Vì sao liên tục bổ sung dinh dưỡng mà trẻ vẫn thấp còi?
Vì sao trẻ thấp còi dù liên tục bổ sung dinh dưỡng?
Bạch Dương
Thứ hai, ngày 19/06/2023 15:12 PM (GMT+7)
Thấy con thấp bé hơn so với các bạn cùng tuổi, nhiều phụ huynh liên tục bổ sung vi chất, dinh dưỡng, chất bổ, nhưng tình hình không cải thiện. Thực chất, những trẻ này không phải thiếu chất, mà thiếu hormone tăng trưởng.
Tại chương trình tầm soát miễn phí cho tất cả các trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ, do thiếu hormone tăng trưởng (GH) của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), chị L., mẹ của một bé trai, cho biết con chị sinh ra đủ tháng, không có bệnh lý lúc sinh. Dù cả nhà quan tâm, chăm sóc nhưng đến khi gần 5 tuổi, bé chỉ cao 99cm và nặng chưa đến 15kg (theo Tổ chức y tế thế giới, chiều cao bé trai 5 tuổi trong giai đoạn này sẽ khoảng 109,2cm và nặng trung bình 18,4kg).
Đi khám, bé được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng và được chỉ định điều trị. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ được đi khám vì thấp bé, nhẹ cân hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa.
Nhiều gia đình cho biết, thấy con thấp, còi hơn bạn, đã cố gắng bổ sung dinh dưỡng, vitamin nhưng tình hình không cải thiện, đến khi đi khám mới biết con thiếu GH.
TS.BS Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết: "Phụ huynh đang ngày càng quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nguyên nhân con có chiều cao thấp chủ yếu do dinh dưỡng. Nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện sau thời gian điều trị hoặc can thiệp dinh dưỡng không hiệu quả.
Còn không ít phụ huynh chưa hiểu biết đúng và đủ về chứng chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH ở trẻ. Đồng thời, nhận thức về căn bệnh này trong cộng đồng còn hạn chế".
Quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội, là từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì.
Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống, hoặc tốc độ tăng trưởng ≤ 4 cm/năm và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng, thì rất có thể, trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng, và nên được đưa đi khám nội tiết sớm.
Hormone tăng trưởng được tiết ra từ tuyến yên ở não, đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể. Đồng thời, GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể, bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.
Thiếu GH ở trẻ em có thể đơn độc hoặc đi kèm với sự thiếu hụt các hormone tuyến yên khác. Thiếu GH thường dẫn đến sự tăng trưởng chậm bất thường, và chiều cao thấp với tỷ lệ cơ thể bình thường.
BS. CKI Trần Thị Ngọc Anh, khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết trẻ chậm cao do thiếu GH phải được khám và chẩn đoán bởi các bác sĩ nội tiết nhi. Nếu trẻ được chẩn đoán chính xác là chậm cao do thiếu GH, thì sẽ được tư vấn điều trị bổ sung GH.
Việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi, trước khi các sụn xương đóng lại. Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt GH cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung.
Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu, để đánh giá kết quả và chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm.
Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngưng bổ sung. Điều trị chậm tăng trưởng do thiếu GH là một quá trình lâu dài, có thể kéo dài nhiều năm, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều cần kiên trì, đồng hành sát sao để mang lại kết quả tốt nhất.
Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt, ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm, hoặc dưới 4 – 6 cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti.
Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng, có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...
Một số trẻ GH có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỷ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu GH cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi.
Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu GH, như thiếu tập trung, trí nhớ kém… Do vậy, khuyến cáo chung là cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới từ 4-6cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay.
Chương trình khám tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ diễn ra từ nay đến 9/7, vào các buổi chiều thứ 7 và sáng chủ nhật hàng tuần. Đây là năm thứ 7, bệnh viện thực hiện chương trình tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ.
Tính đến nay, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 2.000 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là gần 200 trẻ. Riêng trong năm 2022, có gần 400 trẻ tham gia chương trình tầm soát, và có 25 trẻ điều trị bằng GH.
Năm nay, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng hơn 400 trẻ đến thăm khám.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.