Năm 2020, đúng như dự đoán từ ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, điểm chuẩn đại học năm nay đã tăng cao đột biến. Có thể lấy ví dụ ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay có điểm chuẩn là 29,04. Như vậy, nói dễ hiểu thí sinh phải đạt ít nhất 2 điểm 10 mới có khả năng đỗ nguyện vọng 1. Bên cạnh ngành này, nhiều ngành khác của trường cũng có điểm chuẩn lên tới 27, 28 điểm như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, chương trình tiên tiến, công nghệ thông tin Global ICT, tự động hóa...
Đối với khối ngành kinh tế, nhìn chung, điểm chuẩn đều tăng. Nổi bật trong khối ngành này là ĐH Ngoại thương. Trường xác định điểm chuẩn theo nhóm ngành (căn cứ vào tổ hợp A00 là tổ hợp gốc, các tổ hợp còn lại giảm khoảng 0,5 điểm), trong đó nhóm ngành điểm chuẩn cao nhất là kinh tế - quản trị đào tạo (ở cơ sở 2) là 28,15 điểm. Nhóm ngành thấp nhất cũng là 27 điểm theo tổ hợp A00.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng tăng mạnh về điểm chuẩn năm nay, ngành thấp nhất 24,5 (kinh tế học tài chính), ngành cao nhất 28 điểm (logistics và quản lý chuỗi cung ứng). Điểm chuẩn trung bình các ngành nằm ở mức 26, 27 điểm.
Điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2020 cũng tăng từ 2,15 đến 3,35 điểm, tăng mạnh nhất là ngành Y khoa phân hiệu Thanh Hóa (3,35 điểm) và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học (3,3 điểm).
Mặc dù đã dự đoán rằng điểm chuẩn năm nay có xu hướng tăng, tuy nhiên với mức điểm như các trường ĐH top đầu công bố vẫn khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Có thí sinh đạt mức điểm 27 tuy nhiên vẫn trượt tất cả các nguyện vọng bởi xác định "nhầm" mức điểm của mình và chỉ đăng ký vào các ngành hot, trường hot. Đơn cử như chuyên ngành Báo chí và Truyền thông đại chúng của Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2019 lấy 22 điểm nhưng năm nay điểm số tăng vọt tới 26 điểm.
Cạnh tranh khốc liệt ngành "hot"
Xét về nguyên nhân, có thể dễ dàng chỉ ra rằng năm nay đề thi được đánh giá là dễ thở hơn so với các năm trước khá nhiều, vì vậy thí sinh đạt mức điểm khá và điểm cao cũng tăng đột biến, dẫn tới các ngành "hot" có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Bên cạnh đó, việc các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển như xét học bạ, dùng bài thi đặc biệt... cũng là nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng cao. Bởi khi số chỉ tiêu đã được lấp dần bởi các phương thức khác, phần chỉ tiêu dành cho phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT chắc chắn bị co hẹp. Ví dụ, trường ĐH Ngoại thương chỉ còn 50% chỉ tiêu để xét kết quả thi tốt nghiệp, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giảm 30% chỉ tiêu xét kết quả thi so với năm 2019.
Theo PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, điểm chuẩn tăng từ 1-3 điểm so với năm 2019.
"Thí sinh thay đổi nguyện vọng nhiều nên số nguyện vọng tăng cao so với ban đầu và khoảng cách điểm trúng tuyển các ngành rất sát nhau. Số ngành có điểm chuẩn cao nhiều hơn năm trước, tập trung vào các ngành hot" - PGS. Triệu cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.