Vì sao bóng đá ở Indonesia được coi là "môn thể thao chết chóc"?

Chủ nhật, ngày 02/10/2022 18:40 PM (GMT+7)
Bạo loạn trong bóng đá diễn ra như cơm bữa ở Indonesia. Mới nhất, thảm kịch tại sân vận động Kanjuruhan đã cướp đi sinh mạng của 125 CĐV...
Bình luận 0

Ít nhất 125 người đã thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương sau một vụ bạo loạn trên sân vận động Kanjuruhan (ở Malang Regency, Đông Java, Indonesia), cảnh sát cho biết hôm 2/10. Đây có thể là một trong những thảm kịch thể thao tồi tệ nhất thế giới, NBC News nhận định.


Sau khi CLB Arema để thua Persebaya Surabaya với tỷ số 2-3, tối 1/10, người hâm mộ của Arema đã tràn vào sân. Cảnh sát xịt hơi cay nhằm dẹp loạn nhưng lại gây ra cảnh tượng giẫm đạp kinh hoàng, nhiều trường hợp thương vong vì ngạt thở, Cảnh sát trưởng Đông Java Nico Afinta cho biết.


Vụ bạo loạn ở Malang Regency một lần nữa khiến hooligan hay chủ nghĩa côn đồ trong bóng đá ở Indonesia thành tâm điểm chỉ trích.

Vì sao bóng đá ở Indonesia được coi là "môn thể thao chết chóc"? - Ảnh 1.

Ít nhất 174 người thiệt mạng và 180 người bị thương trong vụ bạo loạn trên sân cỏ ở Indonesia. Ảnh: AFP.

Bạo lực ở khắp mọi nơi

Trước thảm kịch ở Malang Regency, tổ chức phi chính phủ Save Our Soccer (SOS), cơ quan giám sát cộng đồng bóng đá ở Jakarta, đã ghi nhận 70 trường hợp tử vong có liên quan đến môn thể thao vua tại Indonesia kể từ năm 1995.

Theo dữ liệu của SOS, 21 trường hợp tử vong trong số này bị đám đông hành hung, 14 người bị đâm bằng vũ khí sắc nhọn, 12 người bị ngã từ phương tiện giao thông, 11 người bị đánh bằng vật cứng, 6 người chết vì giẫm đạp, 2 người bị ngã từ khán đài, 2 người tử vong vì hơi cay, một người chết trong vụ nổ pháo và một người bị bắn.

Còn Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) ghi nhận 95 ca tử vong liên quan đến bóng đá kể từ năm 2005, cao hơn nhiều so với ước tính của SOS.

Theo The Jakarta Post, những cổ động viên bạo lực nhất gồm nhóm Aremania, Bonek, Bobotoh và Jakmania.

Vì sao bóng đá ở Indonesia được coi là "môn thể thao chết chóc"? - Ảnh 2.

Các nhóm cổ động viên tại Indonesia đối đầu nhiều năm, thường xuyên gây hấn. Ảnh: These Football Times.

Chỉ trong 6 năm (2012-2018), 7 người trở thành nạn nhân khi fan của hai đội bóng Persija và Persib đối đầu căng thẳng. Tuy nhiên, sự thù hận không chỉ giới hạn ở hai đối thủ không đội trời chung. Chủ nghĩa côn đồ trong bóng đá tồn tại trên hầu hết các khán đài ở Indonesia.

Tháng 3/2012, 3 người hâm mộ đội bóng Persebaya đã chết khi đi tàu đến Bojonegoro để theo dõi trận đấu giữa Persibo và Persebaya. Nạn nhận bị cổ động viên Persela tấn công bằng đá khi đi qua địa phận Lamongan.

Tháng 5/2012, 3 cổ động viên câu lạc bộ Persib đã thiệt mạng trong một vụ bạo loạn giữa người hâm mộ Persija và Persib trên sân vận động Gelora Bung Karno.

Tháng 9/2018, Haringga Sirila (23 tuổi), người hâm mộ đội Persija, đã bị nhóm cổ động viên Persib, đánh đến chết tại khu vực gần sân vận động Gelora Bandung Lautan Api ở Bandung, Tây Java.

Cảnh bạo lực cũng không giới hạn trong giải vô địch quốc gia Indonesia. Trong trận đấu giữa Indonesia và Malaysia tại vòng loại World Cup 2022 hôm 5/9, cổ động viên Indonesia đã tấn công khán giả và các cầu thủ Malaysia sau khi đội nhà nhận thất bại 2-3.

Lê Vy (Theo Tri Thức Trực Tuyến)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem