Trái ngược với những năm đầu trị vì sáng chói khi cùng Lưu Bị và Tào Tháo tạo nên thế chân vạc Tam Quốc, những năm cuối đời Tôn Quyền lại gắn liền với hình ảnh một "hôn quân", để lại nhiều nuối tiếc cho hậu thế. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến bi kịch này?
Tân Khí Tật, quan thời Nam Tống, nhà làm Từ nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc từng viết: "Niên thiếu vạn đâu mâu, tọa đoạn đông nam chiến vị hưu. Thiên hạ anh hùng thùy địch thủ? Tào Lưu. Sinh tử đang như Tôn trọng Mưu". Ý muốn nói Tôn Quyền từ khi còn trẻ đã thống trị vùng Giang Đông, thống lĩnh hàng vạn tướng sĩ xông pha khắp thiên hạ, trước giờ chưa từng cúi đầu nhận thua trước ai.
Khi đó, cả thiện hạ ai có thể làm địch thủ của Tôn Quyền? Chỉ có hai người là Tào Tháo và Lưu Bị. Sinh được người con trai giống như Tôn Quyền thì còn gì bằng. Đây là những hồi tưởng và cảm thán của Tân Khí Tật về thời kì Tam Quốc, con trai của Lưu Bị là Lưu Thiện; con trai của Tào Tháo là Tào Phi có thể sánh được với Tôn Quyền không? Hiển nhiên là không.
Vào cuối triều đại Đông Hán, Tôn thị nổi tiếng vùng Giang Đông, "nhất môn tam kiệt", một gia đình có tới 3 anh hào, mãnh hổ Giang Đông Tôn Kiên, tiểu bá vương Tôn Sách và bích nhãn nhi Tôn Quyền. Ở đất Giang Đông, gia tộc họ Tôn không đến trăm thì cũng phải có mấy chục, nhưng để gia tộc Tôn Quyền có thể trở thành gia tộc lẫy lừng nhất đất Giang Đông thì công lao của 2 thế hệ nhà Tôn là vô cùng to lớn.
Tôn Kiên giết Hoa Hùng, đánh Đổng Trác, vang danh thiên hạ nhưng vì ham ngọc tỷ nên mất sớm. Tôn Sách thống nhất sáu quận Giang Đông, có cho mình được một vùng lãnh thổ nhất định nhưng trong một lần đi săn bị thích khách ám sát nên cũng qua đời. Tôn Quyền tiếp nhận cơ nghiệp của cha và huynh trưởng, cuối cùng lập quốc xưng đế, lưu danh sử sách, người đời nhớ tên.
Tôn Quyền khi vừa mới nắm quyền đã là chư hầu một phương, xuất phát điểm cao như vây, nên một thiếu niên trẻ tuổi nếu có mắc phải sai lầm gì thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng, Tôn Quyền lại không có, ngược lại còn trở thành vị hậu bối duy nhất có thể cân bằng thế chân vạc với hai tiền bối lão làng là Tào Tháo và Lưu Bị.
Tôn Quyền vừa sinh ra đã có tướng đế vương, quần thần đều xưng là "Chí tôn". Theo các ghi chép lịch sử, Tôn Quyền có tướng mạo phi phàm, có biệt danh là "Bích nhãn nhi" hoặc "Bích nhãn tử nhiêm", hiểu đơn giản là mắt xanh râu tím, tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa đó là: bích nhãn là mắt xanh (bởi Quan Vũ từng mắng Tô Quyền là tên nhóc mắt xanh), còn tử nhiêm ý chỉ một võ quan uy phong lẫm liệt.
Vào năm 208 sau Công nguyên, Tôn Quyền liên minh với Lưu Bị đánh lại quân Tào trong trận Xích Bích, đặt nền móng cho thời kì Tam Quốc lẫy lừng. Năm 219 sau Công nguyên, Tôn Quyền lên kế hoạch cho Lã Mông tấn công Kinh Châu, giết Quan Vũ. Năm 222 sau Công nguyên, Tôn Quyền lệnh cho Lục Tốn đánh bại Lưu Bị trong trận Di Lăng. Cứ như vậy, thế hệ hậu bối Tôn Quyền đã hai lần đánh bại thế hệ tiền bối Lưu Bị và một lần đánh bại "chú" Tào Tháo.
Tôn Quyền trong thời gian tại vị, tích cực cải tạo nông nghiệp và phát triển kinh tế, dốc sức xây dựng đất nước, bách tính an cư lạc nghiệp.
Khi Tào Tháo và Lưu Bị qua đời, bộ ba Tam Quốc chỉ còn lại một mình Tôn Quyền. Nhưng đến cuối đời, Tôn Quyền dường như biến thành một người khác, tính tình thay đổi bất ngờ, trở thành một hôn quân. Cuối năm 241, thái tử Tôn Đăng chết ở tuổi 33. Ngôi vị thái tử bị bỏ trống khiến những tranh cãi trong triều nổi lên và việc này dần khiến Tôn Quyền chán nản và suy kiệt.
Trong những năm cuối đời, Tôn Quyền bỗng trở nên vô cùng khắc nghiệt với thần tử, dấy lên phong ba khắp triều đình. Con trai thứ ba Tôn Hòa vốn dĩ được lập làm thái tử nhưng Tôn Quyền lại yêu mến người con thứ tư là Tôn Bá, tất cả Ngô thần đều có người mình ủng hộ riêng. Cuối cùng kết quả lại là: Tôn Hòa bị phế truất, Tôn Bá tự tử, thừa tướng Chu Cứ vì có liên quan mà mang họa sát thân, chức vị thái tử cuối cùng lại bị đẩy cho người con út non trẻ Tôn Lượng.
Tôn Quyền đã trải qua những gì mà trở nên như vậy? Có rất nhiều dữ liệu lịch sử để cho thấy rằng Tôn Quyền không hề thay đổi, ông luôn là một người như vậy, cũng như khi còn trẻ. Tôn Quyền luôn là một chủ công hẹp hòi, hay dùng quyền mưu. Chỉ cần lấy một câu trong "Tam quốc chí – Ngô sách" ra là đã có thể phản ánh rõ ràng điều này. Vai trò của Lỗ Túc đối với Đông Ngô và Tôn Quyền quan trọng ra sao chắc không cần nói nhiều nữa, còn Tôn Quyền đánh giá Lỗ Túc như sau: "Tử Kính nội bất năng biện, ngoại vi đại ngôn nhĩ, độc diệc nộ chi, bất cẩu trách dã", đại ý muốn nói con người Lỗ Túc việc trong làm không tốt, việc ngoài thì hay thổi phồng lên, ta cũng tha thứ cho hắn, không yêu cầu nghiêm khắc nữa.
Việc Tôn Quyền lập Tôn Hòa và sủng Tôn Bá rất có khả năng chỉ là kế tạm thời, là một nước cờ để lập con út Tôn Lượng lên làm thái tử, rất nhiều lão thần có công với đất nước cũng đều vì vậy mà bị Tôn Quyền ép chết.
Tôn Quyền ở độ tuổi xế chiều có thể trở nên tệ hơn nhưng những công lao và thành tựu của ông lại là điều không bao giờ có thể phủ nhận được, chỉ có điều, anh hùng khi bước vào tuổi heo may không tránh được có lúc hồ đồ, không nhìn được xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.