Vì sao hoàng đế Gia Long gọi hơn 100 cung phi mỹ nữ của mình là... đám yêu phụ?

N.N Thứ ba, ngày 13/09/2022 20:33 PM (GMT+7)
Ngoài hai bà trên, Gia Long cũng như những vị vua khác, có trên 100 cung phi mỹ nữ. Tất cả các cung phi này đều là con gái của các đại quan trong triều đình. Nhiều vợ như thế không phải là thú vị và sung sướng...
Bình luận 0

Vua Gia Long có hai bà vợ được phong hoàng hậu. Bà chính là Thừa Thiên Cao hoàng hậu, mẹ của hoàng tử Cảnh. Bà thứ hai là Thuận Thiên Cao hoàng hậu, mẹ của hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng).

Vua Gia Long cưới bà Thừa Thiên từ năm 18 tuổi và lập làm Nguyên Phi. Gia Long rất mực yêu thương bà này vì nhân cách, đức hạnh. Bà rất đau lòng mà gạt nước mắt khi đưa hoàng tử Cảnh mới 4 tuổi sang Pháp làm con tin xin cầu viện. Không chỉ tin yêu và chung thủy với chồng, hết lòng hầu hạ mẹ chồng (bà Thiếu Khương, mẹ của vua Gia Long), bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu còn có lúc thay chồng lãnh đạo ba quân chống Tây Sơn. Bà mất trước vua Gia Long 5 năm (1815) và được chôn trên nền đất và nằm sóng đôi với mộ vua Gia Long ở Thiên Thọ Sơn.

Vì sao hoàng đế Gia Long gọi hơn 100 cung phi mỹ nữ của mình là... đám yêu phụ? - Ảnh 1.

Hoàng đế GIa Long.

Ngoài hai bà trên, Gia Long cũng như những vị vua khác, có trên 100 cung phi mỹ nữ. Tất cả các cung phi này đều là con gái của các đại quan trong triều đình. Nhiều vợ như thế không phải là thú vị và sung sướng. Ngược lại, vua Gia Long vô cùng ngao ngán vì sự kiện cáo đòi phân xử liên miên của các bà vợ. Có lần vua Gia Long đã tâm sự với người bạn Pháp tên là Michel Đức Chaigneau như sau: “Trẫm gặp phải một bọn quỷ sứ thật sự. Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó tất cả cùng chạy đến xin trẫm phân xử... Đám yêu phụ này làm trẫm điếc tai, nhức óc...”

Tuy vậy, trong số các bà, cũng có những nàng cung phi bất hạnh vì chẳng bao giờ được nhà vua “chiếu cố” từ ngày được đưa vào cung cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Đó là nỗi đau đớn và phiền muộn của số phận người cung nữ mà Nguyễn Gia Thiều đã miêu tả trong tác phẩm “Cung oán khâm khúc”:

Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải

Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ

Hoa này bướm nỡ thờ ơ

Để gầy bông thắm để xơ nhị vàng...

Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh mất năm 1820, trị vì được 18 năm và hưởng thọ 58 tuổi. Theo sử cũ thì tới gần 4 tháng sau ngày mất, tức vào ngày 24/5/1820, vua Minh Mạng mới làm lễ di quan thi hài vua Gia Long ra khỏi hoàng thành. Suốt 3 ngày long giá trên sông, từ 7 giờ sáng ngày 26/5/1820, long giá mới rước lên bộ nơi chân núi Thiên Thọ, cách trung tâm thành phố 16km theo hướng Tây Nam. Sáng ngày 28/5, việc đưa đám mới hoàn tất và tất cả trở lại kinh đô.

Lăng Gia Long tọa lạc trên chính giữa ngọn đồi bằng phẳng có phong cảnh thiên nhiên với sơn thủy hoành tráng mà hữu tình. Trước lăng là ngọn Đại Thiên Thọ làm tiền án. Sau có 7 núi làm hậu án. Mỗi bên phải, bên trái đều có 14 ngọn núi tạo nên thế “Tả thanh long, hữu bạch hổ”. Chung quanh lăng là quần thể hồ nước và một dòng suối thơ mộng. Tất cả tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ mà trữ tình, bình dị, khác xa sự nguy nga tráng lệ ở những đền đài lăng tẩm của lớp con cháu ông sau này.

Lời bàn:

Theo cách nghĩ bình dân, người ngồi trên ngai vàng tức là chỉ dưới có trời còn ở trên tất thảy mọi người trong thiên hạ, vậy mà cũng còn khổ thì có lẽ trên cõi đời này không ai sướng cả. Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì có lẽ vua Gia Long ngày xưa có cuộc sống đời thường không bằng thứ dân. Bởi vì hằng ngày vua Gia Long phải thường xuyên tiếp súc với các bà vợ là một “bọn quỷ sứ thật sự”. Cũng từ điều này cho thấy trong hậu cung của vua Gia Long ngày ấy không hề yên tĩnh mà ngược lại là luôn luôn có sự đối kỵ, ganh tỵ, ghen ghét, tranh giành quyền lực và lừa lọc lẫn nhau. Và dưới thời phong kiến, người phụ nữ luôn phải tuân theo “Tam tòng, tứ đức”, nhưng xem ra hậu cung của vua Gia Long toàn là những người không hiểu gì phép tắc.

Cổ nhân xưa có câu rằng: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Điều này có nghĩa rằng một ai đó có ước vọng lớn thì trước hết phải tề được gia thì mới trị quốc và có trị quốc thì mới bình được thiên hạ. Cứ theo lời này thì vua Gia Long ngày xưa chỉ riêng việc tề gia cũng đã “điếc tai nhức óc” thì làm sao có đủ sức lực và tâm trí để trị được quốc, tức là lo được cho trăm họ bình yên, lạc nghiệp. Và không phải chỉ riêng vua Gia Long, mà thời nào cũng vậy, một gia đình mà trong đã không ấm thì làm sao ngoài có thể êm, vợ chồng hay anh em mà không hòa thuận thì làm sao có tài lộc và hạnh phúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem