Vén đất rừng tìm đồng đội

Thứ tư, ngày 17/10/2012 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 30.538 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia đã trở về với đất mẹ sau 18 năm ròng rã tìm kiếm.
Bình luận 0

Những đồng đội còn sống, những chiến sĩ trẻ tiếp bước đã không quản ngại khó khăn đưa các anh trở về trong tâm thế trang trọng, thiêng liêng.

Ngày 16.10, Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban chuyên trách Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết cấp Nhà nước công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ tại Lào, Campuchia. 332 đại biểu tụ hội về Hà Nội có đại diện của tất cả đội quy tập mộ liệt sĩ ở các quân khu có đường biên giới giáp Lào, Campuchia. Câu chuyện tìm kiếm đồng đội của các anh tính bằng cả cuộc đời.

img
Đón hài cốt liệt sĩ từ Lào về an táng tại Nghĩa trang Đường 9 - Quảng Trị.

Thời bình vẫn mắc tăng, nằm võng

Với đại tá Trần Hoàn - Chính trị viên Đội K70, Cục Chính trị Quân khu 7, cuộc đời binh nghiệp của anh gắn chặt với tăng và võng ngay cả trong thời bình. 5 năm làm công tác quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Kampong Thom (Campuchia), với những đợt công tác dài ngày (4-6 tháng), anh chủ yếu bám rừng tìm đồng đội.

“Nếu chỉ có đi rừng thì đã là quá… nhàn nhã”- đại tá Trần Hoàn cười, nói vui. Anh nhớ nhất lần đi tìm mộ liệt sĩ ở đầm lầy Ô Bơn (xã Song Co Rim, thị xã Ba Lăng). Là người phiên dịch, đồng thời cũng làm công tác tiền trạm ở nước bạn, anh nghe tin ở khu vực đầm lầy này những năm 1970-1971 có kho xăng và kho lương thực của quân tình nguyện, sau đó nhóm trông giữ kho đã hy sinh. Vậy là mùa khô năm ấy, Đội K70 của anh gồm 40 người lên đường đi tìm kiếm.

“Từ xã đi vào khu đầm lầy chỉ khoảng 20km, nhưng rừng rậm bít kín cả lối đi, chúng tôi phải phát cây ròng rã 3 ngày mới có được đường vào”. Tới nơi, các anh lại quay ra chuẩn bị lương thực cho 7 ngày nằm rừng tìm kiếm. Ngày khoanh tọa độ, tổ chức đào, đêm nằm võng ngủ, vậy mà 6-7 ngày mộ vẫn biệt vô âm tín. Anh Hoàn đành phải quay lại xã dò hỏi.

May mắn anh gặp một người đàn ông khoảng 50 tuổi, hồi nhỏ có theo bố vào khu đầm lầy bắt cá nên được bố chỉ vị trí mộ của quân tình nguyện. Vậy là các anh được chỉ đúng chỗ và đào lên 6 hài cốt. “Chôn theo các anh còn có tăng, võng, tem Việt Nam những năm 1960-1961, huy hiệu Sao Vàng. Ngay sau đó, các anh được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, Tây Ninh chôn cất”- anh Hoàn kể.

Cùng với đại tá Trần Văn Hợp - Đội trưởng Đội K70, anh Hoàn đã đi hàng chục chuyến như vậy và đội của anh quy tập được 1.214 mộ liệt sĩ. Anh Hoàn nhớ lại: “Có những mộ chúng tôi phải đi tới 3 chuyến, kéo dài 2 năm trời. Cùng đi có cả người nhà, bạn chiến đấu và cả nhà ngoại cảm mà vẫn không tìm thấy. Sau đó, trò chuyện với người dân nước bạn mới biết, xác người lính đó được người dân kéo ra bên ngoài, cách nơi chiến đấu khoảng 500m. Lúc đó đào mới trúng và đưa về”.

Với lực lượng quy tập mộ liệt sĩ, đại tá Trần Hữu Lưu- Đội quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị là người rất nổi tiếng. Anh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân duy nhất được phong vì thành tích tìm kiếm mộ. Từng chiến đấu chống phỉ ở Lào, giờ anh trở lại chiến trường xưa cùng đồng đội lội suối, băng rừng, vượt ngàn gian khó, nguy hiểm để tìm đồng đội.

