Vì sao HLV Kim Sang-sik dùng 2 "kíp chiến đấu" dành cho các trung vệ?

Phạm Trần Oánh Chủ nhật, ngày 22/12/2024 17:10 PM (GMT+7)
Nhìn lại cách sắp xếp đội hình thi đấu của HLV Kim Sang-sik qua 4 trận đấu của ĐT Việt Nam tại vòng bảng ASEAN Cup 2024, chúng ta bắt đầu nhận ra quy luật, hay nói cách khác là cá tính của vị HLV trong việc bày binh bố trận để giải quyết trận đấu.
Bình luận 0

Vì sao HLV Kim Sang-sik thích thay đổi các trung vệ?

Nhìn vào cách bày binh bố trận của HLV Kim Sang-sik trong các trận đấu ở ASEAN Cup 2024, chúng ta nhận thấy ông có vẻ thích sự thay đổi, chẳng trận nào đội hình giống trận nào. Ít thì thay 5 vị trí, nhiều thì gần như nguyên đội với 9 vị trí. Nhưng thay đổi ở hàng tiền đạo hay tiền vệ thì NHM dễ chấp nhận, còn hàng hậu vệ, đặc biệt là các trung vệ là nơi cần duy trì sự ổn định nhất thì trận nào cũng bị ông thay đổi. Người xem có cảm giác chống chếnh bởi sự xáo trộn đó.

Vậy đâu là lý do của việc ông thường xuyên "xáo trộn" hàng trung vệ?

Vì sao HLV Kim Sang-sik hay xáo trộn nhân sự ở vị trí trung vệ? - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam thường xuyên có sự thay đổi nhân sự, kể cả vị trí trung vệ trong 4 trận đấu đã qua. Ảnh: VFF

Nhìn lại cách sắp xếp đội hình thi đấu của HLV Kim Sang-sik qua 4 trận đấu của ĐT Việt Nam tại giải này, chúng ta bắt đầu nhận ra quy luật, hay nói cách khác là cá tính của vị HLV trong việc bày binh bố trận để giải quyết trận đấu.

Đầu tiên, những sự thay đổi đội hình, con người đó nói lên, với mỗi đối thủ cụ thể, HLV này có sự điều chỉnh tương ứng. Chưa nói đến hiệu quả của sự điều chỉnh đó thể hiện ở bảng tỷ số thế nào vì tất cả những ai am tường bóng đá thực sự đều biết, chiến thuật hợp lý đến đâu, đội bóng chơi hay, chèn ép đối phương đến đâu mà nếu không may như bị "ma ám" trong hiệp 1 trận đấu với Myanmar, bóng vẫn không chịu vào lưới. Căn cứ đưa ra sự điều chỉnh của HLV này chính là sự hình dung của ông về đối thủ và cách áp chế hoặc khai thác điểm yếu của đối thủ đó. Từ hiểu biết về khả năng, cá tính riêng biệt của cầu thủ đội mình, ông sẽ tìm cách sắp xếp theo sự hình dung đó. Tất nhiên, giữa hình dung và thực tế không phải lúc nào cũng giống nhau.

Tiếp theo, ông tỏ ra ưu thích sử dụng các "kíp chiến đấu". Ví dụ như trận gặp Myanmar, khi chắn chắn sẽ dùng Nguyễn Xuân Son, theo quy tắc này, ông sẽ dùng Nguyễn Văn Toàn, vốn cùng một kíp chiến đấu với Xuân Son ở CLB. Rồi cũng ê kíp đó, ông dùng luôn Nguyễn Văn Vĩ ở cánh trái. Và chúng ta đã thấy hiệu quả của kíp chiến đấu này trong trận đấu đó. Rồi ngay khi Văn Toàn chấn thương, ông thay cả cầu thủ này cùng Nguyễn Văn Vĩ ra 1 lượt.

Vì sao HLV Kim Sang-sik hay xáo trộn nhân sự ở vị trí trung vệ? - Ảnh 2.

Văn Toàn và Xuân Son đã chơi tốt cùng nhau. Ảnh: Cao Oanh

Cũng tư duy kíp chiến đấu, ta thấy ông ít khi dùng cả Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Hoàng Đức cùng đá tiền vệ. Có trận 2 cầu thủ này cùng xuất trận, nhưng Hoàng Đức lại được xếp đá tiền đạo. Lý do là trong một kíp tiền vệ thông thường, chỉ nên có 1 người chuyên trách kiến thiết, với các kỹ năng, thế mạnh của mình cho nhiệm vụ này như tính sáng tạo, kỹ thuật khéo léo, quan sát rộng và cảm giác chuyền bóng tốt. Nhưng mặt trái là thường thì khả năng thu hồi bóng, hỗ trợ phòng ngự của cầu thủ này không tốt. Trong một hàng tiền vệ lành mạnh, 2 cầu thủ thu hồi bóng kém là quá nhiều. Trận gặp Myanmar là 1 dịp đặc biệt, khi nhu cầu nhận bóng của hàng tiền đạo tăng cao nhờ sự xuất hiện của Nguyễn Xuân Son, và sức tấn công của hàng tiền vệ đội bóng này không quá áp lực.

Trở lại ý kiến hàng trung vệ ĐT Việt Nam bị ông Kim Sang-sik xáo trộn qua mỗi trận đấu. Nếu để ý, chúng ta sẽ tìm ra quy luật bố trí hàng trung vệ của HLV này. Đầu tiên, vẫn tư duy kíp chiến đấu nói trên, ông lập ra 2 kíp riêng biệt chuyên thi đấu cùng nhau. Ta có kíp 1, là kíp trung vệ Bùi Tiến Dũng - Nguyễn Thành Chung - Phạm Xuân Mạnh và kíp 2, với Đỗ Duy Mạnh - Bùi Hoàng Việt Anh - Nguyễn Thanh Bình.

Tất nhiên, thỉnh thoảng, có sự thay đổi do những điều kiện đặc biệt như thể lực, phong độ, chấn thương hoặc thay người giữa trận kiểu như Đỗ Duy Mạnh vào thay cho Thành Chung trong trận gặp Myanmar. Nếu nhìn sự thay đổi theo tư duy kíp chiến đấu như vậy, chúng ta thấy hàng trung vệ ĐT Việt Nam trong tay ông Kim Sang-sik dù luôn thay đổi nhưng không hề bị xáo trộn và vẫn ổn định như thường.

Vì sao HLV Kim Sang-sik hay xáo trộn nhân sự ở vị trí trung vệ? - Ảnh 3.

HLV Kim Sang-sik đang thể hiện sự tự tin vào tài cầm quân của mình. Ảnh: Cao Oanh

Lại dựa vào tư duy điều chỉnh tương ứng với từng đối thủ của ông Kim Sang-sik, ta sẽ tìm ra quy luật sử dụng kíp trung vệ của ông. Đó là dựa vào thế mạnh của hàng công đối phương mà ông dùng từng kíp trung vệ của mình phụ thuộc vào chiều cao của họ.

Với kíp trung vệ số 1, ta có Bùi Tiến Dũng: 1m76, Nguyễn Thành Chung: 1m82, Phạm Xuân Mạnh: 1m75. Kíp này sẽ được dùng để đối phó với các đối thủ ít dùng các pha bóng bổng, chiều cao hàng tấn công không tốt. Tóm lại là khả năng chơi bóng bổng không tốt kiểu như ĐT Indonesia, hay Myanmar trong trận đấu hôm qua. Còn kíp 2 gồm Đỗ Duy Mạnh: 1m80, Bùi Hoàng Việt Anh: 1m84. Nguyễn Thanh Bình: 1m80, với chiều cao tốt hơn, sẽ dùng để đặc trị các đối tượng có chiều cao tốt, thích chơi bóng bổng như các cầu thủ nhập tịch của Philippines.

Có lẽ lý do cho sự thường xuyên "xáo trộn" hàng trung vệ của ông Kim Sang-sik cũng chỉ đơn giản như vậy thôi.

Xem ASEAN Championship Mitsubishi Electric Cup 2024 trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem