Vì sao Đình Trọng phải lên bàn mổ 2 lần trong vòng 1 năm?
Vì sao Đình Trọng phải lên bàn mổ 2 lần trong vòng 1 năm?
Thứ tư, ngày 02/09/2020 15:10 PM (GMT+7)
Cuối tháng 6/2019, Đình Trọng phẫu thuật chấn thương đứt dây chằng chéo trước ở Singapore. Tháng 3/2020, anh phải quay lại Singapore tái khám. Tháng 8/2020, Đình Trọng mổ lại sụn ở đầu gối…
Như vậy là chỉ hơn 1 năm, Đình Trọng có tới 3 lần phải kiểm tra vấn đề xung quanh cái đầu gối trái của mình. Thực tế hồi đầu tháng 8 vừa qua, sau khi biết sụn đầu gối của Đình Trọng gặp trục trặc, những người trong cuộc đã liên hệ với bác sỹ Tan Jee Lim để có định hướng trong cách điều trị.
Ban đầu, Đình Trọng được dự tính sẽ trở lại Singapore. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại giữa hai nước không còn thuận lợi như trước kia, Đình Trọng quyết định vào TP.HCM để phẫu thuật.
Vậy, Đình Trọng đã phẫu thuật sụn như thế nào? Trao đổi với Bongdaplus, anh Lê Tuệ Đăng - Giám đốc trung tâm Y sinh học thể thao tại Nha Trang và cũng là người đã và đang hỗ trợ các phương pháp vật lý trị liệu sau chấn thương cho các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi thì nếu sụn chỉ dập nhẹ thì sẽ không cần phẫu thuật, có thể dưỡng hoặc tiêm tế bào gốc. Sun rách hoặc dập nặng thì mới cần có sự can thiệp của phẫu thuật. Khi sụn rách thì bác sỹ phẫu thuật sẽ tiến hành khâu hoặc cắt bỏ đi và tạo hình lại sụn. Bởi nếu cứ để tình trạng sụn rách thì sẽ dẫn đến tràn dịch nặng và thoái hóa khớp, nặng dần thêm theo thời gian”.
Anh Lê Tuệ Đăng nói thêm: “Phải phát sinh ra tổn thương mới thì Đình Trọng mới cần tiến hành phẫu thuật lần 2. Tôi nghĩ rằng trước đó, bác sỹ Singapore đã làm tốt trách nhiệm phẫu thuật cho Đình Trọng cách đây 1 năm về trước, từ việc giải quyết vào dây chằng chéo trước, sụn chêm đến dây chằng chéo sau rồi.
Vấn đề ở đây vì những lý do khác nhau mà Đình Trọng trở lại sân cỏ sớm hơn lộ trình. Như chúng ta đã biết thì Đình Trọng tiến hành phẫu thuật vào cuối tháng 6/2019. Đến giữa tháng 1/2020, Đình Trọng thi đấu trở lại: 36 phút trận gặp UAE, 53 phút trận gặp Jordan và 90 phút trận gặp Triều Tiên. Quá trình khi đó mới khoảng 7 tháng. Như thế là có phần vội vàng. Tất nhiên, kể cả mới phẫu thuật đứt dây chằng 3 tháng hoặc ngay cả đứt dây chằng không phẫu thuật thì người ta vẫn đá được. Nhưng đá được và hậu quả ra sao thì đó mới là vấn đề. Nhưng với cầu thủ chuyên nghiệp, việc quay lại sớm có thể sẽ dẫn đến tái phát chấn thương hơn sau này”.
Nói thêm về Đình Trọng, anh đã trải qua 3 tuần điều trị sau phẫu thuật lần 2. Trước mắt, Đình Trọng sẽ nghỉ hết năm 2020. Dẫu sao, việc các ĐTQG không thi đấu trong năm nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng giúp cho Đình Trọng nguôi đi nỗi nhớ phần nào với bóng đá. Anh cần phải được đảm bảo thời gian và điều kiện tốt nhất có thể để tập trung tối đa cho việc tập luyện, trước khi sẵn sàng trở lại sân cỏ ở thời điểm đã phục hồi hoàn toàn.
Không nên nóng vội quay trở lại khi chấn thương chưa hồi phục hoàn toàn Bác sỹ Choi Ju Yong của các đội tuyển Việt Nam từng nói: "Tôi có nhiều thời gian làm việc với các cầu thủ, từ cầu thủ nam đến cầu thủ nữ, từ các đội tuyển trẻ đến đội tuyển quốc gia. Sau khi làm việc cùng các vận động viên nữ, tôi thấy họ có tâm trạng nóng vội hơn các cầu thủ nam. Các cầu thủ nữ rất mong nhanh chóng được hồi phục để ra sân. Tôi đã giải thích rõ hơn cho các cầu thủ về từng quá trình phục hồi, lúc nào có thể hoặc chưa thể ra sân. Vấn đề y tế trong thể thao rất quan trọng. Tôi nghĩ dù nam hay nữ cũng nên được quan tâm và được điều trị kịp thời, như vậy các vận động viên sẽ có phong độ thi đấu tốt nhất".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.