Đại tá Lưu nhớ lại: “Rừng của nước bạn Lào mênh mông, địa bàn tỉnh Xa Vẳn Na Khệt chủ yếu là rừng rậm. Các phần mộ liệt sĩ lại chủ yếu nằm ở những địa bàn hiểm trở, xa khu dân cư. Xưa chúng tôi còn trẻ, bạn hy sinh, khi chôn chỉ đánh dấu bằng một thanh tôn hay thanh gỗ vì nghĩ mình sẽ quay lại ngay để đưa bạn về. Vậy rồi bao năm trôi qua, cả gỗ lẫn tôn đều đã mục, tìm kiếm rất khó khăn. Có những đợt, anh cùng đội đi tìm kiếm ròng rã 4-5 tháng, mùa mưa bị lũ chia cắt, lương thực cạn kiệt, đội của anh phải đi đào củ, lấy rau rừng ăn tạm để chờ nước rút”.

Khó ai có thể tưởng tượng được anh làm công việc vất vả ấy đã hơn 15 năm, trong khi anh còn đang mang trong mình nhiều vết thương và bị nhiễm chất độc da cam. Anh đã góp phần cùng đồng đội quy tập được 2.241 mộ liệt sĩ tại Lào.

Trung tướng Đào Duy Minh- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhớ lại những đợt đi kiểm tra, ông rớt nước mắt trước những quân nhân, từ những anh lính nghĩa vụ trẻ măng, tới những lãnh đạo dày dạn phải nằm ngủ trên nền xi măng tại các nghĩa trang, bên cạnh là hài cốt đồng đội mà vẫn an ủi ông: “Thế là còn may chán, vì vẫn còn các đồng đội phải nằm đất ở những nơi xa xôi đang đợi chúng tôi đưa về”.

Thương những người bạn vô danh

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng thật bất ngờ, khi hỏi chuyện, các anh không hề kêu ca về công việc của mình mà lại lo cho những người đã khuất. Như anh Hoàn vô cùng đau lòng vì thực tế, trong 1.214 mộ anh tìm thấy, chỉ có 26 hài cốt có tên, còn tất cả đều vô danh. Tương tự, anh Trần Hữu Lưu thống kê chỉ có 217 hài cốt có tên và quê quán, 210 hài cốt có tên. Số liệu của Ban Công tác đặc biệt cũng cho thấy Quân khu 5 quy tập được 2.040 hài cốt thì chỉ có 325 liệt sĩ có danh tính, Quân khu 7 quy tập được 6.833 hài cốt thì chỉ có 483 liệt sĩ có danh tính…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao các hoạt động và kết quả trong việc tìm kiếm mộ liệt sĩ trên đất bạn Lào, Campuchia. Được sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ lực lượng vũ trang và nhân dân Lào, Campuchia, các đội quy tập mộ liệt sĩ của Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, cất bốc, hồi hương được 30.538 hài cốt liệt sĩ. Sự giúp đỡ chí tình của bạn đã giúp quân đội thực hiện được nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, góp phần động viên thân nhân các gia đình liệt sĩ...

Chiều 16.10, Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban chuyên trách của Chính phủ cũng đã khen thưởng 586 tập thể, 1.598 cá nhân (của cả 3 nước) vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Trò chuyện với những người lính làm nhiệm vụ quy tập tại hội nghị, chúng tôi cảm nhận được nỗi xót xa của các anh. Các anh chia sẻ: “Tìm được đồng đội về đất mẹ, nhưng chưa xác định rõ danh tính của các anh, chưa thông báo được cho người thân biết thì chúng tôi còn rất áy náy”.

Trong bản tham luận của Quân khu 5, lãnh đạo Quân khu cũng nhận định, do thiếu thông tin nên rất nhiều gia đình phải nhờ các nhà ngoại cảm đi tìm mộ và bị trục lợi. Vì vậy, Quân khu đề xuất có chính sách hỗ trợ, kinh phí giám định để kiểm tra ADN các hài cốt liệt sĩ.

Đại tá Phạm Thành Tài - Trưởng phòng Chính sách Quân khu 5 cho biết:

“Hiện Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH đang xây dựng ngân hàng gen, chúng tôi mong có cơ chế để lưu lại mẫu răng, xương của các hài cốt liệt sĩ. Sau này có kinh phí, có điều kiện, chúng ta xét nghiệm ADN và đưa dữ liệu vào ngân hàng gen để các gia đình liệt sĩ sau này đi tìm kiếm có thể so sánh, tìm nhanh.Nhiều gia đình còn khao khát đưa các anh về quê hương bản quán. Đó là mong mỏi chính đáng và tôi tin rằng Đảng, Nhà nước, quân đội sẽ cố gắng hết sức để giải quyết”.

Tại hội nghị, Ban Công tác đặc biệt cũng nhấn mạnh: Tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ ngoài nước là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Với sự giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Lào, Campuchia, quân đội ta nhất định sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, đưa các anh trở về ấm áp nơi đất mẹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem