Vì sao nên can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ trước 3 tuổi?

Infonet Thứ năm, ngày 02/04/2015 08:25 AM (GMT+7)
Tự kỷ là một dạng rối loạn chức năng phức tạp trong quá trình phát triển, thường xuất hiện sớm trong 3 năm đầu đời của trẻ. Tỷ lệ bé trai mắc nhiều hơn bé gái.
Bình luận 0

Theo ThS. Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, rối loạn cơ bản của trẻ tự kỷ là khả năng về giao tiếp. Trẻ không có khả năng thiết lập mối quan hệ với trẻ khác và không có khả năng phản ứng một cách bình thường với mọi tình huống.

img

Một giờ học của trẻ tự kỷ tại Trường chuyên biệt Khai Trí (TPHCM)

Trẻ gần như thu mình vào một thế giới riêng, từ chối giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trẻ thấy đủ với chính mình, thích thú khi ở một mình. Trẻ thể hiện sự hứng thú với đồ vật hơn là tương tác với con người. 

Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ thường không sáng tạo, trí thông minh hạn chế (trừ một vài trường hợp đặc biệt của hội chứng Asperger), có hành vi lặp đi lặp lại, sợ sự thay đổi.

Những dấu hiệu sớm của rối loạn tự kỷ

* Ở trẻ dưới 1 tuổi:

- Không hoặc hạn chế nhìn vào mắt người chăm sóc khi họ tiếp xúc với trẻ.

- Có vẻ “ngoan”, ít quấy khóc, ít đòi bồng hoặc ngược lại là khóc liên tục.

- Không thể hiện cảm xúc vui mừng khi gặp người chăm sóc.

- Không ê a đáp trả với người chăm sóc khi được nói chuyện.

* Trẻ 12-18 tháng:

- Trẻ không dùng 1 ngón tay trỏ để chỉ vào vật trẻ thích.

- Kéo tay người khác đặt vào vật trẻ muốn.

- Không dùng ngón trỏ để chỉ vào vật nào đó mang tính chia sẻ.

- Chưa biết chơi giả bộ đơn giản: giả bộ uống nước bằng ly không có nước, cầm đồ chơi giả bộ làm điện thoại…

- Thờ ơ với những trẻ cùng lứa.

- Gọi trẻ nhưng trẻ không quay lại dù có thể chú ý đến tiếng tivi rất nhỏ.

- Hạn chế nhìn mắt người khác.

- Hạn chế hiểu yêu cầu và thực hiện yêu cầu.

- Đi nhón gót chân thường xuyên.

Có nhiều nguyên nhân của rối loạn tự kỷ được đưa ra như: chuyển hoá, miễn dịch, bệnh học thần kinh, môi trường, quá trình mang thai của người mẹ, quá trình sinh nở, sự phản ứng của vắc xin, rối loạn những chức năng trong hệ thần kinh trung ương… Nhưng những ý kiến này vẫn chưa được thống nhất và còn nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, rối loạn tự kỷ không phải là bệnh lý về tâm thần, không phải do cách nuôi dạy của bố mẹ hoặc người chăm sóc, không do ảnh hưởng tâm lý trong quá trình phát triển của trẻ.

Khi nhận thấy con có những dấu hiệu sớm của rối loạn tự kỷ, phụ huynh cần đưa con đến khám tại các bệnh viện nhi, hoặc bệnh viện tâm thần nhi, hoặc các trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em để được chẩn đoán chính xác và được tư vấn hướng dẫn phương pháp can thiệp.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tham gia các lớp huấn luyện để hiểu rõ hơn về rối loạn tự kỷ của con và biết cách hướng dẫn con tại nhà.

Cách can thiệp hiện nay đối với trẻ tự kỷ là giáo dục đặc biệt và giáo dục hòa nhập, nhằm cải thiện những khó khăn trong giao tiếp, xã hội và hành vi mà trẻ có. Can thiệp sớm cho trẻ trước 3 tuổi luôn mang lại kết quả tốt hơn so với phát hiện và can thiệp muộn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem