Vì sao lực sĩ Hoàng Anh Tuấn "mất tích"?

Chủ nhật, ngày 10/04/2011 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ một niềm hy vọng có thể giúp TTVN lần đầu vươn tới tấm HCV Olympic, giờ đây, lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn đã dần chìm vào quên lãng.
Bình luận 0

Từ đỉnh cao xuống vực sâu

img

Hoàng Anh Tuấn giành HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Những ai từng biết Tuấn khoảng gần 10 năm trước, khi anh mới 17 tuổi và lần đầu đặt dấu ấn trong làng cử tạ VN với tấm HCB Đại hội TDTT toàn quốc 2002 (tổng trọng tạ là 243kg), thì đều có chung cảm nhận về một VĐV mộc mạc, thật đến từng chi tiết.

Ngay cả khi chàng trai quê Bắc Ninh khẳng định được tên tuổi trên đấu trường quốc tế với những tấm HCV, HCB giải vô địch châu Á, ASIAD, thế giới những năm 2005-2006, thì cái chất cần cù, chịu khó vẫn không lẫn đi đâu được.

Thời điểm đó, Tuấn không hề nghĩ mình là "người đặc biệt", và những bước tiến chóng mặt về thành tích (dao động từ 280kg đến 285kg) đơn giản chỉ là thành quả của việc chăm chỉ… viết nhật ký hàng ngày: "Cứ sau mỗi buổi tập, tôi lại viết nhật ký, nhận rõ ưu nhược điểm để khắc phục trong những ngày tập sau. Có những thất bại mà tôi nghĩ mãi không ra nguyên nhân và từng thức trắng mấy đêm để phân tích kỹ vì sao" - Tuấn tâm sự.

Những nỗ lực cá nhân không biết mệt mỏi của Tuấn cộng với sự hỗ trợ đặc biệt từ nhiều phía đã giúp anh trở thành hàng hiếm của TTVN. Nhiều người đã ví von "Hercules" Hoàng Anh Tuấn với "nữ hoàng điền kinh" Vũ Thị Hương.

Cả hai đều không biết sợ, và càng đối mặt với thách thức thì họ càng khẳng định được bản lĩnh, độ lì lợm ở các giải đấu lớn. Điểm khác biệt nằm ở chỗ trong khi Hương ngày càng phát triển, độc tôn đường chạy 100m, 200m ở khu vực ĐNÁ, thì tấm HCV SEA Games vẫn luôn là một giấc mơ đối với Hoàng Anh Tuấn (?!).

Đó là câu hỏi khó có lời đáp thỏa đáng nếu biết rằng việc đoạt một tấm huy chương Olympic vẫn là điều mà điền kinh VN mơ ước, chứ đừng nói đến chuyện có thể giành HCB, như cách Tuấn từng làm được tại Olympic 2008 (290kg).

Và đương nhiên, những người lạc quan, giàu niềm tin nhất cũng chỉ có thể quên đi nghi án doping của Tuấn sau Olympic 2008, chứ không thể sống mãi trong mơ mộng sau khi Tuấn "dính" doping tại giải vô địch thế giới tháng 9.2010 (Thổ Nhĩ Kỳ).

Lỗi tại "người lớn"

Tại SEA Games 2011, đối thủ chính của lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn là ĐKVĐ hạng 56kg Setiadi Jadi (Indonesia, tổng trọng tạ 274kg). Muốn thắng, Tuấn dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Danikov (Bulgaria) phải cải thiện được thành tích thêm 18kg nữa so với cột mốc 256kg mà anh đã xác lập tại Olympic trẻ tháng 8.2010 (Singapore). Đó là việc làm cần có thời gian, đổ mồi hôi, nước mắt trên sàn tập chứ không thể làm liều "đốt cháy giai đoạn".

Việc Tuấn bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 2 năm (từ 18.9.2010 đến 18.9.2012) là sự thật phũ phàng không chỉ với riêng anh mà còn là nỗi đau chung của TTVN.

Cần nhớ, phải trải qua hàng chục năm vượt khó, phát triển, TTVN mới có thể khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao thế giới với những "ngôi sao" hiếm hoi: Hiếu Ngân (HCB taekwondo Olympic 2000), Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic 2008), Lê Quang Liêm (cờ vua), Tiến Minh (cầu lông), Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh)…

Việc Tuấn "rụng sớm" là điều đáng tiếc, nhưng đó cũng là một bài học quý với TTVN.

Nhớ lại cảnh một lãnh đạo môn cử tạ từng đứng ra nhận hết lỗi về mình ngay trên đất Lào sau thất bại của Tuấn tại SEA Games 2009 là sẽ hiểu việc Tuấn "sa ngã" là khó tránh khỏi. Thời điểm đó, những người làm chuyên môn đều sợ nếu báo chí hướng sự chỉ trích vào Tuấn, khiến anh nản lòng giã từ sự nghiệp thì không biết bao giờ mới xuất hiện "Hoàng Anh Tuấn 2".

Điều đó cho thấy sự cưng chiều của "người lớn" dành cho Tuấn lớn thế nào. Nó đủ để Tuấn có cảm giác hoang tưởng mình là số một, có quyền làm gì tuỳ thích...

Điều gì phải đến cũng đã đến. Giờ thì không cần báo chí chỉ trích, cử tạ Việt Nam vẫn mất một tài năng, giống như nhiều môn thể thao, trong đó có bóng đá từng mất vì không biết dạy học trò.

Đừng đi vào "vết xe đổ"

Sau Hoàng Anh Tuấn, hiện cử tạ VN đang đặt nhiều niềm tin vào lực sĩ trẻ 17 tuổi Thạch Kim Tuấn (HCV Olympic trẻ 2010) tại SEA Games 2011. "Hiện tôi chỉ biết tập trung học cho xong chương trình văn hóa năm cuối Đại học TDTT Từ Sơn. Mong rằng những em trẻ như Kim Tuấn có thể thế chỗ tôi một cách hoàn hảo" - anh Tuấn bày tỏ với NTNN.

Đằng sau những lời tâm sự của Tuấn có cái gì đó nghèn nghẹn không thể nói thành lời. Một VĐV đã cống hiến hết mình cho TTVN như anh thì còn biết làm gì nữa ngoài việc học và hy vọng tiếp tục thi đấu đỉnh cao thêm năm nào hay năm ấy: "Tôi cảm ơn lãnh đạo ngành thể thao Đà Nẵng đã thông cảm và vẫn cho tôi hưởng lương hàng tháng, đủ để trang trải cuộc sống. Đó là động lực để tôi quyết tâm đứng dậy sau bài học đau đớn vừa qua" -Tuấn chia sẻ.

Nhưng liệu sau Hoàng Anh Tuấn, còn bao nhiêu VĐV khác đi vào "vết xe đổ" đó nữa, khi mà không chỉ các VĐV, mà những người làm chuyên môn còn mù mờ về "doping"? Hơn nữa, bệnh thành tích vốn đã ăn quá sâu vào "máu" TTVN, và trong chừng mực nhất định, các VĐV cũng là nạn nhân của "căn bệnh" đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem