Vì sao công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu hấp dẫn với đội ngũ cán bộ, công chức?

PVCT Thứ bảy, ngày 27/08/2022 09:12 AM (GMT+7)
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc khó khăn, thiếu hấp dẫn với đội ngũ cán bộ, công chức. Không những thế, còn có tính chất phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức để theo dõi, đôn đốc, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra để giải quyết.
Bình luận 0

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 (số liệu tính từ 1/8/2021 đến 31/7/2022).

Các Chủ tịch tỉnh thực hiện nghiêm việc tiếp công dân hàng tháng

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm TP, trụ sở các cơ quan Nhà nước Trung ương, địa phương không nhiều và không phát sinh "điểm nóng" khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt, việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có "chuyển biến tích cực", đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Vì sao công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu hấp dẫn với đội ngũ cán bộ, công chức? - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022. Ảnh T.P

Vẫn theo báo cáo: "Tỷ lệ người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân tăng so với năm 2021, trong đó hầu hết Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hằng tháng; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới".

Số liệu cho thấy, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 82.071 lượt người với 87.572 vụ việc (có 1.011 đoàn đông người). Trong đó, thủ trưởng trực tiếp tiếp 65.055 lượt (chiếm 78,3% tổng số lượt tiếp), ủy quyền tiếp 17.016 lượt.

Riêng chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp 506 ngày (77%), ủy quyền tiếp 151 ngày (23%) trong tổng số 657 ngày tiếp với 3.674 lượt công dân được tiếp. Một số trường hợp không đủ ngày tiếp do thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID -19, không có vụ việc mới phát sinh…

Các cơ quan hành chính Nhà nước cũng đã giải quyết được gần 20.000 trong tổng số hơn 23.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9% (tăng 8,6% so với năm trước).

Từ đó, đã kiến nghị thu hồi về cho nhà nước 25,2 tỷ đồng; 1,9ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 319 tỷ đồng; 8ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 61 tổ chức, 702 cá nhân.

Vì sao công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu hấp dẫn với đội ngũ cán bộ, công chức? - Ảnh 2.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an tại một tiếp công dân định kỳ tháng 5/2022. Ảnh Bộ Công an.

Đáng chú ý, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý 466 người (trong đó, có 408 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng (có 13 cán bộ, công chức).

Về các vụ khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Chính phủ cho biết, đang trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, phối hợp rà soát, thống nhất phương án để các địa phương giải quyết dứt điểm. Đồng thời, đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp phù hợp với từng vụ việc cụ thể có nguyên nhân vướng mắc do chính sách, pháp luật.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc khó khăn, thiếu hấp dẫn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế. Như một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, nhất là ở cấp huyện, xã; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao.

Việc giải quyết một số vụ việc còn chậm và sai sót, nhất là giải quyết lần đầu. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền của một số địa phương đạt chậm.

Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các kết luận, quyết định xử lý về tố cáo ở một số địa phương còn chậm, thiếu kiên quyết.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên, theo nhận định của Chính phủ, có cả khách quan và chủ quan.

Theo báo cáo, công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc khó khăn, thiếu hấp dẫn với đội ngũ cán bộ, công chức. Không những thế, còn có tính chất phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức để theo dõi, đôn đốc, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra để giải quyết.

Chính yếu tố này cũng đã tác động vào tâm lý so bì của cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ khác, đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt cả về cơ chế, chính sách và điều kiện làm việc thuận lợi.

Trong khi, một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát, sáng tạo để có biện pháp hữu hiệu thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hệ thống chính sách, pháp luật chuyên ngành, nhất là pháp luật về đất đai, môi trường, đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện, có nhiều thay đổi qua các giai đoạn, nhưng có nội dung thiếu quy định chuyển tiếp hoặc chưa rõ ràng nên còn những bất cập.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem