Đa số hóa thạch voi ma mút các nhà khoa học tìm thấy đều là con đực.
Theo Guardian, voi ma mút đực sống ở Kỷ Băng Hà thường di chuyển một mình và gặp nguy hiểm khi không có sự trợ giúp từ bầy đàn.
Chúng có thể rơi xuống sông, xuyên qua các lớp băng hoặc đầm lầy. Đây được cho là nguyên nhân khiến hóa thạch của voi ma mút đực trở nên phổ biến.
Bởi việc rơi xuống hồ băng hay hố sâu có thể giúp bảo quản xác voi ma mút tới hàng ngàn năm, các nhà khoa học cho biết.
Ngược lại, những con cái thường đi theo bầy và được lãnh đạo bởi một cá thể ma mút lớn tuổi, am hiểu địa hình và biết cách lẩn tránh nguy hiểm.
"Không sống theo bầy và thiếu con đầu đàn, voi ma mút đực dễ tử vong hơn so với những cá thể cái", nhà nghiên cứu Love Dalen đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển nói.
Dalen cùng các cộng sự đã nghiên cứu mẫu gene để xác định giới tính của 98 hóa thạch voi ma mút ở vùng Siberia. Kết quả cho thấy đa số mẫu vật là của voi ma mút đực.
Điều này khiến các nhà khoa học đặt giả thiết thói quen và cách sinh sống có thể đã ảnh hưởng tới lượng voi ma mút đực tử vong trong Kỷ Băng hà.
Nghiên cứu cho biết, phần cơ thể của voi ma mút được tìm thấy ở Siberia không có nhiều biến đổi bởi chúng bị chôn vui, từ đó được bảo quản kỹ lưỡng khỏi tác nhân bên ngoài.
Nghiên cứu của chuyên gia Dalen và các cộng sự chỉ nhằm lý giải nguyên nhân vì sao con người ngày nay tìm thấy nhiều hóa thạch voi ma mút đực hơn so với voi ma mút cái.
Voi ma mút là một trong những loài sinh vật có kích thước đồ sộ nhất thế giới. Chúng biến mất khỏi Trái Đất khoảng 4.000 năm trước, sau thời kỳ Kỷ Băng hà vì khí hậu Trái đất ấm lên.
Hồi tháng 7 năm nay, các nhà khoa học bắt tay vào kế hoạch hồi sinh voi ma mút khổng lồ, bằng cách ghép mẫu gene của voi ma mút vào gene của những con voi hiện đại.
Loài voi từng thống trị trái đất cách đây 4.500 năm rất có khả năng sẽ xuất hiện trên hành tinh xanh trong 2 năm tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.