Vì sao Napoleon không thể làm nổ tung cung điện Kremlin?

Thứ ba, ngày 16/07/2019 14:34 PM (GMT+7)
Trận chiến tại Moscow năm 1812 đã trở thành một mốc đánh dấu giai đoạn thất bại trong cuộc đời huy hoàng của đại đế Napoleon.
Bình luận 0

Sự đón tiếp “không nồng nhiệt”

Moscow rất khác với các thành phố châu Âu khác đã khuất phục trước đội quân hùng mạnh của Napoleon. Ở đây, không có đám đông người địa phương nào tròn mắt nhìn đội quân Grande Armée và không quan chức địa phương nào vội vã trao cho ông chìa khóa vào thành phố.

Thay vào đó, vị vua nước Pháp gặp phải một thành phố trống không, bị bỏ hoang, thù địch và đã sớm bị thiêu rụi trong những ngọn lửa. Nhìn những ngọn lửa ở Moscow, Napoleon khi đó chết lặng. Sau đó ông đã phải thốt lên rằng: “Một cảnh tượng kinh khủng. Họ đốt thành phố của chính mình. Thật cương quyết. Những con người này. Họ là những người Scythia!”

img

Những ngọn lửa bùng cháy ở Moscow ngày 15/9/1812. Ảnh: Getty

Sự chiếm đóng của quân Pháp ở Moscow chỉ kéo dài chưa đến 2 tháng. Tình cảnh mà Napoleon và đội quân Grande Armée gặp phải ngày càng trở nên kinh khủng và tồi tệ hơn. Họ phải đối mặt với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông nước Nga đang đến gần. Cuối cùng Napoleon đã phải ra quyết định rút khỏi Moscow.

“Trả thù”

Tuy nhiên, vị vua nước Pháp không thể rời thành phố mà không có “món quà” đáp trả sự “thù địch” mà ông đã phải nhận. Quyết định được đưa ra là tấn công vào trái tim của Moscow và thực sự cũng là trái tim của Nga: cung điện Kremlin.

“Ta đã phải từ bỏ Moscow và ra lệnh rằng Kremlin phải nổ tung”, Napoleon đã viết thư cho người vợ của mình như vậy.

Đội quân Grande Armée sau đó rút khỏi Moscow. Chỉ còn những người bị thương ở lại, cùng với 8.000 người dưới quyền của Thống chế Édouard Mortier, người được giao phó với mệnh lệnh làm nổ tung Kremlin, đốt cháy cung điện và tất cả các tòa nhà công cộng ở Moscow.

Trong khoảng 3 ngày, người Pháp đã buộc những người dân địa phương Moscow phải đào hào xung quanh Kremlin và đặt mìn. Một trong những công nhân đã kể lại rằng: “Đôi bàn tay chúng tôi không hề muốn tuân theo. Cho dù có cảm thấy cay đắng thế nào, chúng tôi vẫn phải đào. Kẻ thù đứng đó và nếu chúng tôi dừng lại, chúng sẽ dùng báng súng để đánh đập chúng tôi. Lưng tôi như vỡ ra từng mảnh”.

Một số người không thể chấp nhận việc thành phố sắp bị phá hủy, đã chạy trốn khỏi Moscow và thông báo kế hoạch này cho đội quân dưới quyền Tướng Ferdinand von Wintzingerode của Nga khi đó đồn trú ở một ngôi làng gần Moscow.

Tướng Wintzingerode giận dữ nói rằng: “Không, Bonaparte sẽ không tàn phá Moscow. Ta sẽ tuyên bố rõ ràng rằng, nếu chỉ 1 nhà thờ bị phá hủy, tất cả những người Pháp bị giam cầm ở đây sẽ bị treo cổ”.

Tránh khỏi thảm họa

Ngay khi những binh sỹ Pháp cuối cùng rời khỏi thành phố, những quả mìn gài sẵn bắt đầu phát nổ.

“Khắp nơi toàn những tiếng thất thanh kêu gào, la hét, tiếng rên rỉ của những người chứng kiến cảnh các tòa nhà đang đổ xuống. Họ kêu gào sự giúp đỡ, nhưng không ai có thể giúp. Những quả mìn nối nhau phát nổ, mặt đất rung chuyển không ngừng. Nó giống như ngày tận thế”, một nhân chứng kể lại.

Kết quả của các vụ nổ, nhiều ngọn tháp bị phá hủy, kho vũ khí cũng bị ảnh hưởng một phần. Điều kỳ diệu là bức tường cao nhất ở Moscow – Tháp chuông Ivan vẫn còn nguyên.

Hậu quả có thể đã tồi tệ hơn rất nhiều, nhưng có vẻ như, chính tự nhiên đã không chấp nhận ý định của Napoleon (như những gì lĩnh Pháp đã làm). Một trận mưa lớn không ngừng trút xuống đã dập tắt gần hết các ngọn lửa trước khi những quả mìn còn lại phát nổ.

Kế hoạch của Napoleon đã thất bại hoàn toàn. Trong khi những kẻ từng là đội quân Grande Armée phải xoay sở để rút khỏi thành phố thì những người dân Moscow đang bận rộn khôi phục lại thành phố của mình, gột tẩy hết những dấu tích về một cuộc tấn công của kẻ thù.

Hoàng Phạm (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem