Vì sao dự án thoát nước nghìn tỉ ở Thủ đô ì ạch?

Tất Định (ghi) Thứ ba, ngày 05/07/2016 13:27 PM (GMT+7)
Dự án thoát nước giai đoạn 2 xin gia hạn đến cuối năm. Nhiều người lo ngại, Hà Nội sẽ vẫn ngập úng mỗi khi mưa lớn.
Bình luận 0

img

Trận mưa ngày 25.6 khiến nhiều tuyến phố của Thủ đô ngập sâu trong nước

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 là dự án trọng điểm của Thủ đô, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản. Dự án được khởi động từ năm 2006, tổng vốn đầu tư lên tới hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.

Gần đây nhất, TP Hà Nội gia hạn hoàn thành thi công đến ngày 30.6.2016. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã cam kết thực hiện đúng tiến độ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hạng mục của dự án này vẫn dở dang. Nhiều ý kiến lo ngại, người dân Thủ đô sẽ tiếp tục sống trong cảnh ngập úng mỗi khi mưa lớn.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội.

Thưa ông, theo gia hạn của TP Hà Nội, Dự án thoát nước giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6. Đâu là nguyên nhân khiến dự án tiếp tục chậm tiến độ?

Hiện nay, hầu hết khối lượng dự án đã hoàn thành, đạt 95%. Những hạng mục đang thi công là các tuyến mương, xây dựng cống hộp và các công trình bổ trợ.

Còn 3 tuyến mương còn đang dang dở là: tuyến mương Thụy Khuê (TE3), Y cụ Y Khoa (L2A), Linh Quang Xã Đàn (L1A).

Ba tuyến mương kể trên có chung đặc điểm khó khăn đó là liên quan việc chậm bàn giao mặt bằng, hoặc bàn giao mặt bằng không liền mạch dẫn đến thi công khó khăn.

Tuyến mương đều nằm trên khu vực nền đất yếu, chúng tôi phải rất vất vả để gia cố lại nền. Bên cạnh đó, người dân xả rác xuống mương, đổ đất xây dựng cơi nới rất nhiều. Chúng tôi vừa phải xây dựng, dọn dẹp vật liệu, rác thải.  

Các mương này đều nằm trong ngõ ngách, len lỏi trong khu dân cư, việc vận chuyển vật tư gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân nữa do thời tiết, đặc biệt vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10. Trong 6 tháng đó, chúng tôi luôn ứng trực, khi có mưa phải phá bờ vây để nước chảy tràn qua công trình. Mỗi trận mưa to đều phải phá bờ vây, sau đó lại đắp lại, hút nước, trung bình mất từ 10-15 ngày mới có thể tiếp tục thi công.

Sau vài năm, điều kiện, năng lực thi công, tài chính của nhà thầu ảnh hưởng.  Để đảm bảo đúng tiến độ đến ngày 30.6, thực sự rất khó. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi, có mặt bằng đến đâu, triển khai đến đó.

img

Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội cho rằng dự án thoát nước giai đoạn 2 đã phát huy hiệu quả lớn. 

Dự án thoát nước giai đoạn 2 đã chậm tiến độ trong nhiều năm,vậy dự án tiếp tục chậm đến bao giờ? Dự án đã bị đội vốn lên bao nhiêu, thưa ông?

Khối lượng dự án còn rất nhỏ, khoảng 5%.  Đối với Dự án thoát nước chúng tôi thì đây là lần đầu tiên xin thành phố gia hạn. Chúng tôi đã báo cáo với UBND Thành phố về các hạng mục chưa hoàn thành.

Thành phố cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch đầu tư và JICA thông báo nguyên nhân chậm tiến độ và tiếp tục gia hạn cho dự án.

Chúng tôi dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục của dự án.

Hiện số vốn vẫn dư chứ chưa đội. Toàn bộ kinh phí dự án sử dụng nguồn vốn ODA của nhật Nhật Bản, trong quá trình triển khai các gói thầu. Chúng tôi đã làm tốt nên vẫn dư vốn.

Bên cạnh đó, tỷ giá giữa đồng Yên và tiền Việt đang có sự chênh lệch lớn. Giá trị Việt Nam đồng tăng cao.

TP Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã đồng ý tiếp tục dùng vốn dư triển khai thêm 3 gói thầu cải tạo hồ, mua sắm thiết bị thoát nước, chỉnh trang cống hộp, khắc phục các điểm ngập úng trên phố Liễu Giai, Định Công.

Trong trận mưa cuối tháng 5 vừa qua, Hà Nội xuất hiện hàng loạt điểm ngập sâu. Khi dự án hoàn thành, Hà Nội có hết cảnh ngập úng hay không?

Trong trận mưa vừa qua, chúng tôi cũng ghi nhận những điểm mới. Về góc độ chuyên môn, các đơn vị báo cáo rõ, khu vực nội đô thoát nước trong vòng 4 giờ đồng hồ. Chuyên giá đánh giá hệ thống thoát nước đã phát huy hiệu quả tốt.

Phạm vi nghiên cứu của Dự án thoát nước giai đoạn 2 chủ yếu giải quyết chống ngập úng trong khu đô thị lõi, lưu vực sông Tô Lịch. Phạm vi không bao gồm các quận mới như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông… Chúng tôi cũng đang đề nghị TP Hà Nội tiếp tục dùng nguồn vốn dư của dự án nghiên cứu thoát nước lưu vực sông Nhuệ.

Qua những trận mưa lớn, một số chuyên gia cho rằng, quy hoạch thoát nước của hiện nay đã quá cũ, đầu tư thêm cũng không hiệu quả. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Dưới góc độ dự án, chúng tôi thấy hiệu quả mang lại là rất lớn. Mặc dù chưa hoàn thiện đồng bộ nhưng tôi có thể khẳng định luôn, hiệu quả rất lớn.

Thoát nước tự nhiên từ điểm cao đến điểm trũng. Nếu công ty thoát nước vận hành thoát nước tốt hơn nữa, tôi tin rằng không phải 4 tiếng đồng hồ mới rút được nước mà chỉ 1-2 tiếng đồng hồ khu vực nội đô đã thoát hết nước.

So sánh một trận mưa rất lớn năm 2008 kéo dài nhiều ngày với trận mưa cường độ lớn ngày 25.5, ta thấy rõ năm 2008, Hà Nội ngập trong nửa tháng. Nhưng hiện nay, nước đã rút nhanh hơn rất nhiều. Dự án giai đoạn 2 chưa hoàn thành, tuy nhiên 95% các công trình đã được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem