PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh L.K).
Theo chương trình, sáng nay (25.12), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa XII sẽ khai mạc. Một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị lần này là Trung ương sẽ xem xét và biểu quyết danh sách quy hoạch nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là việc hết sức hệ trọng, nhân dịp này PV Dân Việt có trao đổi với PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, người có lâu năm nghiên cứu về hoạt động của Đảng.
Thưa ông ở góc độ nghiên cứu ông thấy việc chuẩn bị quy hoạch nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có điểm gì khác so với trước đây?
- Tôi cho rằng thứ nhất thể hiện tính chủ động trong chuẩn bị nhân sự, sự chủ động thể hiện qua phương châm chỉ đạo rất chặt chẽ. Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, trước đây thường là lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương làm.
Về cách thức chỉ đạo, kỳ này vẫn nhắc lại những vấn đề căn cốt trước đây đã từng nói để phòng ngừa biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch. Quy trình lựa chọn nhân sự cũng được hoàn chỉnh hơn, cụ thể là bỏ phiếu để giới thiệu nhân sự quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương được làm địa phương, làm từ các ngành. Việc thực hiện đã công khai, dân chủ và nghiêm túc, từ đó có danh sách quy hoạch trình ra Hội nghị Trung ương.
Đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương Đảng. Ảnh: TTXVN
Để đạt được mục tiêu như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đề ra, nghĩa là phải có được một danh sách quy hoạch cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đảm bảo chất lượng, theo ông vấn đề nào là quan trọng nhất?
- Theo tôi, thứ nhất tiêu chuẩn đặt ra để đưa cán bộ quy hoạch vào Trung ương phải rõ ràng, toàn diện cả về chính trị, đạo đức lối sống, trí tuệ, uy tín, năng lực thực tiễn. Tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí đặt ra phải được thực hiện nghiêm túc. Nếu làm nghiêm túc thì sẽ chọn được cán bộ quy hoạch từ dưới địa phương, từ các ngành giới thiệu lên chứ không phải áp từ trên xuống. Khi danh sách lên Trung ương rồi Trung ương xem xét lại tiêu chuẩn từng người xem có đảm bảo không rồi mới bỏ phiếu thông qua danh sách quy hoạch.
Khâu quan trọng nữa, đó là bỏ phiếu thông qua danh sách quy hoạch cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Khâu này phải làm hết sức nghiêm túc, trung thực khách quan, đặc biệt phải đề cao trách nhiệm của từng Ủy viên Trung ương khóa XII.
Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, có một bộ phận các đồng chí sẽ tiếp tục được quy hoạch để tham gia Trung ương khóa XIII, một bộ phận các đồng chí do tuổi tác, do các điều kiện khác sẽ không tham gia khóa XIII nữa. Mặc dù vậy các đồng chí này càng phải đề cao trách nhiệm, chứ không phải bỏ phiếu cho xong việc. Tại sao tôi nói đề cao trách nhiệm, bởi khi có trách nhiệm thì sẽ có cách để hoàn thành trách nhiệm đó.
Khi tiến hành giới thiệu nhân sự phải gắn với hàng loạt vấn đề khác trong xây dựng Đảng, ví dụ như phải ngăn chặn biểu hiện chạy chức, quyền, chạy quy hoạch; Phải gắn với việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương vừa qua, ví dụ như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp bộ máy để từ đó mới có cái nhìn tổng thể, bộ máy như vậy, con người cần phải như thế nào; Phải gắn với Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm; Công tác giới thiệu nhân sự cũng phải gắn với quy định về nêu gương.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh ý mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay đề cập, đó là từ nay đến Đại hội Đảng còn hơn 2 năm nữa, đưa cán bộ vào danh sách quy hoạch là một việc, nhưng khi phát hiện ra người nào có những dấu hiệu không đủ tiêu chuẩn thì phải đưa ra khỏi quy hoạch, chứ không phải được đưa vào quy hoạch là xong.
Ở nhiệm kỳ khóa XII, dù Đảng ta đã lựa chọn kỹ lưỡng nhưng vẫn có không ít cán bộ mắc vi phạm khuyết điểm từ trước vẫn lọt được vào Trung ương, như trường hợp ông Đinh La Thăng, Tất Thành Cang… Đây cũng là bài học cho công tác quy hoạch cán bộ thưa ông?
- Ở nhiệm kỳ khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo rằng, kỳ này (tức là khóa XII) không để lọt vào Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thoái hóa, biến chất, lợi ích nhóm. Tuy nhiên trên thực tế vẫn lọt và từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Đảng ta đã xử lý nhiều trường hợp cán bộ cấp cao khi phát hiện họ vi phạm, trong đó có trường hợp từng là Ủy viên Bộ Chính trị (ông Đinh La Thăng) và một số Ủy viên Trung ương.
Phải tổng kết vấn đề này xem vì sao lại bị lọt. Việc lọt này có trường hợp họ mắc sai phạm, khuyết điểm từ nhiều năm trước nhưng không được phát hiện kịp thời, nhưng cũng có trường hợp lúc đưa vào quy hoạch thì tốt và đủ tiêu chuẩn, nhưng khi được giữ chức vụ cao bắt đầu có biểu hiện suy thoái dẫn tới vi phạm, khuyết điểm.
Công tác nhân sự nghĩa là đánh giá và lựa chọn con người, đây là việc rất khó, đòi hỏi sự làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tiểu ban nhân sự của Đại hội, Ban Tổ chức Trung ương rất công phu. Sau Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, danh sách quy hoạch cán bộ vào Trung ương được thông qua nhưng theo tôi ở những Hội nghị Trung ương sau vấn đề này vẫn cần được đặt ra, có như vậy vấn đề mới được xem xét thường xuyên, liên tục, để từ đó tạo cơ sở sàng lọc được những cán bộ theo đúng yêu cầu.
Xin cảm ơn ông (!)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.