quê vợ (cách đó 5km). Vợ con ông đã vào miền Nam từ lâu, ông biết vậy, nhưng vẫn tìm về đứng trước cổng nhà vợ một lát rồi quay về. Chỉ có lên cơn điên, ông mới thôi cô độc vì có “đồng đội”, còn bình thường ông lủi thủi làm ăn, đi về không ai thân cận quan tâm.

Cách nhà ông Nhơn không xa là nhà anh Trần Văn Ninh. Anh Ninh đỡ hơn ông Nhơn là còn mẹ già- bà Phan Thị Thơ (80 tuổi). Bà mếu máo: “Con tôi mà, có điên cỡ nào tôi cũng không bỏ nó. Tôi chỉ buồn là gần đất xa trời, con tôi sau này không biết dựa cậy vào ai”. Anh Ninh năm nay đã 44 tuổi nhưng ngây ngô như trẻ con. Hàng xóm thấy 2 mẹ con đói rách, thương nên thỉnh thoảng gọi anh Ninh đi chặt tre thuê.

Mỗi lần đốn tre, bà con trả công anh 15.000 đồng. Cả tháng chỉ vài lần. “Nó lớn mà khờ lắm. Chặt tre được đồng nào đem đi uống rượu đồng nấy. May, bà con biết, không đưa tiền cho nó nữa mà đem đến nhà cho tôi”. Căn nhà bà Thơ xiêu vẹo sắp đổ rồi, bà thì già, anh Ninh thì không biết gì. Những tháng mùa đông này, không ai kêu đốn tre, hai mẹ con ngày ngày ăn cháo trộn mấy cái rau mọc hoang ngoài đồng.

Bệnh đến do đâu?

Ông Lê Tấn Thơ cho biết, Quảng Nam có 72 xã được hưởng chính sách ưu đãi của Chương trình “Quản lý và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần” và xã Tam Nghĩa cũng nằm trong chương trình này với số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng để chăm sóc người bị tâm thần.

Chủ tịch xã Châu Ngọc Hồng nói rằng, hầu hết gia đình có người tâm thần đều hoàn cảnh khó khăn. Trong khi hồ sơ hưởng chính sách trợ cấp xã hội thì mất nhiều thời gian, thủ tục rườm rà, nên phần lớn những người tâm thần... tự lo.

Điều ông Hồng quan tâm là lý giải nguyên nhân vì sao xã ông lắm người bị bệnh tâm thần như thế. Ông đã báo cáo nhiều lần nhưng chưa có bất cứ cơ quan nào về xem xét trả lời.

Người dân tự lý giải là do uống phải nước phèn. Dân trong xã phần lớn là dùng nước giếng đào. Các giếng tự đào ở đây thường chỉ sâu từ 5 – 10m. Nước các giếng này khi múc lên hầu hết có màu đục vàng. Nước phèn trầm trọng đến mức các vật dụng trong nhà như chén, đĩa, ly, các bồn chứa nước…, nhà nào cũng vậy, có màu vàng úa. Tam Nghĩa vẫn chưa tiếp cận với nước sạch. Phải chăng vì uống nhiều nước phèn mà lắm người điên?

Chúng tôi tìm hiểu thì thấy một nửa con bệnh ở Tam Nghĩa là bộ đội xuất ngũ, phần lớn là bộ đội thời ác liệt nhất ở chiến trường Campuchia. Hầu hết đều bị sốt rét. Gia đình của các bệnh nhân này cũng thừa nhận, sau khi đi bộ đội tình nguyện từ Campuchia về, người thân của họ có hiện tượng bất bình thường về tâm lý.

Bác sĩ Lê Tấn Thơ – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam, cho rằng: “Những thảm họa về thiên tai, chiến tranh… rất dễ khiến cho người chứng kiến bị hội chứng “suy nhược sau chấn động” hoặc bị “rối loạn stress sau sang chấn”.

Có thể phải trải qua sự khốc liệt của chiến tranh đã làm cho một số trường hợp bị tâm thần. Chính việc bị sốt rét cũng đã làm chấn thương não rồi”.

Bác sĩ Thơ cũng không đồng ý, nước phèn là nguyên nhân. Ông còn cho rằng, thiếu nguồn an ủi cũng là môi trường cho bệnh tâm thần phát triển. “Ở các địa phương phát triển về kinh tế - xã hội, khi bị các cú sốc tâm lý, người dân còn có các trung tâm hỗ trợ tâm lý với đội ngũ bác sĩ chuyên môn giúp đỡ nên họ dễ giải thoát khỏi tình trạng uất ức về tâm lý.

Còn ở nông thôn, họ không biết giải thoát stress như thế nào, mà tự mình chịu đựng. Lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng bị tâm thần phân liệt”.

Bác sĩ Thơ nói: “Trong cuộc khảo sát mới nhất về xã Tam Nghĩa, trong 37 người bị tâm thần thì 14 bị động kinh, còn lại bị tâm thần phân liệt. Cả chục năm qua, họ không được chạy chữa đúng cách, thậm chí bị người thân bỏ rơi. Đó cũng là lý do để Tam Nghĩa có nhiều người bị tâm thần phân liệt nặng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem