Vì sao Campuchia phản đối ASEAN ủng hộ vụ kiện Biển Đông?

Duy Anh (tổng hợp) Thứ ba, ngày 28/06/2016 18:30 PM (GMT+7)
Ngày 28.6, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tuyên bố Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền sẽ không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) về vấn đề Biển Đông.
Bình luận 0

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CPP, ông Hun Sen nói: "CPP những không tán thành mà còn phản đối bất cứ tuyên bố nào của ASEAN nhằm ủng hộ phán quyết của PCA liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông. 

Ông còn nói thêm "CPP thấy trước được điều này, và coi đó là sự thông đồng chính trị tồi tệ nhất trong chính trường quốc tế, sẽ dẫn tới tình trạng chia rẽ giữa chính các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc". 

Thủ tướng Campuchia cho rằng một số nước bên ngoài "giật dây và gây sức ép lên các thành viên ASEAN" kể cả trước khi tòa án ra phán quyết, cho rằng điều đó "sẽ dẫn đến việc chia rẽ giữa bản thân các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc".

Năm 2013, Philippines gửi đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan về yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. PCA dự kiến đưa ra phán quyết về vụ kiện vào đầu tháng 7, bất chấp việc Trung Quốc khăng khăng không theo kiện và đòi bác bỏ quyết định của tòa.

img

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Dự kiến, có thể vào đầu tháng 7.2016, PCA sẽ ra các phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Giới chuyên gia nhận định, PCA có thể ra phán quyết về bốn loại vấn đề: Quy chế và quyền, chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, của các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng; Bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn - Mischief Reef; Việc ngăn cản trái phép các hoạt động của ngư dân, máy bay và tàu quân sự của Philippines; Quy chế pháp lý của bản đồ chín đoạn của Trung Quốc.

Nếu ra phán quyết về quy chế các thực thể tại Biển Đông, Tòa Án Trọng Tài sẽ tuyên bố là những thực thể nào thuộc loại nửa chìm nửa nổi, là đá, là đảo. Đây sẽ là phán quyết quan trọng nhất trong vụ kiện này. Những thực thể nửa chìm nửa nổi thì không có bất kỳ vùng lãnh hải hay không phận nào cả. Đá và đảo có lãnh hải 12 hải lý và đảo thì có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Việc xác định này sẽ giúp làm rõ các lãnh hải của từng thực thể và có thể là một bước hướng tới việc giải quyết các đòi hỏi lãnh thổ chồng lấn.

Nếu PCA ra phán quyết là Trung Quốc đã vi phạm các trách nhiệm của họ chiểu theo UNCLOS liên quan đến việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển xung quanh Scarborough và Mischief Reef thì điều này có thể buộc Trung Quốc phải lùi bước và tạo ra một lý do có tiếng vang lớn cho các nước khác chỉ trích bất kỳ hành động xây dựng nào của Trung Quốc.

Dù ở kịch bản nào, Trung Quốc cũng rất lo lắng vụ kiện sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mình. 

Trước thềm phán quyết của PCA, Trung Quốc đã phát động chiến dịch lôi kéo sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bắc Kinh nói rằng có 47 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của họ, trong đó chủ yếu là các nước ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia có tên trong danh sách đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố này của Trung Quốc. Thậm chí, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chỉ có 8 nước công khai tuyên bố ủng hộ, trong đó có những nước không hề có biển như Niger hay Afghanistan.

Trung Quốc là một trong những đối tác lớn nhất của Campuchia trong quan hệ hợp tác kinh tế và quốc phòng. Ngoài các dự án đầu tư nhiều triệu USD, Bắc Kinh gần đây còn tăng cường viện trợ quân sự cho Phnom Penh với các thỏa thuận mua sắm vũ khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo huấn luyện có giá trị lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem