Vì sao doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ lại hoá lãi?

Thứ ba, ngày 20/12/2011 13:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau nhiều lần lùi thời hạn đã định, sáng qua (19.12), Bộ Tài chính đã chính thức công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Bình luận 0

Theo kết quả kiểm tra thì “hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều có lãi, nếu tính theo định mức để tính giá cơ sở, thậm chí Petrolimex lãi tới 130 tỷ đồng chỉ từ 1.7 đến 26.8.2011, Saigon Petro lãi 48 tỷ đồng, Công ty TMDK Đồng Tháp lãi 22 tỷ đồng.

img
Doanh nghiệp xăng dầu không lỗ như lâu nay họ vẫn kêu.

Như vậy, khác với những “kêu ca” của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trước đây là đang lỗ lớn, kết quả kiểm tra của Tổ kiểm tra Bộ Tài chính đã cho thấy điều ngược lại. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp liên tục kêu lỗ, trong khi kết quả kiểm tra lại được khẳng định là lãi cũng đã được đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính chỉ đích danh – do “chi phí kinh doanh thực tế của DN vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tại một số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở:

Tại Petrolimex, qua rà soát cho thấy mức thù lao đại lý đối với từng mặt hàng của các công ty thành viên được điều chỉnh theo từng thời điểm, địa bàn khác nhau. Có những thời điểm vượt quá định mức chi phí kinh doanh.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành định mức hao hụt xăng dầu, định mức thù lao đại lý phù hợp với từng loại hình kinh doanh xăng dầu, tránh việc tùy tiện nâng mức thù lao đại lý để cạnh tranh thiếu bình đẳng, tăng chi phí kinh doanh, gây sức ép tăng giá.

Cụ thể: Từ tháng 3 đến tháng 9.2011 đối với mặt hàng xăng, mức chi thù lao đại lý của Công ty Xăng dầu B12 từ 210 -830 đồng/lít. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (PVOil). Nhiều thời điểm số tiền trích thù lao cho đại lý, tổng đại lý tại đơn vị này rất cao vượt mức tổng chi phí cho phép được chi là 600 đồng/lít, thậm chí có đơn vị lên tới gần 1.000 đồng/lít như ở công ty con của PVOil là Công ty Dầu khí Mê Kông.

Việc đẩy thù lao đại lý lên cao để chiếm giữ thị phần là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đầu mối. Nâng mức thù lao đại lý như trên tuy không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng sẽ làm giảm lãi hoặc tăng lỗ, không phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối”- Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh

Về thắc mắc không thể nói việc trích thù lao quá mức cho các đại lý không ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá phân trần: “Người tiêu dùng không phải chịu, Nhà nước cũng không cấp bù, doanh nghiệp phải tự trang trải lấy”. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng ghi nhận định mức phí kinh doanh 600 đồng đã quá lạc hậu. Vì thế, mới đặt ra vấn đề, phải có quy định khống chế chi phí kinh doanh và thù lao đại lý" - Thứ trưởng Mai nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem