Một doanh nghiệp thuộc tập đoàn phân bón lớn nhất nước lại lỗ hơn 137 tỷ đồng sau một quý báo cáo có lãi

Nguyễn Phương Thứ năm, ngày 25/07/2024 16:56 PM (GMT+7)
Vừa mới báo cáo lãi 38 tỷ đồng vào quý I, sang báo cáo tài chính quý II, Đạm Hà Bắc, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lại báo cáo lỗ tới 137 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên đến 2.210 tỷ đồng và hiện đang rất khó khăn.
Bình luận 0

Đạm Hà Bắc lỗ hơn trăm tỷ đồng, cách xa mục tiêu lợi nhuận

CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - UPCoM: DHB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với gần 958 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng đạt 1.017 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý II/2023.

Công ty kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp gần 59 tỷ đồng, so với lỗ 120 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Các chi phí khác khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 188 tỷ đồng.

Sau khi trừ hết chi phí, Đạm Hà Bắc báo lỗ sau thuế 137 tỷ đồng trong quý II, so với lỗ 350 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 6, công ty lỗ lũy kế gần 2.210 tỷ đồng.

Trước đó, quý I/2024, Đạm Hà Bắc báo lãi ròng 38 tỷ đồng nhờ vào khoản lợi nhuận khác gần 142 tỷ đồng, so với lỗ 129 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Khoản lợi nhuận này đến từ việc Đạm Hà Bắc được xóa nợ lãi chậm trả trong năm 2023 từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam - khu vực Bắc Đông Bắc.

Đó là quý thứ hai liên tiếp Đạm Hà Bắc có lãi nhờ việc được xóa nợ lãi ngân hàng. Trong quý IV/2023, doanh nghiệp cũng được xóa tới 1.800 tỷ đồng tiền nợ từ đề án tái cơ cấu các khoản vay của Ngân hàng Phát triển. Nhờ đó, năm 2023, Đạm Hà Bắc lãi trước thuế gần 860 tỷ đồng.

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2024, Đạm Hà Bắc ghi nhận 1.967 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế hơn 99 tỷ đồng, so với lỗ 480 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.

Năm nay, Đạm Hà Bắc đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.720 tỷ đồng và lãi trước thuế 168 tỷ đồng. Sau hai quý đầu năm, Đạm Hà Bắc còn cách xa mục tiêu lợi nhuận.

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của công ty là 6.225 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Nợ phải trả cuối kỳ là 5.713 tỷ đồng, gấp 11 lần vốn chủ sở hữu (512 tỷ đồng). Dư nợ vay tài chính ở mức 2.922 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn từ Ngân hàng Phát triển và VietinBank. 

Vì sao Đạm Hà Bắc báo cáo lỗ 137 tỷ đồng trong quý II sau khi vừa báo cáo lãi 38 tỷ đồng năm trước?- Ảnh 1.

Công ty kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp gần 59 tỷ đồng, so với lỗ 120 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Các chi phí khác khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 188 tỷ đồng.

Vì sao Đạm Hà Bắc báo cáo lỗ 137 tỷ đồng trong quý II sau khi vừa báo cáo lãi 38 tỷ đồng năm trước?- Ảnh 2.

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của công ty là 6.225 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm.

Vì sao Đạm Hà Bắc báo cáo lỗ 137 tỷ đồng trong quý II sau khi vừa báo cáo lãi 38 tỷ đồng năm trước?- Ảnh 3.

Sau khi trừ hết chi phí, Đạm Hà Bắc báo lỗ sau thuế 137 tỷ đồng trong quý II, so với lỗ 350 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 6, công ty lỗ lũy kế gần 2.210 tỷ đồng.

Nỗ lực giữ vị thế top đầu về phân bón, tái cơ cấu để kinh doanh có lãi trở lại

Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là thành viên của Vinachem, thành lập năm 1960, hiện là công ty cổ phần (từ năm 2016) do Tập đoàn Vinachem chiếm 97,66% vốn điều lệ. Đạm Hà Bắc là doanh nghiệp sản xuất phân đạm urê đầu tiên của cả nước, với bề dày truyền thống hơn 60 năm hình thành và phát triển.

Sản lượng urê của Đạm Hà Bắc qua nhiều lần đầu tư cải tạo, mở rộng, công suất được nâng lên từ 100.000 tấn urê/năm lên đến 500.000 tấn urê/năm, chiếm khoảng 20% thị phần cả nước và đáp ứng hơn 70% nhu cầu các tỉnh miền Bắc.

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc được khởi công tháng 11/2010, hoàn thành tháng 4/2015 và đưa vào vận hành thương mại. Đạm Hà Bắc bắt đầu rơi vào cảnh sa sút từ khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất vào năm 2015 này. Sau khi mở rộng, nhà máy luôn vận hành ổn định nhưng Đạm Hà Bắc lại thua lỗ nhiều năm sau đó.

Nguyên nhân cơ bản, theo lãnh đạo Đạm Hà Bắc là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn, với các khoản vay ngân hàng có lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn) dẫn đến "lãi chồng lãi". Bên cạnh đó, tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu chưa được giải quyết dứt điểm.

Vì sao Đạm Hà Bắc báo cáo lỗ 137 tỷ đồng trong quý II sau khi vừa báo cáo lãi 38 tỷ đồng năm trước?- Ảnh 4.

Nhà máy Đạm Hà Bắc.

Khoản lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc hiện vẫn còn rất lớn. Nếu không tái cơ cấu tài chính, Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững.

Thực tế, trong bối cảnh khó khăn chung, Đạm Hà Bắc còn phải đối mặt nhiều khó khăn riêng. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất, nhất là giá than đá không ngừng tăng trong khi giá bán urê và NH3 giảm. Ngoài ra, tình trạng nguồn cung ứng điện vừa thiếu lại không ổn định dẫn đến Công ty phải giảm tải sản xuất và ngừng máy đột xuất nhiều lần gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Công ty đã triển khai nhiều giải pháp như: Cân đối phụ tải sản xuất; điều hành linh hoạt phương thức huy động thiết bị; nghiên cứu hệ thống điện tự động tách lưới khi điện lưới không ổn định;… và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật trong từng khâu, bộ phận trên toàn hệ thống dây chuyền để giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu. 

Công ty cũng cố gắng chủ động nắm bắt thông tin để áp dụng chính sách bán hàng phù hợp nhằm giữ vững hệ thống phân phối, thị phần và đem lại hiệu quả cao. Đạm Hà Bắc đã đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời thúc đẩy các biện pháp cân đối hiệu quả dòng tài chính, tích cực làm việc với các ngân hàng để giảm lãi suất vay.

Đạm Hà Bắc còn không ngừng đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu đề tài khoa học vào sản xuất. Cụ thể như việc ứng dụng bọc vi sinh cho phân bón vô cơ, bổ sung vi chất dưới dạng nano, công nghệ màng bọc chống thất thoát đạm,… để cho ra đời các dòng sản phẩm urê mới phù hợp nhiều loại cây trồng và thân thiện môi trường như: Urê N46TE, urê N46+, urê N46+ TE Sil,…

Đạm Hà Bắc hy vọng với những cơ chế chính sách, đặc biệt là phương án tái cơ cấu tài chính được giải quyết, Đạm Hà Bắc sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất kinh doanh có lãi. Những năm tới, Đạm Hà Bắc sẽ nỗ lực giữ vững vị thế là doanh nghiệp top đầu cả nước trong sản xuất - kinh doanh phân bón. 

Trước đó, Vinachem được yêu cầu phải quyết tâm tái cơ cấu để nhà máy Đạm Hà Bắc phát triển vì đã đầu tư nguồn vốn lớn vào Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc; dự án đã vận hành, có sản phẩm, thị trường lại đang có nhu cầu lớn. Vấn đề là bảo đảm cạnh tranh, muốn vậy phải cải tiến, đầu tư khoa học công nghệ, bảo đảm môi trường… để nhà máy đi vào sản xuất bền vững, ổn định, xanh, sạch. Việc sản xuất phân đạm góp phần cung cấp sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp, giảm nhập khẩu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem