Trận chiến khiến Catalonia rơi vào tay Tây Ban Nha thế kỷ 18

Theo Vnexpress Thứ năm, ngày 02/11/2017 20:00 PM (GMT+7)
Cuộc vây hãm khiến thành Barcelona thất thủ đầu thế kỷ 18 đã làm Công quốc Catalonia bị xóa bỏ và hình thành nên vùng tự trị về sau này.
Bình luận 0

img

Liên quân Tây Ban Nha - Pháp của gia tộc Bourbon vây hãm thành Barcelona vào năm 1714. Ảnh: Barcelonas.com.

Trước khi trở thành vùng tự trị của Tây Ban Nha, Catalonia là một công quốc ở bán đảo Iberia, tây nam châu Âu, tồn tại trong suốt thời kỳ Trung Cổ và Cận Đại. Từ thế kỷ 13 đến 18, Công quốc Catalonia có phía tây giáp Vương quốc Aragon, phía nam giáp Vương quốc Valencia, bắc giáp Vương quốc Pháp và Công quốc Andorra, phía đông giáp Địa Trung Hải.

Cuộc vây hãm Barcelona, thủ phủ Catalonia, vào giai đoạn 1713-1714 đã mở ra một thời kỳ mới để hình thành nên vùng tự trị Catalonia ngày nay. Lúc bấy giờ, Công quốc Catalonia nằm trong Vương triều Aragon (gồm Công quốc Catalonia, Vương quốc Aragon, Vương quốc Valencia và Vương quốc Mallorca).

Cuộc chiến giành ngai vàng Tây Ban Nha

Cuộc vây hãm Barcelona là cuộc chiến xảy ra vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (1701-1714), cuộc xung đột tranh giành ngôi vua Tây Ban Nha giữa Đại công tước Áo Charles III và Công tước xứ Anjou Philip V, cháu nội vua Louis XIV của Vương quốc Pháp. Cuộc chiến nổ ra sau khi Carlos II, vị vua cuối cùng của vương triều Habsburg ở Tây Ban Nha, băng hà mà không có người nối ngôi.

Trong di chúc để lại, vua Carlos II chỉ định Philip V, cháu nội người chị cùng cha khác mẹ của ông là Maria Theresa, hoàng hậu thứ nhất của vua Pháp Louis XIV, làm người nối ngôi. Vì vậy, sau khi vua Carlos II băng hà, Philip V chính thức lên ngôi vua Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, Đại công tước Áo Charles III, cũng là một thành viên gia tộc Habsburg, tuyên bố ông mới là người có quyền thừa kế ngôi vua vì Carlos II không có con.

Các cường quốc ở châu Âu lúc ấy rất lo ngại về nguy cơ mất cân bằng quyền lực ở châu Âu nếu như Pháp và Tây Ban Nha hợp nhất dưới một vương triều sau khi Philip V trở thành vua Tây Ban Nha. Họ tìm cách ngăn chặn kịch bản đó bằng một cuộc chiến kéo dài 14 năm, hay còn gọi là Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, nhằm đưa Charles III lên ngôi vua Tây Ban Nha. Cuộc chiến này kết thúc với Hiệp ước Utrecht, trong đó có điều khoản cấm sự hợp nhất của hai ngai vàng Tây Ban Nha - Pháp.

Thời kỳ đầu của cuộc chiến, Đại công tước Áo Charles III đã tấn công và giành quyền kiểm soát Barcelona, thủ phủ Catalonia. Charles III đưa quân đổ bộ lên cảng Barcelona vào ngày 22/8/1705 và bao vây thành phố này. Sau đó, binh sĩ của Charles III chiếm giữ pháo đài Montjuic của Barcelona, sử dụng nó để phát động tấn công dồn dập, buộc thành phố Barcelona phải đầu hàng vào ngày 9/10/1705. Từ đây, Công quốc Catalonia cũng như các công quốc khác thuộc Vương triều Aragon nhanh chóng chấp nhận Charles III là vị vua mới của họ.

Cuộc vây hãm thành Barcelona

Liên quân Tây Ban Nha - Pháp không thể tái chiếm Barcelona cho đến năm 1713. Khi Hiệp ước Utrecht, bao gồm nhiều hòa ước, được ký kết giữa các bên từ tháng 4 đến tháng 7/1713 nhằm kết thúc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, Catalonia cùng với Vương quốc Mallorca là những nơi duy nhất còn lại vẫn chiến đấu cho Charles III.

Ngày 9/7/1713, quốc hội Catalonia quyết định tiếp tục cuộc chiến chống lại vua Tây Ban Nha Philip V. Ngày 25/7, liên quân Tây Ban Nha - Pháp thuộc gia tộc Bourbon với khoảng 25.000 binh sĩ do Restaino Cantelmo-Stuart, công tước xứ Popoli chỉ huy, bắt đầu vây hãm thành Barcelona. Những người dẫn dắt thành Barcelona chống lại liên quân của gia tộc Bourbon là tướng Antoni de Villarroel, tổng tư lệnh Catalonia, và Rafael Casanova, người đứng đầu hội đồng thành phố Barcelona kiêm tư lệnh lực lượng dân quân đô thị Barcelona.

Ban đầu, các cuộc tấn công giành quyền kiểm soát Barcelona không có kết quả vì thiếu súng thần công. Đến tháng 4 và tháng 5/1714, liên quân Tây Ban Nha - Pháp được 20.000 quân đến tiếp viện.

Theo cuốn "Catalonia không phải Tây Ban Nha: Một góc nhìn lịch sử" (Catalonia Is Not Spain: A Historical Perspective) của nhà sử học Simon Harris, ngày 6/7/1714, James FitzJames, Công tước xứ Berwick thay thế Công tước xứ Popoli làm tư lệnh liên quân Tây Ban Nha - Pháp. Berwick là tư lệnh giỏi nhất trong số các chỉ huy quân sự của gia tộc Bourbon và có kinh nghiệm trận mạc không thua kém tướng Antonio de Villaroel của Barcelona.

Với lực lượng hùng hậu gồm 47.000 binh sĩ đang vây hãm sát bên ngoài thành Barcelona và thêm 40.000 binh sĩ khác ở vùng nông thôn Barcelona, FitzJames muốn chiếm Barcelona trong tình trạng nguyên vẹn.

Trái lại, trong nhiều lá thư gửi cho FitzJames, vua Philip V muốn san bằng thủ phủ của Catalonia. Cho dù Barcelona đầu hàng, Philip V cũng muốn trả thù vì Catalonia đứng về phía Đại công tước Áo Charles III suốt 10 năm, phản bội các thỏa thuận cam kết trung thành với Philip V vào năm 1702.

img

Binh sĩ của gia tộc Bourbon tràn vào thành Barcelona ngày 11/9/1714. Tranh minh họa: Antoni Estruch.

Không chịu đầu hàng

Xác định phần phía bắc nằm giữa các pháo đài Sant Pere, Santa Clara và Portal Nou là điểm yếu nhất trong tuyến phòng thủ của Barcelona, FitzJames đã cho binh sĩ đào các con hào sát với tường thành Barcelona để chuẩn bị phát động cuộc tấn công cuối cùng.

Ông ra đòn tấn công quyết định vào ngày 12/8/1714, chiếm được một phần hai pháo đài Barcelona. Tuy nhiên, liên quân Tây Ban Nha - Pháp vẫn phải rút lui trước sự phản công mạnh mẽ từ 5.000 dân quân Barcelona, những người chiến đấu để bảo vệ nhà cửa và cuộc sống của gia đình họ hơn là để kiếm đồng lương binh sĩ.

Ngày hôm sau, FitzJames quyết định chỉ tấn công hạn chế hai pháo đài Portal Nou và Santa Clara nhưng ông đã bất ngờ khi chứng kiến các binh sĩ của mình buộc phải thoái lui một lần nữa trong trận chiến ở pháo đài Santa Clara. Mặc dù binh lực Barcelona cũng tổn thất nặng nề, FitzJames không dám mạo hiểm mở một cuộc tấn công trực diện khác. Ông cho quân rút lui rồi dùng súng thần công nã vào Barcelona nhằm làm suy yếu các tuyến phòng thủ của đối phương.

FitzJames nhận thấy rằng cuộc vây hãm càng kéo dài, chiến thuật phong tỏa đường bộ và đường biển càng phát huy tác dụng và sẽ khiến người dân Barcelona rơi vào tình cảnh đói khát vì cạn kiệt lương thực.

