Trợ giá vẫn quá cao
Khác hẳn với những ngày đầu thực hiện chiến dịch đổi mũ bảo hiểm (MBH), người dân đổ xô đến các điểm treo băng rôn thông báo mua mũ tốt, khiến các doanh nghiệp cháy hàng, thì hiện nay tại các cửa hàng của các doanh nghiệp tham gia chương trình đổi mũ lại vô cùng vắng khách. Tại điểm đổi mũ trước cổng Trường Đại học Sư phạm (Hà Nội), chị Hiền - nhân viên của Công ty Á Long cho biết, so với những ngày đầu, những người đến đổi mũ đã giảm, nhiều người chỉ hỏi, biết giá lại bỏ đi.
Công ty Cổ phần Á Long (trợ giá 30.000 - 70.000đ) và Công ty TNHH sản xuất, thương mại Nhựa Chí Thành (hỗ trợ 20.000 - 100.000đ) là hai cơ sở đầu tiên cam kết tham gia chương trình đổi MBH có trợ giá. Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội phối hợp, hỗ trợ lựa chọn địa điểm và bảo đảm an ninh trật tự. Hiện nay, đã có gần 90 điểm đổi MBH trợ giá trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đợt đầu tiên (từ 23-25/5) đã có gần 40.000 MBH được đổi. Cho đến thời điểm này, theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, đã có gần 100 ngàn chiếc MBH được đổi.
Tuy nhiên, chị Thu Trang (Thành Công, Hà Nội) cho biết: "Tham khảo tại các điểm được thông báo có trợ giá, tôi thấy giá thành không thấp hơn nhiều so với các loại mũ khác. Mũ nửa đầu vẫn trong khoảng 160.000 - 220.000đ. Nếu nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp cam kết trợ giá nhiều năm, tôi nghĩ giá sẽ giảm được nhiều hơn để người dân có thể mua được MBH tốt với giá rẻ".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Á Long và Chí Thành, một số hãng mũ có thương hiệu nhưng do giá thành mũ cao, khi tham gia chương trình, số lượng mũ đổi không được nhiều. Như một số sản phẩm mũ của Công ty TNHH Amoro có giảm giá từ 30 - 50 ngàn đồng, song giá thành vẫn từ 230 - 400 ngàn đồng.
Đại diện thương hiệu mũ HJC (Hàn Quốc) cho biết: "Các sản phẩm của hãng chủ yếu phục vụ xuất khẩu, lượng mũ bán nội địa chỉ khoảng 21 ngàn mũ/tháng, do giá thành mũ cao, kiểu dáng kén khách nên chúng tôi không tham gia chương trình đổi mũ này".
Không phạt, lại tiếp tục đội mũ rởm
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thuận Thành - Trưởng phòng Kinh doanh khu vực phía Bắc Công ty Nhựa Chí Thành cho biết: "Chúng tôi có 40 điểm đổi MBH đạt chuẩn ở Hà Nội. Thời gian đầu, lượng người đến đổi MBH rất đông, chúng tôi đã tăng năng lực sản xuất lên gấp 3 lần để đáp ứng nhu cầu". Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng người đến đổi mũ rất ít.
Lý giải nguyên nhân này, ông Thành cho biết, do hiện nay người đội MBH kém chất lượng không bị xử phạt nên người dân không mặn mà đổi mũ. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ nhiều doanh nghiệp sản xuất mũ khác, thậm chí là từ đại diện cơ quan quản lý thị trường. Phát biểu tại tọa đàm xung quanh việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường bày tỏ quan điểm cá nhân: "Cảnh sát giao thông không phạt, xử lý mũ giả, mũ nhái sẽ không thành công".
Trả lời câu hỏi về thông tin một số điểm đổi MBH tăng giá niêm yết sau đó thông báo giảm 20% để đánh lừa khách hàng, ông Thành cho biết: "Giá MBH của doanh nghiệp chúng tôi được niêm yết từ năm 2012, trước thời điểm có chủ trương đổi mũ và vẫn được giữ nguyên, không thể có chuyện đội giá lên rồi... giả vờ giảm".
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất MBH đã đăng ký tham gia chương trình đổi MBH của Ủy ban ATGT Quốc gia như: Đức Huy, Hitec... Nhiều địa phương cũng đang triển khai chương trình này như: Hoà Bình, Ninh Bình, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh....
Ăn theo "trợ giá"Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay đã xuất hiện nhiều điểm mạo danh bán MBH trợ giá. Tuy không trưng biển "trợ giá" nhưng những cửa hàng này lại treo biển "hỗ trợ khách hàng" hay "giảm giá bán...". Tại cửa hàng MBH số 28 Xã Đàn, khi hỏi mua một chiếc mũ theo diện giảm giá, chủ cửa hàng cho biết, dù treo biển "hỗ trợ khách hàng đội mũ thời trang 20 ngàn đồng" nhưng chỉ áp dụng một hai ngày đầu. Tuy nhiên, đến nay, tấm biển "hỗ trợ khách hàng..." này vẫn được treo công khai trước cửa quán. Một cửa hàng MBH khác trên đường Nguyễn Lương Bằng cũng treo pano Hỗ trợ khách hàng từ 30 ngàn đến 70 ngàn đồng/ mũ. Tuy nhiên hầu hết các loại mũ ở đây đều có giá bán không khác gì các cửa hàng không hỗ trợ khác. Khi PV thắc mắc, chủ cửa hàng cho biết, mức giá ghi trên mũ đã bao gồm phần "hỗ trợ"...
Mũ dán tem cũng có vấn đề
Phát biểu tại tọa đàm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm do Bộ Công thương vừa tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Cris Tunon đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, qua khảo sát tại Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nam cho thấy chỉ 46% MBH có tem CR đạt tiêu chuẩn hấp thụ xung động. Cụ thể, chỉ có mũ che cả đầu là các mẫu thử nghiệm đạt 100% yêu cầu, mũ nửa đầu chỉ có 60% đạt yêu cầu, mũ nhiệt đới còn thấp hơn nữa (38,3%). Riêng mũ lưỡi trai qua thử nghiệm không có mũ nào đạt yêu cầu hấp thụ xung động.
Từ kết quả khảo sát này, Tiến sỹ Cris Tunon khuyến cáo mũ càng đắt thì càng nhiều khả năng đạt yêu cầu hấp thụ xung động (một yêu cầu bắt buộc được quy định trong Tiêu chuẩn VN). Vị đại diện của WHO nhận định, chất lượng MBH hiện nay có vấn đề và đề xuất Chính phủ VN đưa kinh doanh MBH thành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Theo Giao thông Vận tải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.