Kịch bản Trung Quốc đáp trả khi có phán quyết vụ kiện Biển Đông

Thanh Minh (tổng hợp) Thứ ba, ngày 21/06/2016 13:00 PM (GMT+7)
Nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ vụ kiện của Philippines về tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh có thể đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông (ADIZ), hoặc tạo ra một cuộc chiến ngoại giao, là những kịch bản mà giới chuyên gia nhận định.
Bình luận 0

Ngày 20.6, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã tổ chức cuộc thảo luận về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, với sự tham gia của giới chuyên gia hàng đầu CSIS cùng nhiều chuyên gia-học giả của Mỹ và các nước.

Các diễn giả chính của cuộc hội thảo gồm có ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Hàng hải châu Á thuộc CSIS; ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS; bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao Chương trình trình Đông Nam Á của CSIS và ông Andrew Shearer, Cố vấn cấp cao về An ninh Châu Á Thái Bình Dương thuộc CSIS.

Tại cuộc hội thảo, giới chuyên gia đưa ra các phân tích và dự báo về phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực đối với đơn kiện của Philippines nhằm vào tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, dự đoán những động thái tiếp theo của các bên sau khi phán quyết được đưa ra, trong đó tập trung thảo luận về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian tới.

img

Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên Biển Đông.

Cuộc thảo luận của CSIS diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tháng là đến thời điểm Toà án Trọng tài Thường trực ra phán quyết về vụ kiện về “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông do Philippines khởi xướng. Tòa Trọng tài tại La Haye, Hà Lan, dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày 7.7.

Các chuyên gia lo ngại Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ vụ kiện của Philippines, trong khi Mỹ phô trương sức mạnh nhằm trấn an đồng minh.

Về vụ kiện bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS cho rằng bất luận phán quyết như thế nào, Biển Đông sẽ “dậy sóng”.

Bà Amy Searight cho rằng: “Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, thay vì giúp hạ giảm. Trung Quốc đã nói rõ sẽ không chấp nhận và tuân thủ phán quyết này. Trung Quốc cũng đã khai mào cuộc chiến ngoại giao, thu hút sự ủng hộ của một số nước như Afghanistan, Gambia, Niger…”

Bà Searight nhận định rằng, Mỹ nhiều khả năng sẽ lên tiếng nhấn mạnh về tính cưỡng hành về mặt pháp lý của phán quyết đó đối với cả Philippines lẫn Trung Quốc, đồng thời Washington sẽ phối hợp với các bên cùng quan điểm như Nhật Bản, Liên minh châu Âu hay Ấn Độ để củng cố tuyên bố đó.

Nhưng nhà nghiên cứu này cho rằng điểm mấu chốt vẫn là ASEAN và đây là sẽ “phép thử đối với sức mạnh và sự đoàn kết” của khối này.

img

Những hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những người tổ chức hội thảo ở CSIS cũng tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của người tham dự về  khả năng Trung Quốc có thể thực hiện ở biển Đông trong vòng một năm tới: Xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm từ Philippines; triển khai chiến đấu cơ tới Trường Sa của Việt Nam; lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên Biển Đông. Hơn 53% số người tham dự nghiêng về khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng ADIZ ở Biển Đông.

Chuyên gia Gregory B. Poling, Giám đốc dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, nhận định : “Năm 2013, Trung Quốc đã áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Hoa Đông. Mọi tuyên bố chính thức của Trung Quốc từ đó tới nay đều nói rằng họ có quyền làm điều tương tự ở biển Đông. Tôi nghĩ điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra".

Ông Gregory B. Poling cho rằng: "Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể buộc các nước phải tuân thủ điều này không. Trung Quốc gần như hoàn tất đường băng họ xây dựng ở Trường Sa. Có sự khác biệt giữa việc một số máy bay có thể đáp xuống đó với chuyện thi hành tuyên bố ADIZ, nhất là với Mỹ, Nhật, và Ấn Độ”.

Ông Poling còn nói thêm rằng Trung Quốc sẽ có hành động cả trên đất liền lẫn trên biển nhằm chứng tỏ không tuân thủ phán quyết đồng thời nhằm trừng phạt Philippines vì đã đâm đơn kiện.

Ngoài ra, nếu thua kiện, Bắc Kinh thậm chí sẽ lôi kéo các nước để tạo ra một “cuộc chiến” ngoại giao. Bắc Kinh thời gian qua tăng cường mưu tìm hậu thuẫn của nhiều nước trong vụ kiện “đường lưỡi bò”, đặc biệt là các quốc gia xa xôi như Mozambique, Slovenia, Burundi, hoặc các quốc gia không có lợi ích rõ ràng trong vùng Biển Đông.

Bắc Kinh cũng đang dùng đến sức mạnh của báo chí khi tìm đủ cách để tuyên truyền, biện minh cho việc từ chối tham gia tố tụng và từ chối công nhận phán quyết của Toà.

Philippines thì ngược lại, đã thực hiện tương đối ít các cuộc công khai vận động cộng đồng thế giới ủng hộ họ, ngoài việc trình bày các lý lẽ và các bằng chứng pháp lý phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển .

Cả Trung Quốc và Philippines, sau khi có phán quyết của Toà Trọng tài, có thể sẽ phải gia hạn đàm phán để giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, uy tín là điều rất quan trọng. Làm thế nào để không bị "mất mặt", Bắc Kinh đã thực sự bị đau đầu vì điều này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem