Vì sao bóng đá Việt Nam rất khó vượt qua Thái Lan?

Phạm Trần Oánh Thứ năm, ngày 13/07/2023 12:10 PM (GMT+7)
Mặt bằng nền bóng đá Thái Lan cao hơn Việt Nam, một vài trận thắng của các cấp độ ĐT Việt Nam không làm thay đổi mặt bằng này. Đó là lý do còn rất lâu bóng đá Việt Nam mới vượt qua được Thái Lan để trở thành số 1 Đông nam Á.
Bình luận 0

Thái Lan vẫn là thách thức lớn với bóng đá Việt Nam

Đã từ lâu, Thái Lan là nỗi ám ảnh với bóng đá Việt Nam. Các cấp độ đội tuyển của Việt Nam rất ít khi vượt qua được Thái Lan. Ở cấp đội Đội tuyển quốc gia, khi bóng đá Việt Nam đang ở đỉnh cao dưới thời HLV Park Hang-seo, với những thành tích vang dội từ đấu trường châu Á của đội U23, thì đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng chưa bao giờ thắng được Thái Lan ở giải đấu đỉnh cao của khu vực là AFF Cup. 

Ở AFF Cup 2018, khi ĐT Việt Nam đoạt chức vô địch, Malaysia đã hạ Thái Lan ở bán kết để rồi thua Việt Nam ở chung kết. Với nhiều người hâm mộ, ở những giải đấu khu vực, việc đánh bại Thái Lan trong 1 trận đấu có ý nghĩa quan trọng không kém chức vô địch.

Vì sao bóng đá Việt Nam rất khó vượt qua Thái Lan? - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam luôn gặp khó khăn trước Thái Lan ở các giải đấu chính thức. Ảnh: Vietnamplus

Thực tế, từ trước đến giờ, có những trận, các cầu thủ Việt Nam ở các cấp đội đội tuyển đã chơi hay hơn các cầu thủ Thái Lan, đã có chiến thắng trước kỳ phùng địch thủ này. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi đó đã rất vui mừng, cảm giác rằng không việc gì phải sợ Thái Lan nữa, còn có cả những ý kiến đầy lạc quan rằng ngôi vị số 1 Đông nam Á đã thuộc về Việt Nam... 

Nhưng ngay sau đó, bằng kết quả thi đấu, bằng những diễn biến trên sân khi đối đầu, chúng ta lại nhận ra rằng, gặp Thái Lan vẫn rất khó để vượt qua, kể cả khi có hay không có HLV "quốc dân" Park Hang-seo. Nói thẳng ra, tới thời điểm này, bóng đá Thái Lan vẫn hơn bóng đá Việt Nam.

Yếu tố nào tạo ra sự chênh lệch đó?

Chúng ta vẫn biết, không phải U19 hay U23 mà ĐTQG mới là đại diện cho bóng đá quốc gia. ĐTQG được hình thành từ việc tập hợp các các cầu thủ xuất sắc nhất trong các giải đấu quốc nội cũng như các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Và số lượng các cầu thủ thuộc diện tuyển chọn ảnh hưởng tới chất lượng tuyển chọn. Nôm na là càng có nhiều các cầu thủ thi đấu ở các giải hàng đầu quốc gia thì càng có nhiều cầu thủ xuất sắc để tuyển chọn. 

Tương tự, càng nhiều cầu thủ được đi thi đấu ở nước ngoài thì càng có nhiều lựa chọn cho ĐTQG hơn. Về chất lượng chuyên môn của các cầu thủ tuyển chọn cho ĐTQG thì tuân theo quy luật, càng được thi đấu nhiều, chất lượng trình độ càng được nâng cao. Chúng ta sẽ cùng nhau so sánh các yếu tố này ở 2 nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan, thông qua 2 hạng đấu hàng đầu Quốc gia của Việt Nam là V.League, Hạng nhất quốc gia và tương đương là  Thai-League 1, Thai-League 2 của Thái Lan.

Về cơ bản, đây là các yếu tố quan trọng để đánh giá mặt bằng của 1 nền bóng đá:

Số lượng

Đầu tiên là số cầu thủ tham gia ở 2 hạng cao nhất quốc gia này. Số cầu thủ sẽ tương ứng với số đội bóng tham gia 2 giải đấu hàng đầu quốc gia:

Theo thống kê, giải V.League + Hạng nhất quốc gia của Việt Nam có 24 đội tham gia. Phía Thái Lan là Thai-League 1 và Thai-League 2 có 34 đội tham gia.

Ở giải U23 Châu Á năm 2022, Thái Lan gọi tới 9 trong số rất nhiều cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài về phục vụ đội tuyển. Với Việt Nam, tổng số cầu thủ thi đấu ở nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy, về tổng lượng đối tượng tuyển chọn, Thái Lan nhiều gấp rưỡi so với Việt Nam.

Chất lượng chuyên môn

Như đã nói ở trên, quy luật là càng được thi đấu nhiều thì chất lượng chuyên môn của cầu thủ càng được nâng cao. Chúng ta sẽ so sánh số trận đấu tối thiểu mà 1 đội bóng ở 2 nền bóng đá này trong 1 năm có thể tham gia là bao nhiêu? Qua đó, suy ra tỷ lệ số trận đấu tối thiểu mà mỗi cầu thủ có thể đá trong 1 năm ở các giải quốc nội.

Theo thống kê, kể cả tham gia Giải Cúp Quốc gia, 1 đội bóng ở V. League và Hạng nhất quốc gia, mỗi năm ít nhất sẽ được đá 19 trận chính thức. Tất nhiên là số ít đội lọt sâu vào Cúp Quốc gia sẽ được thi đấu nhiều hơn vài trận.

Trong khi đó, ở Thái Lan, theo thống kê, với số lượng nhiều đội bóng hơn, 34 đội. Số giải đấu cũng nhiều hơn, không kể Thai-League 1, Thai-League 2, bóng đá Thái Lan có League Cup và FA Cup Thái Lan. Số trận tối thiểu của 1 đội bóng thuộc Thai-League 1 được đá trong 1 năm là 32 trận, và thuộc Thai-League 2 là 36 trận. Như vậy, số trận đấu của cầu thủ Thái Lan nhiều hơn rất nhiều so với 1 cầu thủ Việt Nam.

Vì sao bóng đá Việt Nam rất khó vượt qua Thái Lan? - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam vẫn không dễ dàng vượt qua Thái Lan ở các giải đấu quan trọng. Ảnh: Nhân Dân

Rất dễ dàng để thấy rằng, HLV trưởng ĐT Thái Lan có nhiều sự lựa chọn cầu thủ hơn nhiều so với HLV trưởng ĐT Việt Nam. Ta cũng thấy rằng, vì các cầu thủ Thái Lan có nhiều cơ hội để trau dồi trình độ chuyên môn hơn các cầu thủ Việt Nam khi họ được thi đấu nhiều hơn từ 1,5 đến gần 2 lần, dẫn đến số lượng cầu thủ giỏi của họ cũng nhiều hơn số lượng cầu thủ giỏi của bóng đá Việt Nam, mà việc họ có nhiều cầu thủ được đi thi đấu và thi đấu thành công ở nước ngoài hơn Việt Nam là 1 minh chứng cụ thể.

Nói cách khác, mặt bằng nền bóng đá Thái Lan cao hơn mặt bằng nền bóng đá Việt Nam, và một vài trận thắng của các cấp độ đội tuyển Việt Nam không làm thay đổi mặt bằng này.

Đó là lý do còn rất lâu nữa bóng đá Việt Nam mới vượt qua được Thái Lan để trở thành số 1 Đông nam Á!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem