Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra hôm 7-8/7 với khoảng một triệu thí sinh tham dự, trong đó hơn 942.200 là học sinh lớp 12 sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Với 7,047 điểm trung bình 9 môn, Nam Định đã dẫn đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Trong kỳ thi này, Hà Nội là một trong những địa phương có đông thí sinh dự thi nhất. Thế nhưng, năm 2022, Hà Nội không những không lọt top 10 địa phương có điểm số cao mà thậm chí đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT. Năm 2021 xếp thứ 25 và năm 2020 xếp thứ 23.
Là thủ đô của cả nước, câu hỏi dư luận đặt ra là vì sao nhiều năm qua Hà Nội không nằm trong top dẫn đầu về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT?
STT
Tỉnh, thành
Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT
1
Nam Định
7.047
2
Vĩnh Phúc
7.026
3
Bình Dương
7.021
4
Ninh Bình
7
5
Hải Phòng
6.89
6
Bắc Ninh
6.768
7
Hà Nam
6.76
8
Phú Thọ
6.722
9
Hà Tĩnh
6.72
10
Thái Bình
6.637
11
Bắc Giang
6.586
12
An Giang
6.583
13
TP.HCM
6.582
14
Bạc Liêu
6.579
15
Hải Dương
6.562
16
Tiền Giang
6.554
17
Lào Cai
6.547
18
Tuyên Quang
6.539
19
Vĩnh Long
6.539
20
Lâm Đồng
6.507
21
Bình Định
6.484
22
Cần Thơ
6.473
23
Nghệ An
6.46
24
Long An
6.448
25
Hà Nội
6.445
Với những ai quan tâm đến giáo dục ở Hà Nội sẽ dễ dàng có câu trả lời. Điểm thi tốt nghiệp THPT không hoàn toàn phản ánh thực tế chất lượng giáo dục.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, thuộc trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Có một số lý do khiến điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội không nằm top cao. Thứ nhất do Hà Nội là địa phương có diện tích rộng, học sinh trải dài cả khu vực 1, 2, 3 nên sức học không đồng đều nhau.
Lý do thứ hai cũng là lý do chính ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Nhiều gia đình quyết định cho con đi du học nên các em học sinh không cần phải thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, có nhóm thí sinh tham gia thi lấy mức điểm vừa phải, không cần phấn đấu cao mà dồn sức cho các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, SAT... hay thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Thực tế, nhiều trường chất lượng cao, trường chuyên hay như tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, đa số học sinh đã có thông báo tuyển thẳng đại học bằng các phương thức khác trước khi thi tốt nghiệp THPT. Chỉ là học sinh Hà Nội dành thời gian mục tiêu khác nên rất khó để nói học sinh Hà Nội yếu hơn học sinh địa phương khác".
Mặc dù không hoàn toàn tập trung mục tiêu thi tốt nghiệp THPT nhưng học sinh ở Hà Nội vẫn đạt nhiều danh hiệu thủ khoa. Chẳng hạn năm nay, Hà Nội có tới 3 thủ khoa: Trường THPT Quốc Oai có học sinh là thủ khoa khối A hay Trường THPT chuyên Ngoại ngữ có 2 học sinh là thủ khoá khối A1 và khối B. Như vậy, có thể thấy thi tốt nghiệp không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá giáo dục”.
Thầy Chiến cho rằng, nói như vậy không phải phủ nhận thành tích của Nam Định, Vĩnh Phúc, Bình Dương hay các tỉnh thành khác trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thành tích của các địa phương đã đạt được thật tuyệt vời, đáng ghi nhận.
Cùng chung quan điểm, anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả cuốn sách "Cùng con bước qua kỳ thi" và "Tư vấn kỳ thi vào 10" cho hay: "Trước hết phải công nhận một điều, phổ điểm năm nay phản ánh đúng chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo công bố chính thức, Hà Nội đứng thứ 25. Nguyên nhân sâu xa không nằm ở việc Hà Nội đầu tư cho việc học nhiều mà xếp hạng không cao, nó nằm ở lý do khác. Đó là việc xét tuyển vào các trường đại học có nhiều phương thức khác nhau, do vậy nhiều thí sinh với chứng chỉ SAT và IELTS gần như đã đỗ ngay vòng đầu tiên. Đó là lý do các em không quá coi trọng điểm thi tốt nghiệp THPT. Chưa kể nhiều học sinh trường chuyên đã apply thành công vào các trường đại học ở nước ngoài trong kỳ nhập học mùa thu 2022. Do vậy với tỷ lệ hơn 90% thí sinh tốt nghiệp trong kỳ thi THPT, việc xếp thứ hạng phản ánh đúng mục tiêu của các thí sinh".
Không đồng đều giữa nội thành và ngoại thành
Theo anh Bùi Ngọc Phúc, không chỉ do mục tiêu khác nhau của thí sinh mà còn một nguyên nhân nữa, lực học không đều giữa các vùng của Hà Nội cũng khiến phổ điểm thấp. Điều này đòi hỏi giáo dục thủ đô cần quan tâm hơn đến vùng xa, vùng ngoại thành.
Chia sẻ với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, tỉnh Nam Định nhiều năm qua luôn xếp thứ hạng cao, dẫn đầu cả nước về điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều dễ hiểu. Nam Định vốn có truyền thống học tập tốt.
Về việc Hà Nội xếp thứ hạng thứ 25 về điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Nhĩ đánh giá do 2 nguyên nhân chính. Cụ thể, nguyên nhân thứ nhất là thời gian qua Hà Nội bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lúc đầu học sinh bị lúng túng trong việc học tập online, mãi tới thời gian sau mới chấn chỉnh được.
"Đó là nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, của các trường dẫn đến điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội bị thấp. Thứ 2, đi sâu vào phân tích, ngoài 8 quận nội thành, Hà Nội còn số lượng huyện ngoại thành lớn. Cơ sở vật chất tại nhiều huyện ngoại thành, học sinh học tập online chưa tốt lắm.
Do vậy muốn phân tích làm rõ việc này, thành phố xem xét học sinh các quận nội thành thế nào, học sinh các huyện ngoại thành ra sao. Từ đó chúng ta sẽ có kết quả đánh giá chính xác nhất", ông Nhĩ phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.