Vì sao lại giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường?

Thứ hai, ngày 30/10/2023 12:49 PM (GMT+7)
Theo Luật Giáo dục 2019, UBND các tỉnh, thành phố lập hội đồng chọn sách giáo khoa nhưng thực tế có nơi chưa đảm bảo tối đa việc chọn sách của các trường nên để điều chỉnh, Bộ GD&ĐT vừa có Dự thảo thông tư quy định mới.
Bình luận 0


Vì sao cần thay đổi?

Năm học 2023-2024, khối lớp 4, 8,11 được áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Để có thể giảng dạy tốt cho chương trình mới, các giáo viên bộ môn đã được tiến hành nghiên cứu, tập huấn SGK mới kỹ lưỡng. Cũng chính vì thế, các giáo viên cũng chính là những người sẽ có sự lựa chọn tốt nhất cuốn sách nào là phù hợp với giáo viên cũng như học sinh của mình.

Theo dự thảo mới, việc chọn sách sẽ được thực hiện với nguyên tắc đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Hội đồng lựa chọn sách sẽ do hiệu trưởng thành lập, mỗi trường sẽ có một hội đồng độc lập. Cách làm giao quyền cho nhà trường và giáo viên đã được thực hiện trong năm 2020 - năm đầu thay sách. Theo Luật giáo dục 2019, từ năm 2021 - 2023, chuyển việc lựa chọn sách về cho UBND các tỉnh thành, các trường chỉ được đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, trong quá trình thực hiện, có nơi chưa đảm bảo tối đa việc chọn sách của các trường, vì thế cần có sự thay đổi.

Nhiều giáo viên, chuyên gia trong ngành giáo dục đã có ý kiến cho rằng, giao quyền chọn SGK cho tỉnh, thành phố trên thực tế dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau. Ở nhiều nơi, giáo viên chưa thực sự có vai trò, tiếng nói trong việc chọn các bộ SGK để dạy học.

Vì sao lại giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường? - Ảnh 1.

Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các trường phổ thông sẽ được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi trong vòng 60 ngày và sẽ kết thúc vào ngày 20/12.

Do vậy, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục bày tỏ ủng hộ việc trao quyền lựa chọn SGK về cho các nhà trường và đội ngũ giáo viên bởi chính giáo viên là người trực tiếp giảng dạy học sinh, họ cũng là những người sát nhất với chương trình, với học sinh nên khi nghiên cứu SGK, các thầy cô có thể nhìn ra được điểm mạnh, yếu và sự phù hợp của từng bộ sách để thuận lợi cho quá trình dạy học.

Nhà trường sẽ tự chủ hơn nếu được trao quyền lựa chọn SGK

Chia sẻ về công tác lựa chọn SGK, cô Phan Tuyết - giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Khi mà mỗi nhà trường lựa chọn một bộ SGK thì hai bộ sách còn lại các thầy cô giáo có thể dùng làm tài liệu tham khảo rất là tốt. Lợi ích nhóm có lẽ sẽ được giảm nhiều nhưng lợi ích của phụ huynh và học sinh sẽ được tăng lên".

Bà Nguyễn Thị Xinh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: "Dự thảo thay đổi tới đây tôi nghĩ rằng khi giao quyền tự chủ hoàn toàn về cho nhà trường sẽ giúp cho nhà trường tự chủ hơn, đồng thời giáo viên, học sinh và phụ huynh có thể cùng đồng hành tham gia vào việc lựa chọn SGK, tìm ra một bộ sách phù hợp nhất với chương trình học, với trình độ chuyên môn của từng vùng miền".

Còn theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, với các quy định mới trong dự thảo sẽ khắc phục được những nhược điểm trong lựa chọn SGK hiện hành. Trong đó, điểm mấu chốt nhất là tiếng nói của các nhà trường, của giáo viên được tôn trọng và đóng vai trò quyết định. Đồng thời đây cũng chính là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách và giảm sự tác động của đội ngũ quản lý đến việc chọn sách của các nhà trường.

Là một chuyên gia giáo dục, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, quan điểm mỗi trường được quyền tự chọn SGK phù hợp trên nguyên tắc thận trọng, công khai, minh bạch. "Các trường được chủ động lựa chọn bộ SGK cũng là một cách nâng cao tính tự chủ trong công tác GD&ĐT".

Về phía Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, để đảm bảo đúng tinh thần về mặt chuyên môn là trao quyền lựa chọn SGK cho chính các thầy cô giáo là những người trực tiếp giảng dạy, "việc lựa chọn SGK cho môn học đã được trao cho giáo viên và tổ chuyên môn thực hiện ở tổ chuyên môn rồi. Hội đồng chỉ có trách nhiệm là thẩm định lại quá trình tổ chức lựa chọn của các tổ chuyên môn theo quy định tại thông tư".

Với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện có ba bộ SGK gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều. Giáo viên và nhà trường có thể chỉ chọn một bộ hoặc có thể chọn sách từ cả ba bộ để dạy cho học sinh của mình.

Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các trường phổ thông sẽ được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi trong vòng 60 ngày và sẽ kết thúc vào ngày 20/12.

Đỗ Vi (suckhoedoisong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem