Vì sao không quân hiện đại của Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ?

Trần Viết Nghĩa Thứ ba, ngày 07/05/2019 11:22 AM (GMT+7)
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, không quân Pháp đã mất 60 máy bay (15 chiếc do đặc công mặt đất phá hủy), trên bầu trời Điện Biên Phủ không quân mất 28 chiếc, hải quân mất 8 chiếc, và gần 100 chiếc bị thương. Đây là một mất mát nặng nề với không quân Pháp.
Bình luận 0

Tháng 12.1953, Đại tướng Navarre, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, chấp nhận trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ. Ngày 1.1.1954, ông khẳng định đây là một chiến dịch của không quân được tiến hành cho đến lúc quyết định. Sự sống còn của Điện Biên Phủ hoàn toàn phụ thuộc vào không quân, lực lượng đóng vai trò trinh sát, hậu cần và chiến đấu.

img

Máy bay Pháp bị bắn rơi trên chiến trường Điện Biên Phủ (ảnh IT)

Sau Thế chiến thứ hai, Pháp ưu tiên không quân ở Trung Âu để đối phó với sự đe dọa của Liên Xô, Đông Dương không được ưu tiên vì chỉ là một thuộc địa. Mùa thu năm 1953 không quân Đông Dương có 75 máy bay C47 Dakota, 80 chiếc F8F Bearcat, 40 chiếc B26 Invader. Trung tướng Lauzin, Tư lệnh không quân Viễn Đông, yêu cầu Đại tướng Fay, Tư lệnh không quân Pháp, tăng viện cho Đông Dương. Trong chuyến đi thanh tra không quân ở Đông Dương từ ngày 15 đến ngày 27 - 2 - 1954, Fay cho rằng với lực lượng gồm 80 chiếc F8F Bearcat, 15 chiếc Bearcat, 40 chiếc B26 Invader, 6 chiếc RB26 Invader, 100 chiếc C47 Dakota, 6 chiếc C119 Packett, 12 chiếc Martinet, 18 chiếc Hellcat, 16 chiếc Helldiver, 10 chiếc Privateer, 54 chiếc Criquet, không quân Đông Dương đủ sức tham chiến ở Điện Biên Phủ.

Đại tướng Navarre cho biết từ tháng 11.1953 đến tháng 5.1954, không quân dành ưu tiên số một cho Điện Biên Phủ. Giai đoạn đầu có 75 chiếc C47 Dakota đến ngày 1.2.1954 tăng lên 100 chiếc, 16 chiếc C119 Packett, 48 chiếc B26, 8 chiếc Privateer và 112 chiếc Hellcat, Bearcat và Corsair. Số lượng tăng theo nhịp điệu trận đánh và đạt mức cao nhất là 227 chiếc. Thiếu tướng Dechaux, Chỉ huy không quân Bắc Kỳ, đã sử dụng từ 65 đến 75 máy bay tấn công mỗi ngày. Số máy bay tham chiến tăng từ 128 chiếc (11.1953) lên 154 chiếc (4.1954), 2/3 số này ở Bắc Kỳ để phục vụ Điện Biên Phủ.

Ngày 15.3.1954, sân bay Mường Thanh bị pháo kích dữ dội. Ngày 28.3, hoạt động ở sân bay này chấm dứt nên không quân Pháp chỉ còn cách thả dù tiếp viện. Mất sân bay là mất hi vọng giành thắng lợi.

Khoảng cách từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ là 300 km, từ Cát Bi là 400 km, từ Viên Chăn và Xiêng Khoảng là 210 km, trong khi đó máy bay Bearcat có bán kính hoạt động không có bình dầu phụ là 250 km. Thật khó bay ở địa hình cao và mấp mô như Điện Biên Phủ. Nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy và quay đầu lại do sương mù, giông và mưa rào. Cơ sở điện đài không tốt. Sân bay Viên Chăn, Xiêng Khoảng, Mường Sài ở Lào chất lượng xấu và bị quá tải nghiêm trọng khi tiến hành các đợt không kích ồ ạt.

Không quân Pháp bất ngờ với hỏa lực phòng không mạnh của Việt Minh và mất quyền làm chủ bầu trời. Navarre coi đây là một sự cố bất ngờ nghiêm trọng nhất. Ngày 10.3.1954, tình báo cho ông biết Việt Minh có 100 khẩu cao xạ 12,7 mm, 16 khẩu 37 mm và sẽ tăng thêm 62 khẩu 37 mm nữa. Một vấn đề mới phát sinh với không quân Pháp là thả dù ở độ cao và hộ tống máy bay thả dù.

img

Bộ đội ta reo vui chiến thắng trên xác máy bay Pháp bị bắn hạ (Ảnh IT)

Máy bay C47 Dakota và C119 Packett đảm nhiệm việc thả dù. Chúng đã thực hiện 6.700 chuyến bay lên Điện Biên Phủ, vận chuyển bằng đường không 9.767 tấn hàng, thả dù 9.553 tấn và vận chuyển 8.000 người. Máy bay C47 Dakota thả dù ở độ cao 3.100 m ban ngày, 830 m ban đêm. Mỗi ngày 10 chuyến dù mở chậm. Máy bay C119 Packett thả dù mỗi ngày một chuyến ở độ cao 1.200 m, từ ngày 25 - 4 thả dù ở độ cao 3.000 m ban ngày và 1.100 m ban đêm, mỗi ngày 3 chuyến mỗi đêm 1 chuyến. Số hàng bị mất là 15% đối với máy bay C47 Dakota và 40% đối với máy bay C119 Packett. Mỗi ngày máy bay thả từ 75 tấn đến 150 tấn xuống Điện Biên Phủ. Mỗi phi công bay 150 giờ/tháng vào giai đoạn cuối của chiến dịch.

Máy bay tấn công 5 mục tiêu chính là đường giao thông, kho hàng và nơi đóng quân, vị trí ụ pháo, yểm trợ bộ binh và pháo phòng không. Máy bay B26, Privateer và khu trục oanh tạc ác liệt đường 13 và 41, nhất là ở giao lộ Cò Nòi, một cửa ải buộc Việt Minh phải vượt qua, bằng bom có sức công phá lớn, bom na pan, bom bướm nhưng không thể cản được Việt Minh tiến về Điện Biên Phủ. Navarre thừa nhận những nỗ lực của không quân để phá đường đều vô hiệu bởi hiếm có đoạn nào bị cắt đứt quá 24 giờ. Máy bay không phát hiện được các kho hàng ở Tuần Giáo do được ngụy trang hoàn hảo. Không quân Pháp sử dụng chiến thuật dùng máy bay B26 và Privateer dồn dập ném bom 250 và 500 li vơ trước, sau đó 4 - 5 máy bay khu trục bắn xối xả vào các ụ pháo của đối phương. Máy bay thiếu bom 2000 li vơ để nghiền nát những hầm pháo của đối phương. Phi công Banteau cho biết cắt bom trong vài phút để vô hiệu hóa hỏa lực đối phương không dễ dàng do phi công không có ra đa định hướng, chỉ được cung cấp tọa độ hoặc một bức ảnh để xác định mục tiêu tấn công. Khi phát hiện một khẩu đội pháo Việt Minh, máy bay lập tức tấn công nhưng Việt Minh luôn biết cách bảo vệ các khẩu đội pháo 37 mm. Các máy bay Bearcat, Hellcat, Helldiver, Privateer và B26 hỗ trợ trực tiếp cho bộ binh.

Thật khó cho phi công khi vừa tìm cách vượt qua hàng rào phòng không dày đặc, vừa ném bom, thả hàng và lính dù khi trận địa bị thu hẹp, quân hai bên ở quá gần nhau. Việt Minh tấn công vào ban đêm làm cho phi công lúng túng khi ném bom. Trung úy phi công Kloizt cho biết nhiều lính dù rơi vào khu vực của Việt Minh, trúng hàng rào dây thép gai và họ bổ sung vào danh sách những người thiệt mạng. Anh lính Faure đau lòng khi nhìn nhiều gói hàng cứu viện rơi sang bên kia chiến tuyến. Trung úy Monreau bịa ra chuyện những gói hàng đó chứa đạn giả, quân địch sử dụng đạn này sẽ bị nổ ngay trước mũi để động viên quân Pháp. Ngày 23 - 4 - 1954, máy bay của Kloizt bị trúng đạn ở Điện Biên Phủ, anh phải nhảy dù thoát thân.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, không quân Pháp đã mất 60 máy bay (15 chiếc do đặc công mặt đất phá hủy), trên bầu trời Điện Biên Phủ không quân mất 28 chiếc, hải quân mất 8 chiếc, và gần 100 chiếc bị thương. Một mất mát nặng nề với không quân Pháp. Dechaux cho rằng từ ngày để mất sân bay ở Điện Biên Phủ không quân chỉ còn mỗi việc là kéo dài việc cầm cự ở dưới mặt đất. Nhiệm vụ của không quân lẽ ra chỉ trong vòng 15 ngày nhưng kéo dài đến 56 ngày. Sự gẫy cánh của những chú chim sắt khổng lồ đã dẫn đến thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem