Vì sao các "anh trai" không thể bứt phá khi hoạt động độc lập sau gameshow?

Minh Long Thứ ba, ngày 31/12/2024 15:25 PM (GMT+7)
Nắm bắt "cơn sốt" từ chương trình truyền hình thực tế, các "anh trai" ra mắt một loạt sản phẩm âm nhạc ngay sau đó. Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng giành thắng lợi.
Bình luận 0

Sự thành công của hai chương trình truyền hình thực tế "Anh trai..." cùng theo mô hình biểu diễn nhóm nhạc đã tạo nên "cơn sốt" lớn đối với thị trường giải trí Việt trong năm 2024, quy tụ hàng trăm ngàn người hâm mộ tham dự.

Không chỉ mang lại doanh thu khổng lồ, nhiều hội nhóm người hâm mộ cũng ra đời hoặc được củng cố, mở rộng, tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong văn hóa thần tượng. Ngay khi show chưa kết thúc, hàng loạt nghệ sĩ đã tận dụng sức nóng để ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, phát hành theo nhiều định dạng khác nhau. Có thể kể tới Quân A.P, Nicky, Phạm Anh Duy, Binz, Cường Seven, Jun Phạm, Quốc Thiên, Neko Lê, (S)TRONG Trọng Hiếu, Tăng Phúc...

Vì sao các "anh trai" không thể bứt phá khi hoạt động độc lập sau gameshow?- Ảnh 1.

Ca sĩ (S)TRONG Trọng Hiếu trong sản phẩm mới "Rise Up Underdog". (Ảnh: NSX)

Bên cạnh một số gương mặt để lại dấu ấn, cũng là những nghệ sĩ vốn được yêu thích, thu hút bậc nhất trong thời điểm hai chương trình truyền hình thực tế diễn ra (Binz, HIEUTHUHAI, Dương Domic, Anh Tú Atus), nhiều "anh trai" không còn tạo được hiệu ứng mạnh mẽ khi đứng riêng lẻ, sản phẩm âm nhạc của họ có số lượt người xem không quá nổi bật, hoặc nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Cường Seven - Thủ lĩnh toàn năng của Anh trai vượt ngàn chông gai ra MV Lướt trên con xe vào ngày 19/11 hiện đạt hơn 380.000 lượt xem. Sản phẩm được đánh giá là chỉn chu, tuy vậy không mang nhiều đột phá.

Trong khi đó, MV Rise Up Underdog của (S)TRONG Trọng Hiếu đạt hơn 800.000 lượt xem sau gần 5 tháng, dù anh gắn tên của chương trình ngay tại tiêu đề. Ca khúc Sơn thủy khúc của Jun Phạm có hơn 490.000 lượt xem sau 11 ngày phát hành, trong khi đó MV Sau lưng bố anh ra mắt hai tháng trước đó mang về con số khả quan hơn - trên 1 triệu lượt xem. Đăng Khôi trình làng album mới mang tên Ông cố nội visual - lấy từ chính biệt danh khán giả đặt cho anh trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Tuy có cách xử lý mới với các bản "hit" cũ nhưng sản phẩm của nam ca sĩ không mang lại nhiều bất ngờ. 

Ở khía cạnh khác, Đỗ Phú Quí gây xôn xao với MV Pickleball, tuy vậy phần nhiều bởi các tranh cãi liên quan tới chất lượng. 

Vì sao các "anh trai" không thể bứt phá khi hoạt động độc lập sau gameshow?- Ảnh 2.

Cường Seven có bước tiến mới trong sự nghiệp tuy nhiên chưa đủ sự đột phá. (Ảnh: FBNV)

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Hà Linh, Giảng viên Học viện Ngoại giao, Thạc sĩ ngành Quản trị văn hóa và nghệ thuật trường Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) cho rằng đây là điều không bất ngờ bởi thực tế cho thấy, để tạo được hiệu ứng khi solo, người nghệ sĩ cần rất nhiều yếu tố.

"Thứ nhất, đó là tài năng cá nhân, không phải ai cũng đủ khả năng tỏa sáng độc lập. Một nghệ sĩ solo thường cần phải có đầy đủ tất cả các kỹ năng một cách hoàn thiện. Do đó, yêu cầu về mặt kỹ năng đối với một nghệ sĩ solo là cao hơn. Ngược lại đối với một màn trình diễn nhóm, các thành viên thường sẽ bổ sung các kỹ năng cho nhau. Chúng ta thường thấy đối với một nhóm nhạc K-pop, mỗi thành viên sẽ đảm nhận một vị trí khác nhau trong nhóm, cùng cộng hưởng để trở thành một thực thể hoàn thiện, tương trợ lẫn nhau. Điều này tương tự với những chương trình "Anh trai..." diễn ra trước đó".

Bà Hà Linh cũng nhận định vai trò của công ty quản lý trong việc xây dụng chiến lược quảng bá là hết sức quan trọng. Các công ty quản lý cần có kế hoạch bài bản để duy trì sự nghiệp của các nghệ sĩ trong các hoạt động/ các sản phẩm nghệ thuật, đồng thời đề ra các phương án hiệu quả để duy trì sự quan tâm của người hâm mộ, thay vì tận dụng sức hút nhất thời.

Tâm lý của người hâm mộ cũng tạo ra ảnh hưởng nhất định. "Rất nhiều người hâm mộ có xu hướng thích nhóm hơn cá nhân, đặc biệt nếu nghệ sĩ không có chất riêng nổi bật. Như đã đề cập ở trên, ưu thế của nhóm nhạc là các thành viên trong nhóm có thể bù đắp và tương trợ lẫn nhau, các fan cũng cảm thấy thích thú khi nhìn thấy sự tương tác giữa các thành viên, điều mà ở một nghệ sĩ solo không có.

Tại Việt Nam, các "anh trai" có thể duy trì hiệu ứng từ concert khi solo nếu họ biết tận dụng sức hút đã tạo dựng, kết hợp với sự đổi mới để giữ chân khán giả. Nhưng nếu chỉ dựa vào danh tiếng nhóm mà không đầu tư đủ, hiệu ứng này có nguy cơ sụp đổ nhanh chóng" - bà Linh nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng cần có sự đầu tư dài hạn vào việc xây dựng hình ảnh và phong cách âm nhạc của nghệ sĩ, từ đó mang lại sự khác biệt và giữ chân khán giả trong thời gian dài. Việc chỉ dựa vào các gameshow có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng, nhưng không đảm bảo tính ổn định và bền vững. 

Ông Hồng Quang Minh cho rằng: "Các công ty giải trí tại Việt Nam cần học hỏi mô hình lăng-xê nghệ sĩ một cách bài bản hơn, đầu tư vào nghệ sĩ không chỉ qua các chương trình truyền hình mà còn qua các chiến lược phát triển dài hạn, từ sản xuất album, tổ chức tour diễn cho đến các hoạt động tương tác với người hâm mộ". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem