Ngụy Trưng xuất thân trong 1 gia đình nghèo ở tỉnh Hà Bắc. Ông từng dưới trướng của Lý Mật, sau một lòng phò trợ thái tử Lý Kiến Thành, ông từng khuyên Lý Kiến Thành sớm trừ khử Lý Thế Dân bởi ông hiểu được sự nguy hiểm của Lý Thế Dân đến ngôi vị của Lý Kiến Thành.
Lý Kiến Thành bị giết chết, thân là quân sư, Nguỵ Trưng bị bắt tra khảo và thẩm vấn.
Tuy nhiên bằng thái độ dũng cảm, cương trực, Ngụy Trưng đã khiến Lý Thế Dân quyết định không những tha chết mà còn trọng dụng trở lại Ngụy Trưng cùng nhiều người thủ hạ cũ của Lý Kiến Thành.
Tể tướng Phòng Huyền Linh có thắc mắc, vua trả lời: "Triều đình đặt ra quan chức để cai trị đất nước, cần phải biết chọn người hiền tài, chứ sao lại lấy mối quan hệ để làm tiêu chuẩn chọn lựa. Nếu người mới có tài năng, người cũ không có thì không nên bài xích người mới mà cứ sử dụng người cũ".
Ông được phong chức Gián nghị đại phu với nhiệm vụ can gián vua không mắc phải những quyết định sai lầm.
Sự thẳng thắn và sáng suốt của Ngụy Trưng đã trở nên nổi tiếng trong sử sách và ông được coi là vị gián quan nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Ngụy Trưng còn là một nhà sử học có tiếng đầu thời nhà Đường, ông là chủ biên bộ sách Tùy thư, bộ sử chính thức về nhà Tùy và là một trong Nhị thập tứ sử.
Thế nhưng, sự xuất hiện của Ngụy Trưng khiến nhiều quan lại không ưa thích. Bởi Nguỵ Trưng không chỉ 1 lần xúc phạm Lý Thế Dân.
Ông là người duy nhất trình lên Đường Thái Tông "Thập tư sớ" nói thẳng vào mặt nhà vua, không phân biệt lớn nhỏ, việc gì cũng can thiệp kể cả hậu cung.
Thậm chí ngay cả chuyện Đường Thái Tông Lý Thế Dân cưới chồng cho công chúa Trường Lạc, Nguỵ Trưng cũng can thiệp.
Khi Trường Lạc công chúa xuất giá, của hồi môn Đường Thái Tông Lý Thế Dân cho công chúa vượt xa với những quy định lễ nghi.
Ngụy Trưng cho rằng như thế trái với lẽ thường, đã thẳng thắn nói: "Bệ hạ yêu Trường Lạc công chúa, điều đó có thể hiểu được. Nhưng cái gì cũng phải phù hợp với quy định nghi lễ, đó là điều không thể thay đổi. Nếu trong việc nhỏ còn làm sai thì với việc lớn sao có thể làm đúng".
Nghe xong, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đành phải giảm bớt của hồi môn cho Trường Lạc công chúa.
Và không ít lần Nguỵ Trưng khiến Đường Thái Tông uy vệ đỏ mặt tía tai phải nói: "Ông từ nay về sau đừng ngại gì, có gì thấy không đúng thì cứ nói, nhưng trước mặt mọi người thì cũng giữ thể diện cho Trẫm, chờ khi vắng người thì nói với Trẫm, Trẫm nhất định nghe theo lời của ông".
Ngụy Trưng không bằng lòng, phản ứng lại: "Vua Thuấn từng nói với quần thần, không thể trước mặt thì tỏ ra bằng lòng, sau lưng lại nói khác. Bệ hạ tuy chưa nhắc nhở Ngụy Trưng điều này, nhưng từ khi sinh ra, thần đã là người như thế".
Có một giai thoại nói rằng, Nguỵ Trưng không hề kiêng nể Lý Thế Dân, tranh cãi với vua đến đỏ mặt tía tai, mặt mũi sa sầm, nổi nóng.
Sau khi thoái triều, Đường Thái Tông hầm hầm về nội cung, thấy Trưởng Tôn hoàng hậu, liền bực tức nói: "Thế nào cũng có ngày ta phải giết chết lão già nhà quê đó. Là Ngụy Trưng làm nhục trẫm trước mặt đại thần, không sao nhịn được nữa".
Có lần Ngụy Trưng thẳng thắn phê bình Lý Thế Dân: "Thái độ tiếp thu lời can gián của Bệ hạ hiện giờ không bằng năm xưa. Những năm đầu niên hiệu Trinh Quán, Bệ hạ khao khát lắng nghe lời can gián, chỉ sợ mọi người không nói gì; về sau Bệ hạ cũng vui vẻ nghe lời khuyên can; hiện nay Bệ hạ vẫn nghe can gián, nhưng thường tỏ vẻ không vui, đám triều thần đều thấy cả".
Thấy vậy, Hoàng hậu cười nói: "Thiếp nghe nói chỉ có bậc minh quân mới có được các đại thần chính trực. Nay Ngụy Trưng có thái độ chính trực như vậy, thiếp không thể không chúc mừng bệ hạ".
Nghe thấy vậy, Đường Thái Tông Lý Thế Dân lập tức nguôi giận, ngẫm lại: "Mọi người đều nói Ngụy khanh có lời nói cử chỉ thô lỗ, nhưng ta thấy đó chính là chỗ đáng yêu của ông ta".
Trong 1 lần thượng triều, Đường Thái Tông Lý Thế Dân muốn đưa tất cả các suất đinh nam giới trên 18 tuổi vào lính. Trong khi bá quan văn võ đồng lòng nói Đường Thái Tông anh minh thì duy chỉ Ngụy Trưng thà chết cũng không chịu ký lệnh ấy, lại còn viện lý lẽ, cực lực bảo vệ quan điểm của mình trước văn võ bá quan.
Ông nói: "Tát cạn ao để bắt cá thì sang năm hết cá; đốt rừng để săn thú thì năm sau hết thú", buộc Đường Thái Tông Lý Thế Dân phải hủy bỏ mệnh lệnh đã công bố.
Gặp vận hạn khi đã qua đời và nỗi oan được xoá bỏ
Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Đường Thái Tông Lý Thế Dân thân chinh làm lễ truy điệu và lưu lại đoạn Tam kính luận được truyền tụng muôn đời: "Lấy đồng làm gương soi có thể sửa y phục cho ngay ngắn; lấy lịch sử làm gương soi có thể biết sự hưng vong của một triều đại; lấy người làm gương soi có thể biết là được hay mất. Ngụy Trưng chính là tấm gương thứ ba".
Không lâu sau, Đường Thái Tông Lý Thế Dân hạ chiếu thư: "Thời gian qua, Ngụy Trưng đã chỉ cho Trẫm những sai sót của mình. Ngụy Trưng đã mất, Trẫm ngày càng không rõ, lẽ nào chỉ có lời của ông ấy mới dám chỉ ra những sai lầm của Trẫm? Các khanh nói, nếu Trẫm không tiếp thu đó là trách nhiệm của ta. Nếu ta tiếp thu, nhưng không có người nói thì đó là trách nhiệm của ai?"
Cuối đời, tuy vẫn bước tiếp trên con đường đã định, mỗi lần ngồi một mình trên lầu cao, nhớ lại các danh tướng, hiền thần Đường Thái Tông Lý Thế Dân vẫn không quên được hiền thần ngay thẳng Ngụy Trưng.
Thế nhưng, một biến cố xảy ra.
Ban đầu Đường Thái Tông Lý Thế Dân hứa gả con gái của mình là Hành Sơn công chúa cho con trai cả của Ngụy Trưng là Ngụy Thúc Ngọc.
Tuy nhiên về sau Đường Thái Tông Lý Thế Dân phát hiện rằng Ngụy Trưng đều giữ lại riêng cho mình một bản khi soạn sách cho quốc gia, hơn nữa Ngụy Trưng trước đó từng nhiệt tình tiến cử Hầu Quân Tập - quân sư cho Phế thái tử Lý Thừa Càn trong âm mưu lật đổ Đường Thái Tông Lý Thế Dân, nhà vua đã quyết định hủy bỏ hôn ước và đập tan bia mộ của Ngụy Trưng vốn nằm không xa mộ của Trưởng Tôn hoàng hậu.
Niên hiệu Trinh Quán thứ 18, Đường Thái Tông Lý Thế Dân tấn công Cao Ly thất bại, sau đó ông cảm khái nói "Nếu Ngụy Trưng còn thì ta đã không làm như vậy".
Khi về nước, nhà vua sai người dựng lại bia mộ cho Ngụy Trưng, lại cho người chu cấp cho vợ con Ngụy Trưng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.