Trung Quốc đang chế tạo máy bay ném bom tầm trung tàng hình, giải pháp chiến thuật lấp đầy khoảng trống giữa tiêm kích tàng hình J-20 và máy bay ném bom chiến lược tầm xa mà Bắc Kinh tìm kiếm bấy lâu nay, tạp chí National Interest cho biết.
Điều này khiến không ít nhà quan sát cho rằng giới chức quốc phòng Mỹ có thể đã phải hối tiếc vì đã hủy dự án máy bay ném bom tàng hình tầm trung FB-22.
Năm 2001, tập đoàn Lockheed Martin bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của loại máy bay ném bom tầm trung dựa trên tiêm kích tàng hình F-22. Dự án được phát triển dựa trên kinh nghiệm từ chiến dịch Tự do bền vững ở Afghanistan, nơi chứng minh vai trò và hiệu quả của máy bay tấn công mặt đất trong môi trường ít có mối đe dọa phòng không.
FB-22 T-Rex sẽ tận dụng tối đa thiết kế của F-22, Hãng chế tạo Lockheed Martin hy vọng sự phổ biến của các bộ phận và thiết kế giữa hai máy bay sẽ giúp giảm chi phí cho dự án máy bay chiến đấu ném bom thế hệ thứ 5.
Máy bay mới sử dụng bộ khung giống F-22, nhưng được kéo dài và mở rộng thân máy bay để tăng tải trọng vũ khí bên trong.
Máy bay sử dụng loại động cơ mạnh hơn, cho phép đạt tốc độ tối đa 2.368 km/h, phạm vi hoạt động 2.500 km, so với 965 km của F-22.
FB-22 sẽ mang tải trọng vũ khí 6,8 tấn trong cấu hình tàng hình và gần 13 tấn trong cấu hình không tàng hình.
Các nhà thiết kế cũng đưa ra tùy chọn khoang vũ khí rời có khả năng tàng hình để treo dưới cánh, đảm bảo cho máy bay vẫn duy trì tính năng tàng hình khi mang thêm vũ khí hay nhiên liệu.
Dù khả năng chiếm ưu thế trên không giảm nhiều so với F-22, FB-22 vẫn giữ được khả năng không đối không tương đối mạnh.
B-22 sẽ lấp đầy khoảng trống về máy bay ném bom tầm trung tồn tại từ rất lâu giữa một bên là máy bay chiến đấu, cường kích và một bên là máy bay ném bom chiến lược tầm xa.
So với FB-111 (một dự án máy bay ném bom tầm trung), FB-22 có tải trọng vũ khí gần tương đương, dù tốc độ và tầm bay ngắn hơn một chút, nhưng bù lại nó có khả năng tàng hình.
Điều này cho phép FB-22 thực hiện các cuộc không kích vào không phận được bảo vệ nghiêm ngặt, mà không cần các đợt tấn công quy mô lớn mà không quân Mỹ từng sử dụng trong Chiến tranh Vùng Vịnh.
Tuy vậy cuối cùng dự án đã bị bóp chết vì nhiều lý do trong đó lý do chủ yếu là xung đột lợi ích giữa các nhà phát triển cũng như không quân Mỹ cho rằng, máy bay ném bom chiến lược sẽ quan trọng hơn máy bay chiến thuật.
Việt Hùng (An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.