Ngày 3/9/1714, Công tước xứ Berwick gửi thư kêu gọi Barcelona đầu hàng có điều kiện. Vì nguồn dự trữ thuốc súng chỉ còn đủ dùng cho vài ngày, người đứng đầu hội đồng Barcelona Rafael Casanova ủng hộ thỏa thuận đình chiến kéo dài 12 ngày.

Tuy nhiên, hội đồng đặc biệt chính quyền Catalonia không chấp nhận đầu hàng và gửi thư trả lời gọn lỏn rằng Barcelona không chấp nhận bất kỳ yêu sách nào từ kẻ thù. Để phản đối động thái trên, Antonio de Villaroel từ chức tổng tư lệnh quân đội Catalonia nhưng sau đấy, ông vẫn đảm nhận vai trò chỉ huy để chống trả cuộc tấn công cuối cùng của liên quân Tây Ban Nha - Pháp vào ngày 11/9/1714.

Thất thủ và bị xóa bỏ chủ quyền

Cuộc tấn công của quân gia tộc Bourbon được phát động lúc 4h30 sáng. Để khơi dậy tinh thần chiến đấu trong các chiến binh, Rafael Casanova đã đứng trên tường thành Barcelona vẫy cờ hiệu Thánh Eulalia, biểu tượng bảo trợ thành phố vào những thời khắc lâm nguy.

Quân gia tộc Bourbon chọc thủng các bức tường thành ở nhiều nơi nhưng hỏa lực tấn công tập trung ở phòng tuyến hoàng gia nằm giữa pháo đài Portal Nou và Santa Clara. Cuối cùng, lực lượng tiến công cũng tràn qua các bức tường thành Barcelona và đánh nhau giáp lá cà với dân quân Barcelona trên các đường phố ở khu trung tâm La Ribera. Quân gia tộc Bourbon bị chặn lại tại chốt phòng thủ ở Tu viện Thánh Augusti. Xác người bị đâm bằng lưỡi lê chất đóng bên ngoài Tu viện Sant Pere de les Puelles.

Các chiến binh Barcelona đã chiến đấu kiên cường nhưng với tương quan quân số 1 chọi 8, thành Barcelona sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Vào cuối ngày, cả Rafael Casanova và Antoni de Villarroel đều bị thương. Trước tình thế ngặt nghèo, hội đồng đặc biệt chính quyền Catalonia họp một lần nữa. Cơ quan này quyết định đầu hàng có điều kiện, chứ không chịu đầu hàng hoàn toàn và được Công tước FitzJames chấp nhận.

Vài ngày sau, người Tây Ban Nha tiếp quản các vị trí quyền lực của Barcelona và hàng trăm lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại vua Philip V bị xử tử. Cuộc vây hãm thành Barcelona khiến phe gia tộc Bourbon thương vong 10.000 người, trong khi số thương vong của Công quốc Catalonia là 13.000 người. 

img

Một người đàn ông trong quân phục giống binh sĩ quân đội Catalonia hồi năm 1714 tham gia một cuộc tuần hành ở Barcelona hồi năm 2014. Ảnh: Anadolu Agency.

Barcelona sụp đổ đặt dấu chấm hết cho Công quốc Catalonia với tư cách một thực thể chính trị và nhà nước độc lập. Vua Philip V cảm thấy bị phản bội vì quốc hội Catalonia vốn ban đầu cam kết trung thành với ông. Để trả đũa, ông đã đưa ra những sắc lệnh xóa bỏ các cơ quan độc lập và luật pháp của Vương triều Aragon (bao gồm Công quốc Catalonia) để thay thế bằng mô hình quản lý của Tây Ban Nha nhằm thiết lập chính thể chuyên chế. Các sắc lệnh trên cũng cấm sử dụng tiếng Catalonia làm ngôn ngữ hành chính của vùng này. Ngày thành Barcelona thất thủ 11/9 giờ đây được người dân Catalonia tưởng nhớ như là Ngày Quốc khánh Catalonia.

Mãi cho đến đầu thập niên 1930, chính phủ Tây Ban Nha mới ban cho Catalonia một số quyền tự quản để trở thành vùng tự trị. Tuy nhiên, sau nỗ lực đòi ly khai của vùng tự trị này mới đây, Thượng viện Tây Ban Nha đã cho phép chính quyền trung ương tước bỏ quyền tự trị của Catalonia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem