Vì sao 12 đại gia bóng đá châu Âu thành lập European Super League?

Thứ ba, ngày 20/04/2021 09:10 AM (GMT+7)
Những xung đột gần đây giữa các đội bóng và Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các ông chủ đội bóng thành lập giải đấu mới.
Bình luận 0
Vì sao 12 đại gia bóng đá châu Âu thành lập European Super League? - Ảnh 1.

Những ngày qua, có nhiều thông tin về việc một nhóm các CLB muốn thành lập một giải đấu mới. Kế hoạch này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người hâm mộ. Mới đây, 12 CLB đến từ 3 quốc gia là Tây Ban Nha, Anh và Italia đã xác nhận tham gia giải mới mang tên European Super League, trong đó bao gồm cả 6 đội trong nhóm BigSix của Ngoại hạng Anh.

Theo đó, các đội xác nhận tham dự gồm: AC Milan, Arsenal, Atletico Madrid, Chelsea, Barcelona, Inter Milan, Juventus, Liverpool, Man City, M.U, Real Madrid và Tottenham Hotspur. Những đội bóng này sẽ tham gia với cương vị thành viên sáng lập. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm 3 đội bóng nữa gia nhập để nâng số thành viên của nhóm “Câu lạc bộ sáng lập” lên con số 15. Nhiều khả năng sẽ gồm: PSG, Dortmund và Bayerrn Munich.

Vì sao 12 đại gia bóng đá châu Âu thành lập European Super League? - Ảnh 2.

Các ông lớn của bóng đá Châu Âu bắt tay nhau thành lập European Super League

20 CLB sẽ tham gia, bao gồm nhóm 15 CLB sáng lập và 5 đội bóng khác sẽ được phân loại mỗi năm dựa trên thành tích thi đấu của mùa trước. Tất cả các trận đấu của Super League sẽ diễn ra trong tuần để các CLB tham gia có thể tiến hành các trận đấu thuộc giải VĐQG của mình vào cuối tuần.

Mùa giải Super League sẽ bắt đầu từ tháng 8. Các CLB sẽ được chia làm 2 bảng 10 đội và thi đấu vòng tròn. Ba đội dẫn đầu của mỗi bảng sẽ được vào thẳng vòng tứ kết. Những đội xếp thứ 4 và 5 sẽ tham dự những trận play-off với thể thức lượt đi lượt về để tìm ra 2 tấm vé cuối cùng vào vòng tứ kết. Trận chung kết sẽ diễn ra trên sân trung lập vào tháng 5.

Vì sao 12 đại gia bóng đá châu Âu thành lập European Super League? - Ảnh 3.

Ông Florentino Perez sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch của giải đấu

Ngay khi Super League của nam diễn ra, giải Super League dành cho các cầu thủ nữ cũng sẽ khởi tranh. Tiền thưởng cho Super League chắc chắn sẽ cao hơn hệ thống các giải cúp châu Âu hiện tại và được cho là sẽ vượt mốc 10 tỷ euro. Mặt khác, giải đấu mới này được xây dựng với tiêu chí bền vững tài chính khi các CLB sáng lập cam kết áp dụng một khuôn khổ chi tiêu. Để đổi lấy sự cam kết này, các CLB sáng lập sẽ nhận được lợi ích gấp 3 lần các đội khác.

Được biết, lý do dẫn đến việc các chủ tịch CLB thành lập ESL là bởi những bất đồng trong việc UEFA muốn tăng số đội tham dự Champions League lên. Điều này đồng nghĩa với việc các đội bóng sẽ phải thi đấu nhiều hơn và số tiền bảng quyền sẽ bị chia bớt cho những đội bóng khác.

Cụ thể, UEFA sẽ công bố kế hoạch cải tổ Champions League để tiếp tục chiều lòng các đội bóng hàng đầu. Ở thể thức mới thì UCL sẽ có 36 suất và chia thành một hệ thống league. Tuy nhiên mỗi đội sẽ chỉ phải thi đấu 10 trận ngẫu nhiên (5 sân nhà, 5 sân khách) rồi 8 đội đầu tiên sẽ lọt vào vòng knock, 16 đội xếp sau sẽ đá play-off để lọt giành 8 vé còn lại sau. Sẽ có thêm 100 trận đấu được thêm vào so với thể thức bây giờ và tất nhiên các đội bóng lớn sẽ có nhiều cơ hội gặp nhau hơn cũng như hạn chế việc họ bị loại sớm hơn với chỉ 8 suất rớt đài sau vòng bảng.

Với thể thức này thì tiền đổ vào túi của các đội bóng sẽ nhiều hơn nhưng UEFA vẫn sẽ là kẻ được lợi nhất khi hưởng khoảng 60-65% doanh thu sau mỗi mùa giải. Không dưới 80% doanh thu của UCL nằm trong tay nhóm những đội bóng nằm trong top 4 giải vô địch quốc gia ở châu Âu nên đây là lý do họ muốn trở thành nhà tổ chức giải thay vì chỉ là CLB thể thao góp mặt đơn thuần. Với lợi nhuận tối đa của UCL hiện tại chỉ là khoảng 150 triệu Euro thì với con số 350 triệu Euro khi được tổ chức ESL là một con số quá khác biệt.

Vì sao 12 đại gia bóng đá châu Âu thành lập European Super League? - Ảnh 4.

Các CLB thành lập ESL lỗ đến 1,2 tỉ bảng ở mùa 2019/20 (chưa tính tới tiền chuyển nhượng)

Bên cạnh đó, với việc thi đấu tại ESL, các CLB tham dự sẽ không cần quan tâm đến thứ hạng sau từng mùa, bởi lẽ sẽ không có bất kì đội bóng nào xuống hạng và không còn áp lực trong cuộc đua top 4 như hiện tại. Song điều này sẽ làm giảm đi tính cạnh tranh, vốn dĩ là điều đặc thù của bóng đá. Tuy nhiên, với cơ cấu giải thưởng theo kiểu “tự ăn tự chia”, các CLB sẽ có được số tiền rất lớn nếu như trở thành thành viên của giải đấu.

Rõ ràng, trong giai đoạn dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế, các ông chủ sẽ phải tìm mọi cách để vượt qua khó khăn. Và thành lập ESL là một giải pháp để họ giải quyết được tình trạng kể trên.

Dĩ nhiên, ý tưởng này của các ông lớn châu Âu đã bị UEFA phản đối dữ dội. Trong tuyên bố mới nhất, UEFA đã lên tiếng: “UEFA, Liên đoàn bóng đá Anh và Premier League, Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha (RFEF) và La Liga, và Liên đoàn bóng đá Ý (FIGC) và Serie A đã nhận được thông tin các CLB tham gia một giải đấu khép kín, được gọi là Super League.

Vì sao 12 đại gia bóng đá châu Âu thành lập European Super League? - Ảnh 5.

Hiện giải đấu này đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ LĐBĐ các nước

Nếu điều này xảy ra chúng tôi nhắc lại rằng tất cả các đội bóng đấy sẽ bị cấm tham gia bất kỳ giải đấu nào khác ở cấp độ quốc nội, châu Âu hoặc thế giới, và các cầu thủ của họ có thể bị từ chối cơ hội lên đội tuyển quốc gia”.

Ngoài UEFA, hiện tại ban tổ chức các giải đấu LaLiga, FA, LĐBĐ Tây Ban Nha và Italia cũng đã lên tiếng cảnh báo các CLB dự định tham gia vào giải đấu này. Theo đó bất cứ CLB nào tham dự Super League sẽ bị cấm tham dự bất cứ giải đấu nào ở quốc nội hoặc UEFA. Các cầu thủ góp mặt ở đó cũng có thể không được triệu tập lên đội tuyển quốc gia của họ.

HB (Theo Cầu Thủ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem